TS. Nguyễn Đình Ngộ: "Không thể biến trường thành nơi buôn bán chữ"

18/05/2012 06:02
Kim Ngân
(GDVN) - "Xem trường như một doanh nghiệp là không nên. Và điều này khiến nhiều người sẽ nghĩ rằng đào tạo con người là kinh doanh. Tôi không muốn biến trường thành nơi buôn chữ, bán chữ”.
Trước thềm Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào ngày 21/3, nhiều nhà lãnh đạo các trường ngoài công lập đã gửi đến các nhà dự thảo luật những ý kiến, kiến nghị nhằm đóng góp bổ sung sửa đổi luật giáo dục đại học với mong muốn chất lượng giáo dục Việt Nam ngày càng đi lên.
TS Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Phú Xuân, Huế bày tỏ: 

TS. Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (ảnh Xuân Trung).
TS. Nguyễn Đình Ngộ - Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân (ảnh Xuân Trung).

Từ tình hình thực tế làm lãnh đạo trường ĐH Dân lập Phú Xuân, tôi xin đóng góp vài ý kiến, đưa ra tiếng nói cho các trường ngoài công lập với mong muốn nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục ở Việt Nam.

Thứ nhất, rõ ràng mọi người đều biết chất lượng đại học của chúng ta hiện nay có rất nhiều vấn đề. Chúng tôi mong muốn, trước hết Quốc hội nên ban hành luật nhưng nên tham khảo ý giáo dục nước ngoài và đồng thời phải dựa vào thực tế ở Việt Nam để bám sát. Tôi rất mong làm sao các điều luật phải phù hợp thực tiễn, sáng tạo và có nét đặc trưng của Việt Nam. Học tập nước ngoài là tốt, nhưng phải vận dụng phù hợp để nâng cao chất lượng, để giáo dục tiến lên.
Do đó, tôi muốn làm sao huy động được sức mạnh của toàn xã hội. Ví dụ hiện nay chúng ta lên án tiêu cực, tham những là đúng và trong ngành giáo dục hơn ai hết phải nghiêm; các cấp các ngành từ trung ương đến địa phương trong xã hội hãy làm gương cho giáo dục. Trách nhiệm của giáo dục là rất lớn, nhưng đó cũng là trách nhiệm của xã hội, gia đình. 

Thứ hai, tôi cho rằng Đảng và Nhà nước đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục là đúng đắn. Tuy nhiên, trong thực tế chúng tôi thực hiện rất khó khăn, đi vào bế tắc. Ví dụ, chúng tôi muốn vay tiền nhưng không dễ; thủ tục rất là phức tạp. Sau khi chúng tôi nhất quán công trình và giao toàn bộ hồ sơ ấy cho các doanh nghiệp, nhưng để vay thì lại không dễ.

Và theo quy định mỗi sinh viên phải có 25 m2 đất. Vậy, Bộ nên có văn bản hướng dẫn cụ thể như thế nào để các đơn vị thực hiện. Và cũng nên tạo cho các trường ngoài công lập đào tạo tín chỉ của nhà nước như các trường công lập.

Tôi mong rằng nhà nước sẽ có các biện pháp cụ thể để thực hiện và tháo gỡ cho các đơn vị để thực hiện xã hội hóa giáo dục tốt nhất. Từ lý thuyết đến thực tế còn khoảng cách lớn quá và các đơn vị thực hiện rất là vất vả. Tôi mong muốn là làm sao để xã hội hóa được chấp hành nghiêm khắc. 

Thứ ba là Bộ GD & ĐT nên dần dần trao quyền tự chủ cho các đơn vị và phải giám sát. Giao nhưng kèm theo đó là kiểm soát, giám sát. Tôi cho Bộ GD & ĐT làm việc này là tốt. Trong thời đại kinh tế thị trường, có nhiều vấn đề phức tạp ví dụ như nhiều nhà làm giáo dục “vô tư” kinh doanh, tôi cho rằng chỗ này phải điều chỉnh và không nên chạy theo số lượng nhiều, phải kèm theo chất lượng. Cố gắng bằng cho ra bằng, chứng chỉ cho ra chứng chỉ, chứ bây giờ chứng chỉ ào ào, bằng thật giả lẫn lộn.

Thứ tư, đối với bản thân trường ngoài công lập chúng tôi, Nhà nước yêu cầu đóng thuế là đúng, nhưng chúng tôi xin phép đề nghị như thế này: Xem trường là một doanh nghiệp là không nên. Và điều này khiến nhiều người sẽ cho rằng đào tạo con người là kinh doanh. Tôi không muốn biến trường thành nơi “buôn chữ, bán chữ” – xảy ra điều đó thì nguy hiểm quá!

Tôi nghĩ thuế phải đóng, nhưng nên giao lại cho trường và hiệu trưởng có trách nhiệm báo cáo công khai. Trường có thể đầu tư trang thiết bị, đồ dùng học tập hay hỗ trợ sinh viên hoặc đầu tư đào tạo giảng viên có trình độ.

Cuối cùng, tôi mong rằng những ý kiến của tôi sẽ được Quốc hội cân nhắc. Và trên hết dự thảo luật giáo dục đại học sớm thông qua để chúng ta hợp lực với nhau để làm cho chất lượng giáo dục ngày càng đi lên.
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd
Kim Ngân