Tre đông ngóng măng tây

31/08/2011 13:53
Theo SGTT
Sốc biết chừng nào khi vừa gặp lại con cháu, vừa mở miệng quở trách là chúng doạ đi... kiện!

Trong nhiều gia đình Việt Nam hiện nay, bên cạnh nỗi lo về khoảng cách thế hệ còn có nỗi lo từ khoảng cách địa lý, khi cha mẹ thì ở quê hương còn con cái học tập và làm việc tận trời Tây, thi thoảng mới sum họp một lần.

Một cảnh hai quê

“Đám cưới của con sẽ được tổ chức ở Việt Nam. Mẹ giúp con lo tiệc tùng nhà hàng, khách khứa nghen mẹ!”, con gái điện thoại về chỉ nhắn gửi vài dòng nhưng bà H.T.H.T, 57 tuổi (quận 1, TP.HCM) rất đỗi vui mừng.

Con gái bà đi nước ngoài học tập từ hồi 17 tuổi. 30 tuổi, cô đã trở thành chuyên viên tài chính giỏi của một công ty bên Pháp. Vì công việc bận rộn nên vài năm cô mới về thăm bố mẹ một lần. Nghe tin con sẽ tổ chức cưới chồng ở quê nhà, chú rể lại người gốc Việt, vợ chồng bà T. không mừng sao được. Thế là hai ông bà tất bật đi tìm nhà hàng sang trọng nhất để tổ chức tiệc cưới cho con. Chỉ dăm ngày trước khi cưới con gái bà T. mới về nước. 



Đám cưới diễn ra vui vẻ, chỉ phần tiệc tùng thì khiến nhiều người lóng ngóng bởi không quen với lối tự phục vụ buffet trên bàn tiệc. Trước khi đặt tiệc, bà T. cũng nói rõ điều này với con gái, nhưng cô ngắt lời: “Khách của hai bên cũng không ít người nước ngoài, con chỉ muốn tổ chức ở quê nhà cho bố mẹ vui, còn phong cách đám cưới phải giống với nơi con đang sống, con mong bố mẹ giải thích cho bà con họ hiểu”.

Hai ngày sau đám cưới, vợ chồng con gái đã tất tả bay qua Pháp. Căn nhà rộn lên vài ngày lại lui về không khí trống vắng. Ngồi lật lại từng trang hình cưới của con gái, bà T. ngậm ngùi tâm sự: “Chắc rồi vợ chồng con tôi cũng thu xếp về vì như nó bảo “lá rụng về cội”, nhưng khi đó chắc vợ chồng tôi cũng cỏ đã xanh mồ”.

Trường hợp ngược lại: cha mẹ xuất cảnh, còn con ở lại trong tâm trạng một cảnh hai quê. Như L.Đ.M, 32 tuổi, đang làm chủ một công ty phần mềm tin học. Cách đây hai năm, bố mẹ và hai em trai của anh đã sang nước ngoài sinh sống.

Đáng lẽ M. đi cùng gia đình, nhưng anh đang yêu thích công việc hiện tại, lại không muốn làm lại từ đầu nơi đất khách nên an phận ở nhà. Cứ sáu tháng anh lại phải mua vé bay qua với gia đình, vài tháng sau lại về Việt Nam cho đủ thủ tục.

Anh trăn trở: “Bố mẹ tôi vì hai đứa em nên phải sang đó định cư. Tôi thì lại không an tâm khi mình ở một nơi, gia đình lại một ngả. Đôi khi không muốn nhưng tôi cũng phải chọn cách sống hiện tại, vì như vậy tôi mới vun tròn chuyện làm con, và vừa được sống với những gì mình thích”.

Lạc ngôn ngữ, chỏi văn hoá

Có nhiều trường hợp cho con đi học ở xứ người từ khi đứa trẻ mới cấp hai, cấp ba, đến khi hai thế hệ gặp lại nhau thì xảy ra những xung đột văn hoá dở cười, dở khóc.

Anh P.V.S, 45 tuổi, tổng giám đốc của một công ty xây lắp, chia sẻ hoàn cảnh của mình: “Khi mấy đứa nhỏ lên cấp ba, muốn tụi nó có nền móng tốt nên tôi làm thủ tục với người thân ở nước ngoài, đưa cả ba đứa sang bên đó sinh sống, ăn học. Vợ tôi cũng đi cùng qua chăm sóc các cháu. Mỗi năm, cả nhà tôi chỉ sum họp vào dịp tết hoặc Noel.

