Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả?

24/01/2018 07:30
Nhật Duy
(GDVN) - Làm khoa học giáo dục mà chỉ để tiêu tiền ngân sách và không phải chịu trách nhiệm trước công luận về các sản phẩm của mình thì theo chúng tôi, đó là thảm họa.

LTS: Tiếp theo bài viết Tích hợp kiểu này, "giết" môn Sử, thầy giáo Nhật Duy tiếp tục phân tích những điều tác giả cho là phản khoa học khi tích hợp 2, 3 môn độc lập ở bậc học trung học cơ sở vào 1 sách mà vẫn giữ nguyên nội dung từng môn.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này, văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả.

Ngày 4/8/2017 trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cho biết:

"Dạy học tích hợp là xu thế chung của chương trình giáo dục phổ thông các nước."

"Đến giai đoạn hiện nay, xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành. 

Có nghiên cứu liên ngành mới giải quyết được nhiều vấn đề mà từng ngành khoa học riêng rẽ không giải quyết được hoặc không giải quyết toàn vẹn được." 

"Dạy học tích hợp là một xu thế hiện đại." [1]

Tích hợp 2-3 môn vào 1 sách là xu thế của thế giới nào? Xin quý thầy hãy chứng minh

Trong bài viết trước “Tích hợp kiểu này, “giết” môn sử”, chúng tôi đã phân tích, dạy học tích hợp là điều các thày cô giáo bậc phổ thông vẫn làm suốt mấy chục năm nay, không có gì mới. 

Sách giáo khoa "tích hợp" Lịch sử và Địa lý lớp 4 của chương trình hiện hành vẫn giữ 2 phần sử, địa độc lập. Riêng lịch sử, học sinh lớp 4 phải học "tri thức thông sử" của 26 thế kỷ, để rồi không biết Quang Trung - Nguyễn Huệ có mối liên hệ gì với nhau. Ảnh chụp màn hình VTV.
Sách giáo khoa "tích hợp" Lịch sử và Địa lý lớp 4 của chương trình hiện hành vẫn giữ 2 phần sử, địa độc lập. Riêng lịch sử, học sinh lớp 4 phải học "tri thức thông sử" của 26 thế kỷ, để rồi không biết Quang Trung - Nguyễn Huệ có mối liên hệ gì với nhau. Ảnh chụp màn hình VTV.

Nhưng phương pháp dạy học tích hợp khác hoàn toàn với "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách.

Ghép cơ học 2, 3 môn khác nhau vào 1 sách mà vẫn do 2, 3 thầy dạy là phản khoa học, là đánh tráo khái niệm “tích hợp”.

Hơn nữa, cái mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích “xu thế chung của khoa học là nghiên cứu liên ngành” dù có đúng đi nữa, nhưng đó là chuyện "nghiên cứu" của các nhà khoa học, chứ không phải chuyện "dạy và học" của giáo viên - học sinh phổ thông.

Không thể dùng chuyện nghiên cứu của các nhà khoa học để giải thích cho việc quý thầy ghép 2, 3 môn học trong giáo dục phổ thông lại với nhau.

Và dường như thầy Tổng chủ biên đang có sự nhầm lẫn về các khái niệm này.

Một khi quý thầy Tổng chủ biên, chủ biên các môn học đã tin tưởng chắc chắn, khẳng định rõ ràng rằng, “tích hợp” kiểu các thầy đang muốn làm là “xu thế chung” của giáo dục phổ thông trên thế giới, xin hãy chứng minh.

Xin đề nghị quý thầy giới thiệu vài quốc gia tiên tiến đã tích hợp Lịch sử với Địa lý; Vật lý, Hóa học và Sinh học với nhau, họ làm từ bao giờ, như thế nào, thành công ra sao?

Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả? ảnh 2

Hàng tỉ đô la Mỹ đi vay đầu tư cho giáo dục thế nào, hiệu quả ra sao?

Tiếp đến, để thuyết phục hơn nữa, xin quý thầy giới thiệu một số cuốn sách giáo khoa “tích hợp” Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên bao gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy cho bậc trung học cơ sở ở các nước này.

Như thế khỏi mất thời gian tranh cãi.

Bằng không, quý thầy không thể ngăn được dư luận nghi ngờ tính trung thực của các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa hiện nay.

Bài học làm chương trình chỉ để giải ngân hàng trăm triệu đô la Mỹ khi làm Chương trình sách giáo khoa 2000 vẫn còn nguyên giá trị, và chính các nhà biên soạn chương trình, sách giáo khoa đã "hỗ trợ" cho việc làm chương trình để giải ngân này. [2]

5 sự thật về "tích hợp" 2, 3 môn vào 1 sách

Còn về phần chúng tôi, xin được trình bày cụ thể quan điểm của mình về vụ “tích hợp” 2, 3 môn vào 1 sách như sau:

Thứ nhất, chúng tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào thể hiện việc gộp 2, 3 môn học độc lập vào 1 sách như quý thầy đang làm là xu thế của thế giới.

