Vừa rồi Bộ Giáo dục không biên soạn bộ sách giáo khoa nào là may mắn cho tất cả!

25/07/2020 07:16
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, dù với lý do gì chăng nữa, vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo không có bộ sách giáo khoa do mình biên soạn là may mắn cho tất cả.

Ngày 24/7, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện các Nghị quyết 88/2014 và Nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đồng thời làm rõ những vấn đề còn tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết.

Kết thúc buổi tọa đàm, thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) có tiết lộ với Giáo dục Việt Nam những ý kiến mà thầy đã phát biểu tại tọa đàm này.

Theo thầy Khang, tuy trễ 2 năm, nhưng cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông và cơ bản chuẩn bị xong việc thay sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021.

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Thầy Nguyễn Xuân Khang – Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) (ảnh: Thùy Linh)

Cụ thể, thầy Khang một lần nữa khẳng định, chủ trương “thực hiện xã hội hoá biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học” là đúng đắn và đã trở thành hiện thực.

Thầy Khang dẫn chứng, để thay sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021,đã có 46 sách giáo khoa của 9 môn học được Bộ trưởng Bô Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, môn ít nhất có 4 quyển, môn nhiều nhất có 7 quyển.

Có 4 Nhà xuất bản và 46 nhóm tác giả biên soạn 46 sách giáo khoa nói trên.

“Năm đầu tiên thay sách giáo khoa mới, được như vậy là thành công lớn.

Thành quả này, người được hưởng lợi trước tiên phải là giáo viên và học sinh. Chưa bao giờ người dạy và người học có trong tay những tài liệu quan trọng vừa nhiều, vừa phong phú và đa dạng như lúc này”, thầy Khang nói.

Hiệu trưởng trường Marie Curie bày tỏ, sự vất vả, nỗi lo lắng tập trung tất cả vào các Nhà xuất bản và các nhóm tác giả.

Đã là “xã hội hoá” thì phải chấp nhận cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Đầu tư nhiều công sức, nhiều tiền của vào biên soạn, in ấn, phát hành... nhưng có được thị trường chấp nhận hay không? Không Nhà xuất bản nào, không nhóm tác giả nào dám khẳng định thành công.

Thi thoảng dư luận lên tiếng chống “lợi ích nhóm” trong việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa... Theo thầy Khang, khái niệm “lợi ích nhóm” ở đây rất mơ hồ, dễ gây hiểu lầm.

Các nhóm tác giả có thể làm tất cả những gì được phép, chính đáng, văn minh... để có lợi cho sản phẩm của mình. Đó là “lợi ích nhóm” đáng được trân trọng và bảo vệ.

Cạnh tranh lành mạnh là hợp quy luật, cần khuyến khích. Chúng ta chỉ đấu tranh và ngăn chặn những hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Về chủ trương “Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa” thì thầy Khang cho rằng: “Theo tôi biết, cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa biên soạn cuốn sách giáo khoa nào.

Dù với lý do gì chăng nữa, vừa rồi Bộ Giáo dục và Đào tạo không có bộ sách giáo khoa do mình biên soạn là may mắn cho tất cả.

Giả sử Bộ viết ra một bộ sách giáo khoa, rồi Bộ lại xem xét và phê duyệt bộ sách giáo khoa đó thì hoá ra “vừa đá bóng vừa thổi còi” hay sao?

Dù Bộ có cố gắng “công bằng” với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân khác biên soạn liệu mấy ai tin?

Rồi đến khi phát hành, ảnh hưởng vị thế sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quá lớn, lấn át hết thị phần sách giáo khoa của các đơn vị “xã hội hoá” hay không?"

"Tóm lại, với nhiều lý do, tôi đề nghị Quốc hội rút chủ trương giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa”, thầy Khang đề nghị.

Thùy Linh