Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam đào tạo ngành cơ khí hàng không

13/12/2019 07:01
TẤN TÀI
(GDVN) - Nhà trường sẽ đào tạo nguồn nhân lực cơ khí hàng không cung ứng cho nhà máy sản xuất linh kiện máy bay lớn nhất nước đặt tại Đà Nẵng.

Ngày 12/12, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo các bên liên quan góp ý xây dựng chương trình đào tạo cơ khí hàng không, một ngành mới nhằm cung ứng nguồn nhân lực cho nhà máy sản xuất linh kiện máy bay lớn nhất nước.

Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng sẽ đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy sản xuất linh kiện máy bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh: TT
Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng sẽ đào tạo nguồn nhân lực cho nhà máy sản xuất linh kiện máy bay lớn nhất Việt Nam. Ảnh: TT

Do đây là ngành học mới tại Việt Nam nên nhà trường đã mời các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, đại diện nhà sản xuất linh kiện máy bay Mỹ (UAC)... đến tham dự và có những góp ý cho chương trình đào tạo.

Phó Giáo sư Lưu Đức Bình – Trưởng khoa Cơ khí (Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, đây là chương trình mới hoàn toàn, thuộc mã ngành kỹ thuật cơ khí.

Ngành này được mở để đón đầu dự án do Tập đoàn UAC (Universal Alloy Corporation, Mỹ) đầu tư sản xuất linh kiện phục vụ cho ngành hàng không tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng. 

Mở ngành nghề đào tạo mới là xu thế tất yếu của trường đại học

“Trong thời gian ngắn, dự án này sẽ sản xuất và cho ra đời các sản phẩm liên quan đến ngành hàng không. Do đó, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng được giao sẽ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành này tại Đà Nẵng.

Khoa sẽ triển khai chương trình đào tạo ngành cơ khí hàng không từ năm 2020. Hiện nay, đây là chuyên ngành mới hoàn toàn và chúng tôi mở ra chuyên ngành này để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Đây được xem là hình mẫu phối kết hợp giữa doanh nghiệp và nhà trường. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ thấy được chất lượng đào tạo của nhà trường, có thể đào tạo theo đơn đặt hàng.

Lần đầu tiên, nhà trường đào tạo một ngành cơ khí chuyên sâu như lần này nên mới nhờ sự hỗ trợ góp ý của các doanh nghiệp, chuyên gia”.

Cũng theo thầy Bình, ngành cơ khí hàng không khác hoàn toàn với ngành kỹ thuật hàng không, đang được đào tạo tại Việt Nam. Ở đây, nhà trường không đào tạo những cái đó.

UAC chỉ tập trung sản xuất các linh kiện hàng không và nhà trường đào tạo nhân lực để chế tạo ra những chi tiết đó. Nó làm trong lĩnh vực công nghệ cao nên đòi hỏi độ chính xác rất cao.

Thầy Phan Minh Đức – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngành kỹ thuật hàng không là ngành phức tạp, đòi hỏi sự đầu tư lớn và lâu dài. Vào tháng 8 năm 2020 trường sẽ tuyển sinh khóa đầu tiên với khối thi A, A1. Số lượng tuyển sinh là: 30-40 sinh viên/năm với thời gian đào tạo 4 năm.

Trước đó, UAC đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện máy bay tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư hơn 170 triệu USD.

Để tránh thất nghiệp, không gì tốt hơn là cho sinh viên tự lăn xả vào thực tiễn

UAC Việt Nam tại Đà Nẵng sẽ cung cấp các bộ phận thân máy bay cho các máy bay boeing 787, 777, 737 và động cơ Rolls Royce. UAC Việt Nam sẽ sản xuất hơn 4.000 bộ phận khác và sẽ được xuất khẩu sang Bắc Mỹ, EU và Malaysia.

Ngay giai đoạn đầu đầu tư vào Đà Nẵng, UAC đã bày tỏ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với các trường đại học kỹ thuật và dạy nghề tại Đà Nẵng trong việc phát triển ngành hàng không vũ trụ.

Dự án dự kiến sẽ cần đến 1.200 nhân sự tại khu công nghệ cao và gián tiếp sử dụng thêm 1.000 -  2.000 người.

Tại buổi góp ý, đại diện UAC tại Việt Nam cũng lưu ý nhà trường về vấn đề nâng cao tiếng Anh cho sinh viên.

Bởi dù kiến thức chuyên ngành có tốt đến đâu nhưng khả năng trình bày tiếng Anh không tốt thì cũng thua.

TẤN TÀI