Trường sư phạm chưa mở ngành mới theo chương trình, lấy đâu ra giáo viên?

27/07/2020 06:16
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm lớn nhất sẽ đến với giáo viên dạy ba môn mới (Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố các môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn cho chương trình mới áp dụng.

Cụ thể, ở cấp tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2).

Như vậy, ở bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.

Ở cấp trung học cơ sở, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật.

Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.

Đáng lưu ý ở bậc học này là môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn).

Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Sắp tới, nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm lớn nhất sẽ đến với giáo viên dạy ba môn mới (Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật). (Ảnh: CTV/Giaoduc.net.vn).

Sắp tới, nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm lớn nhất sẽ đến với giáo viên dạy ba môn mới (Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật). (Ảnh: CTV/Giaoduc.net.vn).

Ở cấp trung học phổ thông, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh.

Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2.[1]

Như vậy, giáo dục trung học đã xuất hiện những môn học mới:

Ở trung học cơ sở có: Môn Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý. Trung học phổ thông có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật.

Môn Khoa học Tự nhiên là tổ hợp của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; việc tổ tổng hợp ba môn học thành một môn đã nhận được ý kiến trái chiều của dư luận khi giáo viên cơ bản được đào tạo và giảng dạy đơn môn; chắc chắn phải ba thầy dạy cùng một cuốn sách, gây khó cho người dạy, người học và người quản lý.

Cũng tương tự như vậy ở môn Lịch sử và Địa lý.

Sẽ xảy ra tình trạng ba thầy cô (hoặc hai thầy cô) cùng đánh giá một học trò khi chưa có giáo viên đơn môn Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Vì vậy vấn đề cấp bách mà dư luận đã đặt ra: Giáo viên dạy môn Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật được đào tạo ở đâu?

Người viết vào cổng thông tin điện tử của những trường đại học sư phạm hàng đầu của nước ta như:

Đại học Sư phạm Hà Nội: Không có ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật[2].

Đại học Sư phạm Huế: có Sư phạm Khoa học tự nhiên (chỉ tiêu 60); Sư phạm Lịch sử-Địa lý (chỉ tiêu 60); có ngành Sư phạm Giáo dục pháp luật (chỉ tiêu 60) chứ không có Giáo dục kinh tế và pháp luật. [3]

Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh:

- Trong chỉ tiêu tuyển sinh không có ngành sư phạm Khoa học Tự nhiên; Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật.[4]

- Trong các thông tin đăng ký xét tuyển (mã trường – tổ hợp xét tuyển) có sư phạm Khoa học Tự nhiên.[4]

Theo lộ trình, môn Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý ở trung học cơ sở sẽ triển khai vào năm học 2021 – 2022; môn Giáo dục kinh tế và pháp luật sẽ triển khai vào năm học 2022 – 2023.

Nhu cầu tuyển dụng và cơ hội việc làm lớn nhất sẽ đến với giáo viên dạy ba môn mới (Khoa học Tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Thế nhưng, dù tăng chỉ tiêu tuyển sinh, các trường sư phạm trọng điểm vẫn không mở những ngành này, hoặc tăng chỉ tiêu tuyển sinh, để đáp ứng nhu cầu đổi mới chương trình giáo dục.

Vì vậy rất cần sự nhập cuộc, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc điều chỉnh mở các ngành mới tăng chỉ tiêu tuyển sinh các ngành mới của các trường sư phạm, đáp ứng nhu cầu của xã hội, tránh lãng phí ngân sách khi đào tạo ra hàng loạt giáo viên nhưng thất nghiệp, trong khi đó môn học mới lại không có giáo viên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/bo-gd-cong-bo-chi-tiet-cac-mon-hoc-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-856809.vov

[2] https://tuyensinh.hnue.edu.vn/nganh-dao-tao

[3]http://tuyensinh.dhsphue.edu.vn/Modules/nganhhoc/front_list_nganh.aspx?idmenu=117

[4] http://tuyensinh.hcmup.edu.vn/

Sơn Quang Huyến