Tiết lộ gây sửng sốt của nhiều học sinh về việc học môn Lịch sử

13/07/2018 06:18
Đỗ Quyên
(GDVN) - Gần 90% học sinh bị điểm thấp môn Lịch sử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua là hậu quả của việc “nhiều trường không dạy, học sinh không học”.

LTS: Trước việc phổ điểm môn Sử chính thức từ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy điểm thi môn Sử của kì thi quốc gia 2018 với điểm trung bình chỉ 3.79, tác giả Đỗ Quyên đã có những chia sẻ về cách dạy và học môn học này tại các nhà trường hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của cá nhân tác giả.

Chuyện chất lượng môn Lịch sử khá thấp trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia  vừa qua khiến cho dư luận cứ loay hoay đi tìm nguyên nhân để lý giải.

Thế nhưng có những nguyên nhân nhiều giáo viên (là người trong cuộc) cũng không biết hoặc biết cũng không dám lên tiếng.

Bởi thế, nguyên nhân chính luôn bị bưng bít nên chất lượng môn Lịch sử vẫn không thể được cải thiện vì không được khắc phục tận gốc.

Thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh minh họa: T.D/ baohaiquan.vn).
Thí sinh tham gia kỳ thi trung học phổ thông Quốc gia (Ảnh minh họa: T.D/ baohaiquan.vn).

Là giáo viên nhưng từ trước đến nay đều giảng dạy ở những trường thuộc hệ thống trường công lập thế nên tôi và nhiều đồng nghiệp của mình cũng ít am hiểu môi trường giáo dục tư thục.

Mới đây, trong một vài lần tiếp xúc với học sinh lớp 12 học ở nhiều trường tư thục ở thành phố Hồ Chí Minh, được nghe trực tiếp các em kể chuyện dạy và học những môn không tham gia xét tuyển đại học, chúng tôi cũng đã khá sốc với những tiết lộ bất ngờ của các em.

Kết quả thấp vì có được thầy cô dạy đâu

Cô con gái học một trường trung học phổ thông tư thục tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Lớp con chủ yếu đăng ký thi ban tự nhiên nên những môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân… hầu như không có thầy cô lên lớp dạy (trừ vài tuần đầu tiên của năm học).

Thi thoảng có một đề cương, giáo viên làm sẵn chuyển vào lớp thông qua cán bộ lớp để học sinh chép rồi nộp để lấy điểm”.

Môn học chủ yếu Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh, Sinh. Những môn học này, thời khóa biểu 3 buổi kín bưng.

Tiết lộ gây sửng sốt của nhiều học sinh về việc học môn Lịch sử ảnh 2Hơn 83% thí sinh có điểm môn Lịch sử dưới trung bình

Ngày nào lên lớp cũng chỉ thấy học, ôn luyện những môn học ấy. Khi kiểm tra miệng hay 15 phút thầy cô không báo trước mà luôn kiểm tra bất ngờ để buộc học sinh không thể đối phó.

Bài kiểm tra 1 tiết luôn được thầy cô coi thi rất nghiêm túc. Một phòng tới 4 giám thị, nhiều em nói “cựa cũng chẳng dám nói gì đến quay cóp”. Thế nên học sinh lo sợ và lăn vào học một cách miệt mài.

Nhiều học sinh học ở một ngôi trường tư thục khác cũng nói rằng “học sinh thi ban Khoa học tự nhiên (chiếm khoảng 2/3 học sinh toàn trường) cũng không phải học những môn của ban Khoa học xã hội (trừ môn Ngữ văn).

Vậy điểm thì tính sao? Không học lấy điểm nào để tổng kết? Chúng tôi thắc mắc nên đặt câu hỏi ngay.

Nhiều em nói rằng “hầu như là thầy cô cho điểm khống. Nhiều thầy cô dựa vào kết quả những môn Toán, Văn để cho.

