Trường Đại học tổ chức cuộc thi về trí tuệ nhân tạo

28/05/2019 06:48
TẤN TÀI
(GDVN) - Những sản phẩm có tính ứng dụng cao sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, phát triển nhằm giúp sinh viên có thể khởi nghiệp ngay khi còn trên ghế nhà trường.

Ngày 27/5, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức họp báo, công bố cuộc thi “IoT-AI Hackathon 2019” với chủ đề "kỷ nguyên của sự kết nối", dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở khu vực miền Trung – Tây nguyên.

Cuộc thi xoay quanh chủ đề về Internet vạn vật kết nối (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở khu vực miền Trung - Tây nguyên. Ảnh: TT
Cuộc thi xoay quanh chủ đề về Internet vạn vật kết nối (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI) dành cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở khu vực miền Trung - Tây nguyên. Ảnh: TT

Cuộc thi xoay quanh chủ đề Internet vạn vật kết nối (IoT) và Trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng tìm kiếm việc làm và khởi nghiệp.

Đồng thời, tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong công tác đào tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội.

“IoT-AI Hackathon 2019” kỳ vọng sẽ tạo một sân chơi để các sinh viên miền Trung, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin có một không gian sáng tạo, giao lưu, chia sẻ các xu hướng khoa học công nghệ trên thế giới như: AI, IoT…

Trường Đại học tổ chức cuộc thi về trí tuệ nhân tạo ảnh 2

Giáo dục sẽ ra sao khi robot thay thế con người với trí tuệ nhân tạo?

Cuộc thi cũng là nơi để các doanh nghiệp, cộng đồng giúp cho các sinh viên hòa nhập, phát triển, khởi nghiệp trong làn sóng của cuộc cách mạng 4.0 và “make in Vietnam”, khởi nguồn sáng tạo ý tưởng, phát triển sản phẩm.

Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Bình – Trưởng khoa Công nghệ thông tin (Đại học Bách khoa Đà Nẵng) cho biết, trí tuệ nhân tạo sẽ làm thay đổi thế giới, sẽ thay thế khoảng 20% công việc vào năm 2030 (ước tính khoảng 7 triệu việc làm). Tuy nhiên, nó cũng sẽ tạo ra nhiều công việc khác tương tự.

“Công nghệ thông tin là lĩnh vực mũi nhọn và đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến thị trường việc làm.

Do đó, mục tiêu của cuộc thi là giúp các em đưa ra những ý tưởng, sản phẩm độc đáo, có thể ứng dụng trong thực tiễn để thu hút các nhà đầu tư hỗ trợ vốn, tiếp tục phát triển sản phẩm ra thị trường”, thầy Bình nói.

Anh Trương Quốc Tuấn – Giám đốc Trung tâm Giáo dục STEM SQUARE (thành viên Ban tổ chức cuộc thi) cho hay, đây là một cuộc thi thú vị, tạo cơ hội cho các sinh viên thể hiện ý tưởng, sáng tạo của mình.

Tiêu chí sản phẩm dự thi lần này là các ý tưởng phải khác biệt, sáng tạo, không được coppy những ý tưởng đã có trong thực tiễn. Thứ hai, sản phẩm phải có tính áp dụng thực tiễn cao và mang tiêu chí nhân văn.

“Sản phẩm càng có tính ứng dụng thực tiễn thì càng được sự quan tâm, đầu tư của các doanh nghiệp. Ví dụ như một sáng chế robot phục vụ cho việc gieo trồng, chăm sóc cây trồng cho nông dân thì sẽ được nhiều doanh nghiệp hỗ trợ”, anh Tuấn chia sẻ.

Và tiêu chí thứ ba của cuộc thi là công nghệ phải có tính đột phá.

TẤN TÀI