Nói cách khác, chúng tôi chưa thấy quốc gia nào làm cái việc “tích hợp” như quý thầy đang làm. Chúng tôi hy vọng quý thầy có thể chứng minh chúng tôi sai, xin hãy đưa ra bằng chứng.

Trong khi quý thầy làm chương trình chưa chứng minh được tính hiệu quả, khoa học hơn chương trình hiện hành thì khi giảng dạy sẽ không nâng được chất lượng mà vô tình lại làm rối nội dung môn học mà thôi. 

Theo chúng tôi, chương trình mới vẫn giữ 5 môn học độc lập như hiện nay ở bậc trung học cơ sở, 4 chủ đề tích hợp cho 4 năm học là quá ít để gom Lịch sử và Địa lý vào 1 sách.

Với 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học ở bậc trung học cơ sở thì càng ít và càng khó "tích hợp" chúng lại.

Hoàn toàn có thể đưa các chủ đề / vấn đề “tích hợp” này vào cái quý thầy sáng tạo ra là “hoạt động trải nghiệm”.

37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 không trả lời đúng câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau, và đưa ra nhiều thông tin cười ra nước mắt, ví như Quang Trung chính là Nguyễn Du.
37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 không trả lời đúng câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau, và đưa ra nhiều thông tin cười ra nước mắt, ví như Quang Trung chính là Nguyễn Du.

Xin thưa, dù có thay tên đổi họ thế nào, thì những cái quý thầy nghĩ ra như "tích hợp 2, 3 môn 1 sách", hay sao chép của nước ngoài như “trải nghiệm sáng tạo” vẫn không vượt qua được tư tưởng “học đi đôi với hành” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nói cách khác, mục tiêu “dùng kiến thức học tập để giải quyết tình huống thực tiễn” như những gì Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hướng tới cũng chỉ là thực hiện nguyên tắc “học đi đôi với hành” mà thôi.

Nhưng chúng tôi tin rằng, nói “học đi đôi với hành” thì từ quan chức đến thứ dân, mọi tầng lớp trong xã hội đều hiểu.

Quý thầy nào có thể chứng minh được món “tích hợp” và “trải nghiệm sáng tạo” quý thầy đang theo đuổi vượt qua cả tư tưởng “học đi đôi với hành”, xin hãy chứng minh cho dư luận mở rộng tầm mắt, chúng tôi sẵn sàng rửa tai lắng nghe.

Nếu xem đây là nguyên tắc, kim chỉ nam của mọi hoạt động giáo dục, đào tạo, thì thiết nghĩ sẽ không tốn hàng trăm triệu, hàng tỉ USD đi vay để thay đổi chương trình, sách giáo khoa mà vẫn hiệu quả, chứ giáo dục phổ thông không rối ren như bây giờ.

Thứ hai là đội ngũ viết chương trình mới vẫn là những gương mặt cũ, trong đó nhiều vị đã tham gia làm chương trình, viết sách giáo khoa năm 2000.

Điều này trái với lẽ tự nhiên, vì thứ nhất các quý thầy đã từng tham gia làm chương trình - sách giáo khoa 2000 bất cập ngay từ ngày đầu áp dụng, thì quý thầy sẽ khó có thể vượt ra khỏi các giới hạn về tư tưởng, tư duy của chính mình.

Thứ ba, sản phẩm của quý thầy cô làm ra có biết bao nhiêu lỗi mà xã hội phải gánh chịu, nhưng không một ai lên tiếng nhận trách nhiệm.

Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả? ảnh 4

Kiến nghị Quốc hội giám sát việc phát hành, phân phối sách giáo khoa

Làm khoa học, nhất là khoa học giáo dục mà chỉ để tiêu tiền ngân sách và không phải chịu trách nhiệm trước công luận về các sản phẩm của mình thì theo chúng tôi, đó là thảm họa.

Ngay cả món “tích hợp” trong chương trình mới cũng chỉ là sự tiếp nối “sáng tạo” trên sách vở của các thầy. 

Việc ghép cơ học Lịch sử với Địa lý ở lớp 4, lớp 5 chương trình hiện hành là bằng chứng rõ nhất về sự “sáng tạo” của quý thầy, mà chúng tôi đã phân tích trong bài viết trước.

Quý thầy không có bất kỳ tổng kết nào về món “tích hợp” Lịch sử và Địa lý ở lớp 4, lớp 5, cũng không đưa ra bất kỳ cơ sở khoa học thực nghiệm, thực chứng nào về tích hợp 2, 3 môn bậc trung học cơ sở vào 1 sách, mà cứ thế triển khai.

