Từ vụ rò rỉ thủy ngân, Bảo Huy nảy sinh ý tưởng táo bạo giật giải vàng thế giới

10/02/2021 06:40
Đình Hùng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sự cố rò rỉ thủy ngân tại nhà máy Rạng Đông (Hà Nội) vào cuối tháng 8/2019 đã tác động mạnh tới Nguyễn Bảo Huy khiến em và các bạn nảy ra ý tưởng táo bạo.

Xuất phát từ mong muốn đem những kiến thức đã học để bảo vệ môi trường sống, em Nguyễn Bảo Huy, học sinh lớp 12M2, Trường Marie Curie Hà Nội đã xuất sắc đạt giải Vàng cuộc thi phát minh khoa học thế giới.

Sự cố rò rỉ thủy ngân do cháy kho tại nhà máy Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) vào cuối tháng 8/2019 đã tác động mạnh tới em Nguyễn Bảo Huy.

Với niềm say mê tìm hiểu các chất gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí…, Bảo Huy đã mạnh dạn ghi danh vào nhóm nghiên cứu VN3.

Huy cho biết: “Nhóm chúng em gồm 6 học sinh lớp 11, 12 đến từ trường Marie Curie, Lương Thế Vinh và Yên Hòa.

Với mong muốn mang kiến thức đã học được để giúp người dân và các nhà môi trường xử lý kịp thời các sự cố ô nhiễm về thủy ngân, chúng em đã cùng nhau nghiên cứu và hoàn thành đề tài: “Thu hồi hiệu quả thủy ngân II bằng cách sử dụng phức hợp oxit kim loại - polyme”.

Cả nhóm bắt đầu tiến hành dự án từ giữa tháng 10/2019 đến tháng 8/2020, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô ở Đại học Quốc gia Hà Nội”.

Với các tiêu chí như: khả năng hấp phụ, động học, vệ sinh và tái sử dụng, nhóm VN3 dùng hợp chất hóa học Fe3O4/Al2O3/Polymer (FAPO) nhằm loại bỏ nhanh chóng thủy ngân Hg (II) khỏi nước.

Trong số các kỹ thuật lọc nước để xử lý một loạt hợp chất từ nước thải công nghiệp, các em đã chọn phương án hấp phụ bởi giá cả phải chăng, hiệu quả, dễ thực hiện.

Qua các phép so sánh với tiền chất, FAPO cho thấy khả năng hấp phụ Hg (II) là 96%, cao hơn so với Fe2O3 (76%) và Al2O3 (85%).

Nhóm VN3 sử dụng các phương pháp như: TEM, SEM-EDX, FTIR và VSM để xác định cấu trúc vật lý của FAPO. Hợp chất này có kích thước nano và phân bố đồng đều nên khả năng hấp phụ được tăng lên đáng kể.

Ngoài ra, FAPO còn dễ thu hồi bởi từ tính của nó. Chỉ cần dùng nam châm trong vòng 5 giây là có thể thu lại thủy ngân và FAPO trong môi trường thí nghiệm.

Đồng thời, sau ít nhất 5 lần sử dụng, FAPO vẫn cho thấy khả năng hấp phụ là 91,9%, chứng tỏ tính hiệu quả cao trong việc tái sử dụng.

Vì thế, theo Bảo Huy và các thành viên khác của VN3, FAPO hứa hẹn là hợp chất giúp thu hồi Hg (II) trong nước một cách nhanh chóng, hiệu quả và tiết kiệm nhất trong tương lai.

Ngoài thời gian làm việc với các giáo sư, Bảo Huy còn cùng các bạn trong nhóm thường xuyên lên thư viện hay truy cập mạng Internet để tìm đọc các tài liệu liên quan đến vật liệu xử lý tình trạng ô nhiễm do thủy ngân.

Bên cạnh đó, các em trực tiếp thực hành ở phòng thí nghiệm chuyên nghiệp của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên.

Tại đây, cả nhóm làm việc dưới sự hướng dẫn của các tiến sĩ trẻ năng động, nhiệt tình và tâm huyết.

Bảo Huy cho biết đây là đề tài nghiên cứu theo hướng mới, với vật liệu mới và đòi hỏi sự chuẩn xác trong thực nghiệm.

Nhiều kiến thức tham khảo sử dụng thuật ngữ chuyên ngành tiếng Anh yêu cầu các em phải có nền tảng ngoại ngữ tốt, cũng như vốn hiểu biết phong phú về những khái niệm khoa học bằng tiếng Việt.

Hơn nữa, các em phải tự tin và có kỹ năng thuyết trình tốt bằng tiếng Anh để trình bày đề tài trước hội đồng giáo sư trong nước và quốc tế.

Không những vậy, thủy ngân là chất khá độc nên trong suốt quá trình nghiên cứu, các em luôn phải lưu ý tới vấn đề an toàn.