Khi thì tôi sang, khi vợ con tôi cùng về. Nhưng chỉ mới sinh sống ở Mỹ dăm năm, mỗi lần trở về nhà mấy đứa nhỏ lại lúng túng khi nói tiếng Việt với tôi, một câu tiếng Việt thì chen lẫn dăm ba tiếng Anh. Ăn uống thì chỉ khoái mấy đồ khoai tây rán, fast food cho nhanh gọn.

Đi làm về, tôi chỉ muốn ngồi trò chuyện cùng cả nhà, ba đứa nhỏ không thích, đứa đi chơi với bạn, đứa vào phòng lên mạng. Bực mình, tôi quát lớn thì đứa nhỏ nhất lại bắt bẻ: “Ba cứ la rầy hoài, con đi kiện đó”.

Lời nói của thằng bé làm tôi giật cả mình: bên này mình chắt chiu từng đồng để gửi sang nuôi tụi nhỏ, đâu ngờ chúng học được những thứ văn hoá chỏi nhau như vậy”.

Chị M.M.L, 47 tuổi, đang là một doanh nhân có tiếng trong nước. Sợ chồng con sống nơi nước ngoài ngày càng xa lạ với mình, chị bỏ lại công việc đang thành công bấy lâu, làm thủ tục đoàn tụ cùng gia đình.

Nhưng chỉ sau nửa năm chị L. đã chán với cảnh sống nhạt nhẽo ở Mỹ, đành quay về nước thà chịu cảnh độc thân, vì: “Ở bển năm giờ sáng chồng tôi đã đi làm, đến khuya mới về. Thằng con trai đi học lại chỉ thích ở ký túc xá, không thích về ăn cơm cùng gia đình mỗi ngày. Tiếng là sang đó để gần chồng con, nhưng cuối cùng tôi vẫn một mình trong căn nhà xứ lạ. Về đây có khi lại vui hơn”.
 



TS. KHUẤT THU HỒNG, VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN XÃ HỘI: Dẫu đi xa, tiếng quê vẫn ở trong tim

Không phải cứ sống lâu năm nơi xứ người, ảnh hưởng văn hoá xứ người, con người ta bỏ mất nguồn cội quê hương. “Lá rụng về cội” là câu nói có giá trị.

Có thể cách ứng xử của mỗi người mỗi khác, nhưng với một đứa trẻ lên ba đã được dạy dỗ, trau rèn tình yêu quê hương một cách chân thật từ cha mẹ thì dù ở trong bối cảnh phương Tây hiện đại nào, chúng vẫn giữ được cốt cách người Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, bắt trẻ sống xa gia đình khi còn quá bé là điều không nên. Nếu vì điều kiện nào đó con bạn không được ở cùng bạn, hãy liên kết con với các cộng đồng, tổ chức người Việt ở nước ngoài.

Chính cộng đồng này sẽ là trung gian giúp cho trẻ cảm nhận được truyền thống của mình qua những sinh hoạt hội hè, lễ tết. Những lá thư, những món đồ kỷ niệm cha mẹ gửi con cái ở xa cũng là một cách giúp gắn kết các mối quan hệ với nhau.



TRẦN ANH KHOA, 27 TUỔI, NHÂN VIÊN TRUYỀN THÔNG: Bún chả canh rau giữ truyền thống

Bố mẹ và em trai tôi hiện đã định cư ở nước ngoài. Tôi vì đã quen với cuộc sống ở Việt Nam nên quyết định ở lại. Không phải vì cách trở địa lý mà gia đình tôi lỏng lẻo sợi dây liên lạc.

Mỗi lần sang thăm bố mẹ, tôi rất thích cảnh sum họp của đại gia đình tôi bên đó. Bà nội là người có quyền nhất trong nhà, và trong bữa ăn gia đình luôn có những món mấy anh em tôi đã thích từ bé như bún chả cá Hà Nội, canh rau đay, bánh xèo...

Sau bữa ăn là những cuộc chuyện trò giữa các thế hệ. Bà nội luôn nhắc nhở chúng tôi phải duy trì nếp sinh hoạt đó ít nhất mỗi tuần một lần. Nếu sau này bà không còn, tôi nghĩ rằng bố mẹ tôi, rồi các anh em họ nhà tôi sẽ tiếp tục duy trì truyền thống đó.

Theo SGTT