Trường học nhiều như nấm, chất lượng đào tạo như... nấm dại

18/07/2012 06:04
Thân Hoài Phương
(GDVN) - Tôi thiết nghĩ, muốn chữa khỏi bệnh thì thuốc cần phải đắng, cũng như giáo dục Việt Nam muốn tốt hơn thì cần bỏ ngay bệnh thành tích và tư tưởng bảo thủ.
LTS:Xung quanh những chuyện tiêu cực từ kỳ thi tốt nghiệp THPT và tranh luận về việc tiến tới có nên bỏ luôn cả kỳ thi Đại học, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Để rộng đường cho dư luận, chúng tôi xin đăng tải ý kiến của độc giả Thân Hoài Phương về vấn đề này.
Là một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và cũng là người thường xuyên theo dõi tình hình giáo dục của địa phương cũng như của nước nhà, tôi không thể cứ im lặng mà nhìn nền giáo dục nước nhà ngày càng đi xuống. Trước tiên hãy nói tới kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 những năm qua. Tôi sinh năm 1990, thi tốt nghiệp cấp 3 năm 2008. Cuộc chiến chống tiêu cực bắt đầu khi tôi còn là một học sinh lớp 11, chuẩn bị tinh thần và kiến thức để chiến đấu với kỳ thi tốt nghiệp và đại học mà trong đó kỳ thi tốt nghiệp đã được báo trước là sẽ khó khăn hơn nhiều. Thế nhưng mọi chuyện không đúng như những gì chúng tôi - tất cả học sinh khối 12 đã lo sợ. Tới những ngày thi mặc dù không có hiện tượng vứt bài thi như mọi năm (theo lời kể của các anh chị khóa trên), nhưng trong phòng vẫn có chuyện các bạn kém chép bài các bạn làm được bài, bạn nào chuẩn bị được phao thì cứ nhẹ nhàng mà làm, chẳng ai nói gì. Bằng chứng rõ ràng nhất là bản thân tôi đã thỏa sức "giúp đỡ" các bạn ở bài thi tiếng Anh. Tôi thấy lạ là mặc dù các bạn thi nhau vứt bài xuống để tôi khoanh đáp án mà giám thị mảy may không nói gì. Không chỉ có ở phòng thi của tôi mà các phòng thi khác tình trạng cũng diễn ra tương tự.
Gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô (Bắc Giang) một lần nữa khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục nước nhà.
Gian lận thi cử ở trường Đồi Ngô (Bắc Giang) một lần nữa khiến nhiều người lo ngại về chất lượng giáo dục nước nhà.
Và tới khi kết quả tốt nghiệp được công bố, trường tôi học chỉ trượt chưa tới 3 người. Là một học sinh, tôi biết nếu không thực sự cố gắng học tập thì không thể qua được kỳ thi tốt nghiệp dễ dàng thế. Như vậy, từ chuyện quá khứ của thế hệ chúng tôi cho tới giờ đã 4 năm. Bốn năm qua đi là ngần ấy năm ngôi trường tôi, cả huyện tôi, cả tỉnh tôi, cả đất nước này đều cùng đi theo cái-gọi-là-thành-tích.
Cũng có nhiều người còn cho rằng: Thôi thì thương học sinh, 12 năm trời đèn sách, cho chúng nó cái bằng cấp ba mà ra trường làm gì thì làm. Nếu cứ nghĩ như thế thì học sinh cũng nghĩ đâu cần phải học mà cũng đỗ cấp 3, đỗ cấp 3 rồi thì thi đại học, không đỗ vào trường công lập thì học dân lập, học cao đẳng, tại chức... tất cả đều rất dễ dàng. Nhưng có dễ dàng cho cả đất nước này hay không khi mà trường học mọc lên như nấm nhưng chất lượng chỉ như nấm dại, các nhà tuyển dụng thì đau đầu khi sinh viên tốt nghiệp đại học mà thiếu biết bao nhiêu kỹ năng. Chưa kể việc trên thực tế không biết là có bao nhiêu sinh viên tuy đỗ đại học nhưng lại không có đường đi rõ ràng, không biết nghề nghiệp của bản thân, có khi còn thấy hối tiếc khi đã vào học, cũng bởi họ không có định hướng nghề nghiệp khi chọn ngành, chọn trường. Tôi thiết nghĩ, muốn chữa khỏi bệnh thì thuốc cần phải đắng, cũng như giáo dục Việt Nam muốn tốt hơn thì cần bỏ ngay bệnh thành tích và tư tưởng bảo thủ. Chỉ cần một năm mà kỳ thi tốt nghiệp thực sự nghiêm túc thì dần dần giáo dục Việt Nam sẽ tốt hơn, học sinh và gia đình sẽ không còn phải vất vả lên các thành phố lớn thi đại học. Còn nếu cứ tình trạng thi tốt nghiệp như hiện nay, bỏ kỳ thi đại học sẽ là một tai họa. Những điều trên đều là những điều tâm huyết của tôi. Hy vọng sẽ là một viên gạch để xây lên tòa lâu đài giáo dục Việt Nam thật vững chắc.ĐÁP ÁN TIẾNG ANH KHỐI A1, D1 HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN VĂN KHỐI C, D HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN SINH KHỐI B HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN VẬT LÝ KHỐI A, A1 HỆ CAO ĐẲNG 2012 - ĐÁP ÁN MÔN LỊCH SỬ KHỐI C HỆ CAO ĐẲNG 2012 ĐÁP ÁN MÔN LỊCH SỬ KHỐI C HỆ CAO ĐẲNG 2012
Thân Hoài Phương