Thương học trò, Nhà giáo nhân dân Phương Thảo gắn bó với ngôi trường 29 năm

22/01/2021 06:50
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhận được thông tin trở thành Nhà giáo nhân dân, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Huỳnh Thị Phương Thảo cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

Với 29 năm công tác, cô giáo Huỳnh Thị Phương Thảo (sinh năm 1971) quê quán xã Phước Tân Hưng, giáo viên trường Tiểu học Việt Lâm, xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tình Long An luôn hết lòng vì học sinh thân yêu, cô phấn đấu nỗ lực không ngừng trong công tác giảng dạy.

Niềm vinh dự và đầy tự hào khi cô Thảo là giáo viên tiểu học duy nhất trong số các nhà giáo được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc năm 2020.

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo là giáo viên tiểu học duy nhất trong số các nhà giáo được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc năm 2020 (ảnh: NVCC)

Cô Huỳnh Thị Phương Thảo là giáo viên tiểu học duy nhất trong số các nhà giáo được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký quyết định phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân” vì có công lớn trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của dân tộc năm 2020 (ảnh: NVCC)

Nhận được thông tin vui mừng này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo cảm thấy rất vui và hạnh phúc vì đây là kết quả cho những nỗ lực, cố gắng của mình trong suốt thời gian qua.

“Tuy nhiên từ nay trở đi tôi vẫn cần cố gắng nhiều hơn nữa để dạy dỗ học trò đọc tốt, viết tốt hơn nữa chứ không phải đạt được danh hiệu cao quý này là dừng lại ở đó.

Bởi Việt Lâm là ngôi trường ở vùng sâu của huyện Châu Thành nên học sinh chưa được cha mẹ quan tâm nhiều như các em ở thị trấn vì phụ huynh bận đi chài, lưới ở dưới thuyền nên gửi con cho ông bà nội ngoại trông nom giúp nhưng không thể kèm cháu học được nên các em còn nhiều thiệt thòi, học lực hơi yếu”, cô Thảo thông tin.

Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Sư phạm năm 1992 với tấm bằng loại Giỏi nên cô được phân công về công tác ở điểm trường phụ của một trong những ngôi trường thuộc vùng sâu và khó khăn nhất của huyện Châu Thành, đó là trường Tiểu học Việt Lâm nhưng với lòng yêu nghề, nhiệt tình nên cô đã gắn bó với trường đến ngày hôm nay.

Nói về sự gắn bó với ngôi trường Việt Lâm từ ngay ra trường đến nay, cô Thảo kể: “Lúc tôi mới về trường thì đường xá đi lại rất khó khăn, cơ sở vật chất còn thiếu thốn, dạy điểm trường có bốn lớp từ lớp 1 đến lớp 4, khi đó ngồi phòng học này có thể nhìn xuyên sang phòng học bên kia, mùa nước ngập thì ngập cả phòng học.

Giờ đường xá đi lại thuận tiện hơn, trường khang trang hơn nhưng tôi nghĩ ngày xưa còn khó khăn mình còn dạy được thì giờ quen trường, quen lớp, thấy học sinh yếu, tôi không nỡ rời đi. Cứ như thế đã khiến tôi gắn bó với Việt Lâm 29 năm”.

Nói điều mong ước cho học trò Việt Lâm trong năm mới thì cô Thảo nói: “Là giáo viên, tôi nhận thấy học trò còn yếu do đó muốn các em bằng với học sinh trường khác thì thầy cô Việt Lâm phải đầu tư thời gian và tâm huyết nhiều hơn nữa để đồng hành cùng các em”.

Cô Thảo nghĩ ngày xưa còn khó khăn mình còn dạy được thì giờ quen trường, quen lớp, thấy học sinh yếu không nỡ rời trường Việt Lâm để đi (ảnh: NVCC)

Cô Thảo nghĩ ngày xưa còn khó khăn mình còn dạy được thì giờ quen trường, quen lớp, thấy học sinh yếu không nỡ rời trường Việt Lâm để đi (ảnh: NVCC)

Được biết, Nhà giáo nhân dân Huỳnh Thị Phương Thảo vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1994 và nhiều năm là Đảng viên xuất sắc, cá nhân điển hình tiên tiến.

