Trường nghề thời gian đào tạo ít mà đòi cả bằng nghề lẫn bằng phổ thông là vô lý

17/09/2021 06:36
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Tiến sỹ Lê Viết Khuyến, việc đào tạo tại các trường nghề hiện nay là rất vô lý và "ăn gian" thời gian học.

Ngày 8/9 Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý Dự thảo thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo nội dung của Dự thảo, các học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học trung cấp nghề phải đào tạo 4 môn (2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ Văn; 2 môn tự chọn trong số 5 môn là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý).

Nếu học sinh muốn thi tốt nghiệp trung học phổ thông, sẽ phải học chương trình giáo dục thường xuyên gồm 7 môn.

Trong hội nghị, nhiều trường nghề cho rằng họ có đủ khả năng đào tạo 7 môn chứ không phải liên kết với trung tâm giáo dục nghề nghiệp để đào tạo 7 môn này.

Việc các trường nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa đào tạo nghề, vừa muốn đào tạo 7 môn trong chương trình giáo dục thường xuyên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc chất lượng đào tạo và cơ sở vật chất của trường nghề liệu có đáp ứng nổi không?

Bên cạnh đó, nhiều năm nay, thực tế có nhiều chuyên gia cho rằng, các trường nghề không chú trọng đào tạo nghề mà chỉ "nhăm nhăm" quảng bá tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học tại trường có bằng nghề và bằng trung học phổ thông, sẽ được liên thông lên đại học.

Phải chăng các trường nghề đang "lấn sân" sang mảng đào tạo phổ thông, chứ không phải làm nhiệm vụ chính là dạy nghề? Có cách nào để cho các trường nghề hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích?

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã có những phân tích cụ thể về sự bất hợp lý trên.

Tiến sĩ Khuyến nêu, mục tiêu đào tạo của trường nghề và trường trung học phổ thông là khác nhau, trong đó trường trung học phổ thông đào tạo văn hóa và để nâng cao trình độ văn hóa là chính, còn trường nghề là đào tạo nghề không hoàn toàn nhằm mục đích nâng trình độ học vấn.

“Hai mục tiêu đó khác nhau nên cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên khác nhau. Vì vậy không ai người ta giao cho trường phổ thông lại đào tạo nghề cả. Đối với trường nghề, thì phải có một vài môn văn hóa đó phục vụ cho mục đích học nghề, đào tạo lao động, chứ không phải nâng trình độ học vấn.

Vậy nên mới có chuyện là người muốn học hệ trung cấp nghề và muốn học lên cao đẳng, đại học thì phải bổ sung chương trình mà Bộ quy định là 7 môn học trong chương trình giáo dục phổ thông”, Tiến sỹ Khuyến nói.

Theo Tiến sỹ Khuyến, 7 môn học này là phục vụ cho trình độ học vấn thì phải là các cơ sở giáo dục thường xuyên, hoặc các trường phổ thông thì mới làm được việc đó.

Trước đây, chúng ta cũng từng có ý tưởng thành lập hệ thống trung học nghề để chú trọng đào tạo nghề cho người học, nhưng nó không được thực hiện.

“Vào cuối những năm 80 chúng ta muốn đưa hệ thống trung học nghề thành hệ thống đào tạo nghề chủ lực. Tuy nhiên Luật Giáo dục nghề nghiệp sửa đổi năm 2017 (16/VBHN-VPQH ngày 12/12/2017) xóa nó đi thành trung cấp rồi thành giáo dục nghề nghiệp như hiện nay”, Tiến sỹ Khuyến nói.

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến (Ảnh: Tùng Dương)

Tiến sỹ Khuyến lấy minh chứng cụ thể là trên thế giới, các trường phổ thông là không đào tạo nghề và trong chương trình học thì chỉ có một vài môn hướng nghiệp. Tại những nước này không có trường trung cấp nghề mà chỉ có trường trung học nghề.

Trường trung học nghề có thời gian đào tạo cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở là 3 năm như trung học phổ thông, chứ không phải như trường trung cấp nghề tại Việt Nam là 1-2 năm. Họ chấp nhận đào tạo chương trình học văn hóa 50% và học nghề 50%.

Trường trung học phổ thông hay trung học nghề ở nhiều nước trên thế giới, cũng đều có 50% môn văn hóa nhiều môn bắt buộc như Toán, Văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra đối với trường trung học phổ thông phải học thêm môn văn hóa khác, còn hệ trung học nghề thì không phải học và họ lấy thời gian đó để dạy kiến thức, kĩ năng của một nghề nào đó cho học sinh.

