Từ chuyện học tại chức bàn về căn bệnh trầm kha của xã hội Việt Nam

30/09/2012 07:01
Độc giả Nguyễn Văn Toàn
(GDVN) - Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thực sự muốn và có năng lực để cống hiến thì lại chịu cảnh thất nghiệp vì không có tiền "chạy chọt", không ai thân quen có quyền thế gửi gắm... đó là một căn bệnh trầm kha và cực kỳ nguy hại của xã hội chúng ta hiện nay.
LTS: Hiện nay, hệ đào tạo tại chức, liên thông, từ xa đang được nhìn nhận theo nhiều chiều khác nhau. Sau Đà Nẵng, rất nhiều địa phương đã lên tiếng "từ chối" đối với những người tốt nghiệp hệ tại chức, liên thông. Về vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng tải lá thư của độc giả Nguyễn Văn Toàn (TP. Huế).

Cách đây không lâu một tờ báo mạng đã đăng bài “Chạy việc – kiểu kinh doanh siêu lợi nhuận hiện nay”. Đến gần đây lại thấy nhiều báo đưa tin Đà Nẵng không có chuyện mua quan bán chức. Đọc vào mà thấy phấn khởi. Nhưng do đâu chuyện “chạy việc” hiện đang trở thành một thứ kinh doanh hốt bạc ở nhiều tỉnh thành lại không có “đất sống” ở Đà Nẵng, như ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định.
Một lớp học tại chức rất "vắng vẻ".
Một lớp học tại chức rất "vắng vẻ".
Có lẽ vì sớm thấy được những bất cập trong việc tuyển cán bộ công chức nên TP. Đà Nẵng đã quyết đoán và đi tiên phong trong việc “từ chối” hệ tại chức. Bởi hệ tại chức tuy từng được tung hô về sự độc đáo của nó (vừa làm vừa học) nhưng hình thức đào tạo này đã bộc lộ nhiều bất cập khi đưa vào thực tiễn giáo dục.

Nguyên nhân là do nhiều cơ sở đào tạo chỉ coi hệ này là “con gà đẻ trứng vàng” và nhiều học viên lại muốn sử dụng hệ đào tạo này để có bằng cấp nhằm thăng quan tiến chức. Việc kiểm soát không chặt chẽ trong quá trình đào tạo, thói nể vị càng khiến chất lượng đầu ra của loại hình này không đáp ứng được nhu cầu lao động của xã hội. Đúng như TS Vũ Thị Phương Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP. HCM đã thẳng thắn nhận định: “Ở Việt Nam, việc nhà tuyển dụng chê hệ tại chức là do chúng ta đẻ ra hệ này mà không dưỡng”.
Tuy nhiên, mặc dù bị phản ứng dữ dội nhưng sau Đà Nẵng, các tỉnh Vĩnh Phúc, Nam Định, Hải Dương, Quảng Nam, Hà Nam, Quảng Bình và nay đến Hà Nội cũng quyết định không tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp hệ tại chức. Điều này chứng minh việc “từ chối” hệ tại chức của TP Đà Nẵng là đúng đắn và kịp thời, nhằm cải thiện mạnh mẽ chất lượng giáo dục.

Thậm chí, được biết cũng chính Đà Nẵng đã đi tiên phong trong việc sử dụng người tài khi thông báo chỉ tiếp nhận hồ sơ thi tuyển công chức những cá nhân có bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi từ năm 2011 trở về trước. Đây là một quyết định có sự tính toán kĩ lưỡng của Đà Nẵng trong một chiến lược dài hơi. 

Trên thực tế, để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển công chức năm 2012 UBND TP. Đà Nẵng đã bỏ kinh phí đưa đi đào tạo (có cam kết) trên 400 người ở các cơ sở đại học quốc tế và trong nước. Ngoài ra, còn có gần 1.000 người là các đối tượng theo diện thu hút nhân tài. 

Trước đó vào năm 2011, Viện Nghiên cứu phát triển KTXH TP. Đà Nẵng đã tổ chức điều tra xã hội học độc lập nhằm đánh giá năng lực làm việc, tư chất, đạo đức của đối tượng thu hút theo chính sách của thành phố. Kết quả cho thấy, 100% đơn vị sử dụng lao động hài lòng đối với những người thuộc diện thu hút theo chính sách của thành phố, trong đó có 16,7% rất hài lòng. Về đáp ứng yêu cầu công việc của cơ quan, có đến 94,4% đơn vị đánh giá tốt. Về phía đối tượng thu hút và đối tượng đào tạo theo chính sách nhân tài của thành phố, có 87% đã hài lòng với việc bố trí, sử dụng, điều kiện công tác.

Nếu nghĩ ngược lại, nếu địa phương nào không mạnh tay trong việc xử lý hiện tượng “chạy việc” hay bỏ mặc việc vung tiền “mua quan bán chức” thì thực tế đội ngũ các cán bộ công chức trẻ đều gặp khó khăn trong việc đảm đương chức vị vì năng lực của họ không được kiểm chứng một cách kỹ lưỡng. Điều này dẫn đến sự cống hiến hời hợt và thậm chí sinh ra tệ cửa quyền, tham nhũng để “thu hồi vốn”. 

Đây rõ ràng là một sự không công bằng trong một xã hội có mục tiêu tốt đẹp như Việt Nam. Sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, thực sự muốn và có năng lực để cống hiến thì lại chịu cảnh thất nghiệp vì không có tiền "chạy chọt", không ai thân quen có quyền thế gửi gắm trong khi những tân cử nhân kém cỏi hơn thì lại được tại vị bởi sức mạnh đồng tiền? Đó là một căn bệnh trầm kha và cực kỳ nguy hại của xã hội chúng ta hiện nay. Bởi được biết, thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục & Đào tạo thì hàng năm có tới 63% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Một con số kinh hoàng nói lên nhiều điều bất cập trong ngành giáo dục của chúng ta.

“Đất lành chim đậu”, người xưa nói không hề sai. Chính chính sách thu hút người tài “có một không hai” của Đà Nẵng là chiếc chìa vàng mở ra cánh cửa phồn vinh cho thành phố biển miền Trung này. Đúng như nhận định của GS. Phạm Minh Hạc, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, chính vì thế việc sử dụng và thu hút người tài là hệ trọng với quốc gia, đất nước không có người giỏi, người tài thì đất nước không thể đi lên được. Với đội ngũ có khả năng cao, có thể tạm gọi là tài năng, họ chính là đầu tàu. Đầu tàu mà yếu thì cả đoàn tàu cũng chậm!”.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

 Chàng sinh viên ĐH Xây dựng Hà Nội ba lần vượt qua nỗi đau

Tham nhũng trong giáo dục gây hậu quả nghiêm trọng với người nghèo

'Thật bi hài! Cả đời làm giáo dục, tôi chưa gặp chuyện như ĐH Tây Đô'

Thiếu tướng Nguyễn Đức Tỉnh nói về thu hút nhân tài ở Bộ Quốc Phòng

Tài liệu của độc giả "tố" TS Lê Thẩm Dương đạo văn

SV gửi tâm thư tới Bộ trưởng Giáo dục: "Em bị biến thành Chí Phèo..." 

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Độc giả Nguyễn Văn Toàn