Chẳng hạn: khi vào phòng thí nghiệm, phải mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, kính và găng tay; sau mỗi lần thực nghiệm, phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu vệ sinh cá nhân để không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Em Nguyễn Bảo Huy lớp 12M2, Trường Marie Curie Hà Nội đã xuất sắc đạt giải Vàng cuộc thi phát minh khoa học thế giới. (Ảnh: Trường Marie Curie Hà Nội)

Em Nguyễn Bảo Huy lớp 12M2, Trường Marie Curie Hà Nội đã xuất sắc đạt giải Vàng cuộc thi phát minh khoa học thế giới. (Ảnh: Trường Marie Curie Hà Nội)

Bảo Huy tâm sự: “Mới đầu tiếp cận đề tài, em thấy rất khó, toàn kiến thức cao siêu, đòi hỏi khả năng tự đọc, tự nghiên cứu rất nhiều.

Có lúc, em chán nản, không muốn tiếp tục vì nghĩ nghiên cứu khoa học thật xa vời hay nhiều thí nghiệm kéo dài cả ngày mà không thành công… Nhưng rồi, em nhận được sự động viên của gia đình và thầy cô nên đã cố gắng vượt qua và làm tiếp”.

Với nỗ lực của cả nhóm cùng sự động viên của thầy cô và gia đình, đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm VN3 đã xuất sắc đạt giải Vàng cuộc thi phát minh khoa học thế giới.

Không những vậy, các em còn “ăn điểm” về chất lượng video thuyết trình của từng thành viên hay poster ấn tượng của nhóm. Hội đồng giám khảo cũng rất hài lòng về thái độ làm việc nghiêm túc và hết mình của nhóm VN3.

Không chỉ giỏi nghiên cứu khoa học, Bảo Huy còn được thầy cô và bạn bè của mình đánh giá là khiêm tốn và hay tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Em Nguyễn Ngọc Linh, lớp trưởng 12M2 rất khâm phục người bạn cùng lớp.

Linh chia sẻ: “Qua những tiết học trên lớp, em thấy Bảo Huy có nhiều phát biểu xây dựng bài rất thú vị.

Những kiến thức mà bạn ấy cung cấp không chỉ nằm trong sách vở, ở lĩnh vực tự nhiên mà còn sâu rộng ở mặt xã hội.

Hơn nữa, bạn ấy cực giỏi tiếng Anh nhưng chẳng bao giờ tự kiêu. Khi thầy thông báo, cả lớp mới biết bạn ấy đoạt giải cao như thế.

Em rất thích thú với đề tài mà Bảo Huy lựa chọn nghiên cứu. Nó rất hữu ích với môi trường hiện nay. Em tin, với năng lực và đam mê, bạn ấy sẽ còn tiến xa ở lĩnh vực khoa học và thực hiện được những dự định của bản thân”.

Thầy Nguyễn Đức Thắng (giáo viên dạy Hóa học) rất tự hào về cậu học trò đam mê khoa học của mình. Thầy cho biết Bảo Huy là học sinh tích cực học tập, có sở trường về các môn tự nhiên và hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Với bạn bè, em chơi hòa đồng, vui vẻ, chân thành, khiêm tốn. Với thầy cô, em luôn cư xử đúng mực. Ngoài ra, em biết đặt mục tiêu trong cuộc sống và luôn quyết tâm đạt được điều đó.

“Khi biết tin em đoạt giải Vàng, tôi rất vui. Là một giáo viên dạy Hóa học, tôi càng hạnh phúc hơn khi học sinh biết áp dụng kiến thức vào thực tiễn để giúp ích cho xã hội.

Đề tài của nhóm em Huy mang tính thời sự cao, thể hiện rõ sự gắn liền của Hóa học với đời sống và có ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ môi trường.

Tôi tin, với tinh thần ham học hỏi, ham nghiên cứu, em Huy sẽ ngày càng thành công trên con đường chinh phục khoa học”, thầy Thắng cho biết.

Olympic Phát minh và Sáng tạo khoa học thế giới (WICO) là cuộc thi dành cho học sinh phổ thông với những phát minh và sáng chế kỹ thuật. Kỳ thi được Hiệp hội sáng chế các trường Đại học Hàn Quốc (KUIA) tổ chức thường niên, được Quốc hội Hàn Quốc công nhận và tài trợ.

WICO 2020 được tổ chức từ ngày 21 - 23/8 với sự tham gia của hơn 500 học sinh đến từ 14 quốc gia như: Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Thái Lan, Malaysia, Romania… 9 năm qua, Việt Nam đều có học sinh tham dự WICO tại Seoul, Hàn Quốc.

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên WICO lần thứ 9 được tổ chức theo hình thức trực tiếp (dành cho học sinh Hàn Quốc) và hình thức trực tuyến (dành cho học sinh quốc tế).

Đội Việt Nam dự thi bằng cách gửi toàn bộ báo cáo của giáo sư hướng dẫn, poster và bài thuyết trình.

Đồng thời, các bạn quay video trực tiếp để trình bày ý tưởng, thao diễn kỹ thuật và giới thiệu sản phẩm nghiên cứu trước hội đồng đánh giá.

Đình Hùng