Ví như điểm Toán, Văn của bạn được 7 hoặc 8 thì điểm những môn học khác cũng được thầy cô cho vào khoảng ấy.

Hay bạn đạt điểm giỏi những môn Toán, Văn đương nhiên sẽ được giáo viên ưu ái những môn khác cũng điểm giỏi.

Một số trường có vẻ nghiêm túc hơn khi vẫn dạy và kiểm tra theo đúng quy định như một số trường công nhưng thầy cô lại ngầm du di cho học sinh.

Ví như khi thi kiểm tra, thầy cô ra đề dễ, coi thi vô cùng dễ dãi (học sinh thoải mái trao đổi và quay bài từ sách giáo khoa).

Học sinh gần như không học

Do nhà trường du di nên đương nhiên nhiều học sinh sẽ không học những môn học không tham gia xét tuyển đại học.

Tiết lộ gây sửng sốt của nhiều học sinh về việc học môn Lịch sử ảnh 3Rất nhiều thí sinh Quảng Trị được điểm rất thấp môn Tiếng Anh và Lịch Sử

Ngoài những học sinh thi ban C (Văn, Sử, Địa) là chịu học môn Sử và Địa. Phần lớn những học sinh khác đăng kí môn Lịch sử, Địa lý chỉ để xét tốt nghiệp.

Nhiều em cho biết “chẳng cần học, vào thi khoanh đại chẳng lẽ không được vài điểm hay sao?”.

Không được dạy, cũng không học nên kiến thức Lịch sử của nhiều học sinh trung học phổ thông có thể nói là bằng không.

Không ít học sinh xếp loại học lực giỏi ngay một kiến thức về lịch sử đơn giản nhất là tỉnh Hà Nam, Thái Bình thuộc miền nào? Hay Bến Tre thuộc miền Trung phải không? Nhiếp chính Ỷ Lan là ai?...

Thế nên gần 90% học sinh bị điểm thấp môn Lịch sử trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua là hậu quả của việc “nhiều trường không dạy, học sinh không học” môn Lịch sử nên các em chỉ biết khoanh đại để xét tốt nghiệp.

Giáo viên tiếp tay với nhà trường bưng bít thông tin vì quyền lợi cá nhân

Những thông tin “nhà trường không dạy (hoặc dạy một cách sơ sài, đối phó) những môn học không tham gia xét tuyển đại học chỉ được học sinh (sau khi ra khỏi trường) mới tiết lộ.

Vì sao giáo viên lại không có phản ứng gì về việc phân biệt đối xử với các môn học như thế?

Tất cả chỉ vì quyền lợi của chính họ. Không tổ chức dạy một số môn học mà tập trung dạy những môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh chính giáo viên những bộ môn này sẽ được tăng tiết nhiều. Nhà trường sẽ tuyển khá ít giáo viên những môn học còn lại.

Tiết lộ gây sửng sốt của nhiều học sinh về việc học môn Lịch sử ảnh 4Điểm thi môn Sử thấp, xem lại cách dạy và học Lịch sử trong nhà trường hiện nay

Để thanh kiểm tra chuyện thế này không khó. Nếu muốn, đoàn thanh tra sẽ đến trường xem thời khóa biểu, xem bảng phân công chuyên môn.

Lấy số tiết buộc phải học của từng môn (theo đúng quy định của Bộ Giáo dục) để chia ra theo lớp.

Đồng thời, tiếp thu ý kiến của học sinh, chắc chắn sẽ biết được nhà trường đã thực hiện công việc giảng dạy chuyên môn như thế nào.

Môn Toán, Anh văn, Văn…giáo viên dạy hết tốc lực, học sinh cũng học ngày học đêm cả năm trời mà kết quả còn thấp như thế.

Môn Lịch sử vừa dài, vừa khô khan lại không được nhiều trường chú trọng. Kết quả đạt được như thế chẳng có gì là bất ngờ cả.

Đỗ Quyên