Tỉnh Bình Thuận tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới VNEN

20/05/2019 06:11
Đỗ Quyên
(GDVN) - Những cán bộ không nghe được hay không muốn nghe những tiếng nói từ một số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mô hình VNEN, từ phụ huynh đang có con theo học?

Tỉnh Bình Thuận triển khai mô hình trường học VNEN từ năm học 2012-2013, tính đến nay đã được 6 năm.

Trong khi nhiều tỉnh thành trên cả nước đã nói không với mô hình dạy học này vì khá nhiều bất cập.

Một tiết học theo mô hình VNEN ở tỉnh Bình Thuận (Ảnh tác giả)
Một tiết học theo mô hình VNEN ở tỉnh Bình Thuận (Ảnh tác giả)

Thì ngược lại, hằng năm tại tỉnh Bình Thuận vẫn duy trì và mở rộng thêm nhiều trường học khác dạy theo mô hình trường học mới VNEN.

Không những thế, những trường học không thuộc diện triển khai, mở rộng, thì giáo viên vẫn được chỉ đạo phải dạy theo mô hình này.

Từ hình thức tổ chức lớp đến phương pháp giảng dạy cứ y chang VNEN như khuôn đúc.

Đó là việc trang trí lớp học (treo sơ đồ 10 bước học tập theo VNEN, sơ đồ đường em đến trường…), để sách cuối lớp, học sinh phải ngồi theo mâm, thực hiện đúng 5 bước lên lớp gồm:

Khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng và Tìm tòi mở rộng.

Điều khác biệt duy nhất chính là, học sinh vẫn phải dùng sách giáo khoa hiện hành để học (thay vì sách hướng dẫn học tập của mô hình VNEN).

Học theo mô hình VNEN bằng sách hướng dẫn của VNEN còn gặp không ít khó khăn, bất cập.

Nay chương trình, sách giáo khoa hiện hành phải học theo VNEN chính là một kiểu vận dụng “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khá phổ biến trong toàn ngành giáo dục của tỉnh.

Sở chỉ đạo thế này, khác nào lùa các trường còn lại phải theo VNEN?

Điều này không chỉ làm thầy cô giáo vất vả khi dạy mà học sinh cũng khó khăn, áp lực khi học.

Tới thời điểm này, toàn tỉnh Bình Thuận hiện tại đã có 99/262 trường tiểu học thực hiện mô hình trường học mới VNEN.

Để tiếp tục duy trì và mở rộng, tháng 4 vừa qua, ngành giáo dục đã cho lấy ý kiến rộng rãi trong toàn thể phụ huynh về việc có thích hay không thích mô hình dạy học này?

Và có đồng ý cho con tiếp tục theo học mô hình này hay không?

Dư luận bất bình việc lấy ý kiến thì tỏ ra công khai, dân chủ nhưng cách ra công văn của sở giáo dục lại chẳng khác gì bắt buộc.

Công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo lại lưu ý rằng nếu số lượng phụ huynh không muốn cho con học theo mô hình trường học mới quá ít (không đủ số lượng để mở một lớp) thì thuyết phục hoặc động viên cho học sinh chuyển trường.

Nói là tự nguyện nhưng đây chính là yêu cầu buộc phụ huynh phải lựa chọn tiếp tục học dù không ít gia đình hoàn toàn không muốn.

Bởi, họ biết chuyển trường cho con đi đâu trong khi những ngôi trường xung quanh đều học VNEN?

Trường chưa áp dụng (nhưng thực chất vẫn dạy theo VNEN) lại ở quá xa nhiều gia đình không có điều kiện đưa rước con cái.

Thế là những lá phiếu phát ra, phụ huynh đều đánh đồng ý nhưng trong lòng một số phụ huynh cảm thấy không được thoải mái.

Ông Huỳnh Văn Hiếu Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh BìnhThuận cho biết:

“Trong khi một số tỉnh thành khác mô hình này đã “chết”, thì tại Bình Thuận VNEN đang phát triển bên vững.

Bởi, chúng tôi không phát triển ồ ạt, chỉ phát triển ở quy mô nhỏ. Mỗi năm khoảng 10 trường, số lượng ít nhưng đảm bảo chất lượng về đội ngũ, cơ sở vật chất.

Sản phẩm của VNEN thế này, chúng tôi phải dạy làm sao?

Cho nên dù có nhiều sóng gió nhưng Bình Thuận vẫn liên tục mở rộng phát triển, duy trì được mô hình VNEN.

Đến nay 100% các trường học trên địa bàn đều tổ chức học nhóm và đánh giá thường xuyên học sinh theo thông tư 22, không còn cảnh học sinh ngồi nghe cô giảng, điều đó chỉ có ở lớp 1.

Trong đó 99 trường tiểu học đã áp dụng toàn phần mô hình trường VNEN”.

Tiếc rằng đây chỉ là đánh giá của cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo dựa trên những báo cáo của các trường học gửi lên.

Mà trong thực tế có trường học nào lại đánh giá triển khai một phương pháp dạy học hay một mô hình dạy học mới là không đạt?

Và từ trước đến nay, chất lượng dạy học của các trường trong toàn tỉnh (khi chưa dạy theo mô hình VNEN) lúc nào mà chẳng đạt tỉ lệ phần trăm cao chót vót.

Tiếc rằng những vị cán bộ đầu ngành không nghe được hay không muốn nghe những tiếng nói thật đầy ngao ngán từ một số giáo viên đang trực tiếp giảng dạy mô hình VNEN (đương nhiên phải là những giáo viên dám nói thẳng nói thật), từ những phụ huynh đang có con theo học mô hình này.

Đừng chỉ nhìn vào các bảng báo cáo tổng kết hằng năm để khẳng định sự hiệu quả của một mô hình. Trong khi hàng chục tỉnh thành khác đã tẩy chay nó.

Muốn biết mô hình VNEN có thật sự hiệu quả, muốn biết kết quả thật sự có chính xác hay không chẳng hề khó gì.

Chỉ cần làm khảo sát chất lượng vào đầu năm học khi lứa học sinh học VNEN bậc tiểu học này mới nhập trường trung học cơ sở thì sẽ có ngay câu trả lời.

Đỗ Quyên