Phân luồng học sinh trung học cơ sở còn kém

Tiến sỹ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở chưa tốt, nên chưa có nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao.

Tiến sỹ Khuyến lấy ví dụ, tại Đài Loan, tỉ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào Trung học phổ thông là 30% và 70% vào trung học nghề.

Học sinh chấp nhận vào trung học nghề thì sau 3 năm đủ tuổi lao động, họ ra trường có việc làm và có thể học lên cao đẳng, đại học, bởi bằng trung học phổ thông và trung học nghề thì tương đương với nhau. Còn ai không muốn học lên nữa với thời gian ngắn thì họ có thể học hệ đào tạo nghề với thời gian 1-2 năm.

"Trong khi đó ở Việt Nam, việc đào tạo 1-2 năm lại gọi là trung cấp, cấp ngành nào tương đương được với trung học phổ thông? Đấy là cái ăn gian", Tiến sỹ Khuyến bức xúc nói.

Thực trạng trên đã dẫn tới hậu quả là học sinh cứ nhao vào trung học phổ thông, sau khi tốt nghiệp thì không học lên nữa.

Bây giờ Luật Giáo dục nghề nghiệp lại tách trường nghề ra không thuộc giáo dục đại học, trong khi đó xu hướng học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông là học lên đại học hoặc đi làm lao động phổ thông. Điều này dẫn tới tỷ lệ nhiều lao động ở Việt Nam là đối tượng tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng không được qua đào tạo.

Theo thống kê vào năm 2019, lao động giản đơn chiếm tới 77,2%. Đối với trình độ sơ cấp chỉ cần đào tạo nghề 3 tháng đến 1 năm thì có tỷ lệ lao động trên 3%; trung cấp là trên 4%, cao đẳng trên 3%, còn đối với giáo dục đại học trên 10%. Từ đây, người ta suy ra việc đào tạo đại học nhiều quá dẫn đến thừa thầy thiếu thợ.

Tuy nhiên, Tiến sỹ Khuyến lại phản bác nhận định trên: "Chúng ta muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì tỉ lệ 10% đại học thì đã làm gì mà cao, mục tiêu đó phải đạt 30-40% hoặc nhiều hơn.

Nếu đại học có tỷ lệ như vậy, thì đào tạo nghề như hệ thống sơ cấp, trung cấp có số lượng nhiều hơn nhưng tại sao tỷ lệ lao động lại thấp như vậy? Lý do bởi vì chúng ta không phân luồng sau trung học cơ sở, nên mới đổ cho chuyện là kéo giảm chỉ tiêu đại học.

Theo tôi không giảm được tỷ lệ học đại học nếu không phân luồng trung học cơ sở. Mà muốn phân luồng thì phải là trung học nghề chứ không phải trung cấp nghề. Đó là cái vướng ở đây. Cơ cấu nhân lực như thế thì làm sao công nghiệp hóa, hiện đại hóa được".

Tiến sỹ Khuyến cho hay, Hiệp hội các trường Cao đẳng, Đại học Việt Nam từng nhiều lần đề nghị khắc phục tình trạng này, để làm sao cho học sinh chấp nhận xã hội phân luồng học sinh sau trung học cơ sở là luồng trung học phổ thông và trung học nghề, chứ không phải là hệ trung cấp học cụt ngủn 1-2 năm sau đó lại đòi học tương đương lên cao đẳng, đại học.

“Tại sao chúng ta không làm như các nước khác, sau trung học cơ sở thì một hướng cho học nghề và một hướng cho học trung học phổ thông và hướng còn lại là cho học trung học nghề. Những người không muốn học trung học nghề thì họ học trung cấp nghề 1-2 năm, họ sẽ không phải học văn hóa thì khi đó họ sẽ có tay nghề chuyên môn.

Như vậy có phải hay hơn là trường nghề vừa đào tạo trung cấp, vừa đào tạo trung học phổ thông không? Việc trường nghề đào tạo như hiện nay cũng rất vô lý, vì học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở phải học 3 năm mới được bằng trung học phổ thông, trong khi đó nếu học trung cấp nghề thì chưa đến 3 năm là có bằng trung học phổ thông lẫn trung cấp nghề…”, Tiến sỹ Khuyến chia sẻ.

Tiến sỹ Khuyến chia sẻ, hiện nay một số trường nghề muốn đào tạo trung học phổ thông thì thứ nhất là chính sách, thời gian và cơ sở vật chất không đủ bởi vì mục tiêu của hai loại trường là khác nhau. Còn nếu đồng nhất mục tiêu thì đưa trung cấp nghề về trung học nghề để họ có thể đào tạo cả về nghề và văn hóa.

Mạnh Đoàn