Cô Thảo 15 năm là Chiến sĩ thi đua cấp huyện và 6 năm Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, 5 lần được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Năm 2010, cô được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú vì đã có cống hiến trong sự nghiệp giáo dục của dân tộc.

Năm 2020, cô được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Năm 2021, cô được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.

Ngoài ra, cô Huỳnh Thị Phương Thảo luôn tâm huyết, tận tụy với nghề, đi đầu trong việc đổi mới quản lý giáo dục lớp chủ nhiệm được phân công, đi đầu trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

Cô sử dụng có hiệu quả đồ dùng dạy học và những thiết bị có sẵn của trường. Ngoài ra, cô còn sáng tạo làm thêm nhiều đồ dùng dạy học mới để phục vụ tốt cho tiết dạy, áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Các tiết dự giờ, thao giảng, sinh hoạt cụm đều được cô Thảo soạn giảng bằng giáo án điện tử, làm cho các tiết học trở nên phong phú hơn.

Để đáp ứng tốt yêu cầu công việc, cô Thảo luôn nỗ lực tìm tòi, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học các cấp đánh giá cao các đề tài sáng kiến: Giúp học sinh yếu giải toán điển hình: “Tìm hai số khi biết hiệu và tỉ số của hai số đó”, “Một số kinh nghiệm trong công tác chủ nhiệm lớp”; “Một số kinh nghiệm giảng dạy các yếu tố hình học lớp 4”…các sáng kiến này đã được ứng dụng cho học sinh toàn khối lớp 4 tại trường Tiểu học Việt Lâm.

Và cô thường xuyên dự giờ, tham gia dạy hội giảng, thao giảng để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệp giảng dạy. Cô còn nhiệt tình tham gia các phong trào xã hội; vận động mạnh thường quân ủng hộ giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về tập, sách,... góp phần giúp các em an tâm học tập.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Bảy - Hiệu trưởng trường Tiểu học Việt Lâm cảm thấy rất vui và tự hào khi nhà trường có một giáo viên được Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu cao quý “Nhà giáo nhân dân”.

Thầy Bảy kể: “Sáng 21/1, tôi bước vào trường với cái se se của những ngày giáp Tết. Hôm nay trường tôi nhộn nhịp hẳn lên. Khi tôi còn chưa hiểu có chuyện gì thì thầy Tâm – giáo viên dạy môn Tiếng Anh đã nhanh miệng nói với tôi “Có báo đăng cô Thảo trường mình được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân rồi thầy”.

Lúc đó tôi vẫn chưa tin vì thỉnh thoảng tôi vẫn lên mạng tra thông tin kết quả xét tặng của Hội đồng nhà nước.

Ngay lúc đó, em Tùng – bảo vệ nhà trường đưa điện thoại truy cập với nhan đề bài viết “Cô giáo tiểu học duy nhất được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân 2020” trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Lúc bấy giờ tôi đã thực sự tin vào điều đó.

Lướt qua nhìn một lượt, tôi đã bắt gặp những ánh mắt long lanh của tất cả các đồng nghiệp. Ai cũng hân hoan, vui với cái vui chung của tập thể. Lòng tôi bắt đầu lâng lâng với một cảm xúc khó tả.

Có lẽ người vui nhất là cô giáo Thảo. Cô hồi hộp, chờ đợi từng ngày thì nay niềm vui đã đến thật sự với cô”.

Thầy Bảy cho rằng, danh hiệu này sẽ khích lệ tinh thần, tu dưỡng, rèn luyện cho tất cả giáo viên của trường Việt Lâm và đồng nghiệp trong ngành giáo dục Châu Thành trong thời gian sắp tới.

Thùy Linh