Làm khoa học như thế có khác nào đi chơi?

Thứ tư, đội ngũ giáo viên chỉ được đào tạo đơn môn, lâu nay vẫn chỉ dạy 1 môn học chính còn chưa ăn ai, giờ theo chủ ý của quý thầy làm chương trình thì trước tiên là 1 sách 2 thầy nhưng một vài năm khi áp dụng sẽ tiến tới 1 sách/ 1 thầy/ 2 hoặc 3 phân môn là một điều đáng lo ngại.

Lúc đó ngoài phân môn chính giáo viên nắm chắc kiến thức, các phân môn còn lại chỉ cần “tụng đọc” sách giáo khoa của quý thầy cho học sinh chép, ai sẽ chịu trách nhiệm? Số giáo viên dôi dư rất lớn do "tích hợp" sẽ giải quyết thế nào?

Nếu cứ hiểu theo logic lời một giáo sư khi nhận xét Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông năm 2014, thì sẽ chẳng có ai chịu trách nhiệm về việc này cả. [3]

Cũng như chương trình 2000, đến nay có ai phải chịu trách nhiệm đâu?

Sau phóng sự của VTV về thảm trạng dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông theo chương trình hiện hành, không thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm.
Sau phóng sự của VTV về thảm trạng dạy và học lịch sử ở bậc phổ thông theo chương trình hiện hành, không thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm.

Như đã phân tích ở trên, dù “tích hợp” kiểu gì, thì 2 sách giáo khoa mới vẫn bao gồm 5 môn độc lập. Mà người xưa nói, một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Dù thầy cô có cố gắng đền đâu, thì dạy giỏi 1 môn đã tốt lắm rồi.

Cách làm “đổi mới” của quý thầy rất có nguy cơ đẩy thầy và trò lún sâu vào vòng xoáy đọc - chép mà không có lối thoát.

Không lẽ đến 2022 khi kết thúc dự án, lại phải làm lại chương trình sách giáo khoa như bài học của Chương trình 2000?

Thứ năm, là vấn đề triển khai các môn “tích hợp” nếu quý thầy, quý Bộ vẫn kiên quyết việc mình mình cứ làm.

Ngoài các bất tiện và rắc rối về sổ sách, thời khóa biểu, thi kiểm tra, vào điểm mà các thầy cô đã phân tích khá nhiều, cụ thể, chi tiết trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mà chưa giáo sư, phó giáo sư nào trả lời được, thì còn vấn đề nữa chúng tôi xin nói thêm.

Tích hợp 1 sách 2, 3 thầy nếu thất bại, ai sẽ chịu trách nhiệm? Không ai cả? ảnh 6

Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm

Đó là vấn đề tính điểm tổng kết. Chẳng hạn phân môn Địa lí có em toàn điểm 9-10, phân môn Lịch sử chỉ điểm 4-5, thậm chí 1-2 thì tính trung bình cộng có phải là bất công hay không? 

Quan trọng hơn là mục đích giáo dục của các môn này có đạt được, khi điểm lấy “trung bình cộng” thì môn này có thể gánh cho môn kia, và thay vì 5 điểm môn Lịch sử là qua kỳ kiểm tra, nhưng giờ 2 điểm Lịch sử vẫn qua vì có 8 điểm Địa lý gánh lại?

Nói như dân gian thì thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng. Văn hoa hơn, trung ngôn nghịch nhĩ.

Chúng tôi chỉ mong rằng quý thầy biên soạn chương trình mới và quý lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo hãy thể hiện bản lĩnh của nhà khoa học và nhà lãnh đạo;

Xin quý thầy hãy tiếp thu một cách thực sự cầu thị, chân thành, khách quan những góp ý thẳng thắn từ dư luận, sẵn sàng thảo luận, thậm chí tranh luận trực tiếp với chúng tôi trên diễn đàn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam này.

Được như vậy chân lý sẽ sáng tỏ, và không ai có thể bác bỏ được những “đổi mới” của quý thầy, nếu quý thầy chứng minh được tính khoa học, hiệu quả và khả thi của nó.

Nhược bằng không được như vậy, thì đó cũng là cơ hội để quý thầy ngăn chặn sai lầm, bởi sai lầm trong giáo dục có thể trả giá cả trăm năm mà không một ai gánh nổi.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Nguyen-Minh-Thuyet-Mon-tich-hop-se-do-3-giao-vien-day-post178674.gd

[2]http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Mong-Quoc-hoi-giam-sat-lam-ro-kinh-phi-cho-chuong-trinh-sach-giao-khoa-post180889.gd

[3]http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/se-co-nhieu-de-an-34-nghin-ty-dong-nua/547764.antd

Nhật Duy