Tự chủ trong các trường ĐH công lập: Mới trao cơ chế nửa vời

02/12/2011 12:00
Theo Lao động
(GDVN) - T

heo phản ánh của các trường ĐH thì việc trao tự chủ cho các trường mới chỉ ở tình trạng nửa vời.

Trao cơ chế tự chủ về tài chính cho các trường đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) là chủ trương được thí điểm và triển khai thực hiện từ lâu nhằm nâng cao chất lượng đào tào ĐH, CĐ ở nước ta. Song đến nay, theo phản ánh của các trường ĐH thì việc trao tự chủ cho các trường mới chỉ ở tình trạng nửa vời.

Tự chủ = cắt ngân sách

GS-TS Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - lấy ví dụ: Từ năm 2005, Trường ĐH Ngoại thương là 1 trong 5 trường được Bộ GDĐT giao nhiệm vụ thí điểm thực hiện tự chủ tài chính. Việc này đồng nghĩa với việc trường bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước.

Ngày 26.3.2008, khi Bộ GDĐT ra văn bản về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính (trong đó nêu rõ Trường ĐH Ngoại thương thuộc đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên) thì trường bị cắt hoàn toàn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Đây  là thách thức lớn nhất là trong điều kiện khung học phí chưa tăng nhưng mọi chi phí đào tạo đều tăng.

Không chỉ ĐH Ngoại thương mà 4 trường ĐH khác khi thí điểm quy chế tự chủ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. GS Châu cho rằng: “Cái gọi là tự chủ toàn phần theo Nghị định 43 mà Trường ĐH Ngoại thương và 4 trường ĐH này được hưởng đó là việc cắt giảm kinh phí chi thường xuyên từ Nhà nước. Nhà trường không được hưởng quyền lợi, quy chế gì hơn so với các trường ĐH công lập khác ngoài việc được xây dựng một số định mức chi cao hơn mức quy định nhà nước như chi lương đến 2,5 lần lương cơ bản. Tuy nhiên, vì không được hưởng quyền lợi và cơ chế gì nên cũng không thể phát triển thêm nguồn thu để tăng lương”. GS Châu tỏ ra khá bức xúc tại hội thảo đổi mới cơ chế tài chính đối với cơ sở giáo dục ĐH công lập sáng 29.11.

Ngày hội tuyển sinh trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: X.H
Ngày hội tuyển sinh trường ĐH Ngoại thương. Ảnh: X.H

Học phí thấp nên phải xé rào

GS Châu cho biết, trường đã phải tăng nguồn thu bằng cách phát triển các chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài... Hằng năm, số thu của nhà trường trên 100 tỉ đồng, nhưng trường không được tự chủ chi từ nguồn thu này.

“Vừa rồi chúng tôi có đề xuất mua sắm trang thiết bị cho phòng vi tính để sinh viên thực hành, nhưng Kho bạc Nhà nước không duyệt chi vì đang có chính sách cắt giảm đầu tư công” - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương phản ánh.

Chính vì thế, ngoài các kiến nghị như cho phép các trường tự chủ được quyết định mức học phí, quyết định chỉ tiêu... thì ông còn kiến nghị số tiền thu được không gửi Kho bạc nhà nước nữa, thay vào đó được gửi ở ngân hàng và nhà trường được tự chủ trong chi tiêu.

Một thực tế khác là các trường quốc tế tại Việt Nam hiện được tự do trong quyết định trả lương cho cán bộ, nhưng các trường công lập thì phải theo khung quy định của Nhà nước.

Theo TS Nguyễn Trường Giang - Vụ Hành chính sự nghiệp (Bộ Tài chính) - học phí là nguồn lực tài chính cơ bản để duy trì sự phát triển của các trường ĐH. Nhưng quy định duy trì mức học phí thấp cũng chính là một trong các nguyên nhân dẫn tới các cơ sở giáo dục ĐH xé rào, ban hành nhiều khoản thu ngoài quy định, dẫn tới tình trạng thiếu công khai, minh bạch trong việc sử dụng nguồn thu.

Việc xé rào này đã vô tình đẩy các trường vào sự không minh bạch trong tài chính, tạo kẽ hở đồng thời tác động xấu trong xã hội.

Theo Lao động