Tuyển sinh 2012: Những ngành học liên kết hấp dẫn

19/02/2012 09:30
Xuân Trung
(GDVN) - Buổi TV TS tại trường THPT chuyên Hà Nội –Amsterdam chiều qua với chủ đề “Liên kết và hội nhập quốc tế”, đã mang đến nhiều chương trình đào tạo mới.
Những chương trình đào tạo mới nhất tại các trường ĐH trong nước, chương trình liên kết đào tạo tại các trường nước ngoài, điều kiện để nhận được những suất học bổng giá trị, tuyển sinh khối A1, là những nội dung của buổi tư vấn tuyển sinh.

Hàng loạt học bổng giá trị

Mang lại cho học sinh cuối cấp THPT trước thềm tuyển sinh ĐH, CĐ sắp tới những suất học bổng giá trị, PGS, TS Vũ Ngọc Tú, Phó chủ nhiệm khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, hàng năm ngoài các suất học bổng của khoa, sinh viên còn được nhận rất nhiều học bổng đến từ các trường ĐH liên  kết ở Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia.
Buổi tư vấn Tuyển sinh đã cho học sinh hiểu và biết thêm nhiều ngành học, chương trình đào tạo mới. Ảnh ione
Buổi tư vấn Tuyển sinh đã cho học sinh hiểu và biết thêm nhiều ngành học, chương trình đào tạo mới. Ảnh ione

PGS, TS Vũ Ngọc Tú cũng cho biết, các suất học bổng trong kỳ tuyển sinh năm 2012 này được thiết lập mang tên các vị doanh nhân. Học bổng Chu Văn An gồm miễn 100% học phí đào tạo, ngoài ra trợ cấp 10 triệu sinh hoạt phí/năm. Học bổng Yecxanh miễn 70% học phí và 10 triệu sinh hoạt phí/năm. Học bổng Tạ Quang Bửu trị giá 20 triệu/năm. Học bổng của hiệu trưởng cấp cho 30 sinh viên có kết quả thi vào ngành Kế toán chất lượng cao của khoa với số tiền toàn bộ khóa học, trị giá 13.600 USD/suất.

Theo ông Tú, hàng  năm trường cũng có khoảng 12-15% sinh viên khoa được nhận các loại học bổng khác. Năm 2011, trường phối hợp với chương trình “khi tôi 18” của Đoàn TNCS HCM cùng Trung tâm phát triển sinh viên Việt Nam trao 6 suất học bổng của Hiệu trưởng ĐH Help (Malaysia) và khoa mỗi suất trị giá 282 triệu đồng. Trong năm 2012, khoa tiếp tục dành 50 suất học bổng giá trị cho 50 trường khu vực phía Bắc.

Đến từ trường ĐH New South Wales, ông Don Evans - Giám đốc Khu vực, Văn phòng đại diện tại Việt Nam cho biết, hiện trường ĐH New South Wales đang xếp thứ 50 thế giới, thứ 8 tại Úc. Hiện đang có khoảng 50.000 sinh viên theo học, trong đó có 1.000 sinh viên quốc tế, đặc biệt có 300 sinh viên Việt Nam. Với những điều kiện du học từ trường ĐH New South Wales, ông Don Evans cho biết, hàng năm trường liên tục dành cho sinh viên quốc tế những suất học bổng giá trị. Với chương trình dự bị ĐH, có yêu cầu điểm học tập tối thiểu tùy theo chương trình.
GS.TS. Nguyễn Thị Mơ cho rằng, chuyên ngành Luật tại ĐH Ngoại thương sẽ không giẫm chân lên các trường đang đào tạo luật trong cả nước.
GS.TS. Nguyễn Thị Mơ cho rằng, chuyên ngành Luật tại ĐH Ngoại thương sẽ không giẫm chân lên các trường đang đào tạo luật trong cả nước.

Cụ thể, với học bổng Chương trình Chuyển tiếp (Transition) yêu cầu điểm tốt nghiệp phổ thông từ 8,5 trở lên. Đối với Học bổng chương trình Dự bị Chuẩn (Standard) yêu cầu điểm tốt nghiệp phổ thông từ 7,5 trở lên và học bổng chương trình Dự bị Chuẩn Cộng (Standard Plus) yêu cầu điểm lớp 11 từ 8,0 trở lên. Học bổng 50% học phí dành cho học sinh tốt nghiệp xuất sắc lớp 12 trị giá 7.000 USD Úc, học bổng 30% học phí trị giá 7.050 USD Úc cho học sinh tốt nghiệp lớp 12.

Đối với Chương trình ĐH, học bổng sẽ được áp dụng cho kỳ học 2 năm nay, điều kiện tối thiểu là: kết quả tốt nghiệp THPT xuất sắc và điểm IETLS 6.5 trở lên (không kĩ năng nào dưới 6.0) hoặc TOEFL tương đương. Học sinh không cần nộp hồ sơ riêng cho chương trình học bổng này. Hồ sơ nhập học sẽ được xem xét cho chương trình học bổng. Một số khoa trong trường tham gia chương trình học bổng như Kinh tế thương mại, học bổng 5.000 USD Úc, khoa Khoa học với 15.000 USD Úc, khoa Kĩ thuật 10.000 USD Úc, khoa Kinh tế với 12.240 USD Úc.

Mở rộng liên kết đào tạo có uy tín

Ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết, trường năm nay bắt đầu đào tạo song bằng (sau 1-2 năm nếu sinh viên đủ năng lực có thể học thêm bằng thứ 2). Khi tốt nghiệp sinh viên sẽ được nhận hai bằng do Học viện Ngoại giao cấp.

Ông Quý cũng thông tin, năm nay cũng là năm đầu tiên trường mở hệ đào tạo đại trà liên kết  theo mô hình 1.5+1.5 với ĐH Victoria của Newreland, chương trình này sẽ được đào tạo theo trường Victoria và do trường này cấp bằng.

PGS, TS Nguyễn Cảnh Lương, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng cho biết, ngoài các chương trình đào tạo đại trà ra, trường còn đào tạo những chương trình đặc biệt: Đào tạo kĩ sư tài năng, các ngành CNTT, Điện tử viễn thông, Điều khiển tự động, Cơ điện tử, Toán tin, Vật lí kĩ thuật và Hóa dầu.
Năm nay, thí sinh dự thi ĐH, CĐ sẽ có thêm khối A1 để lựa chọn cho các ngành học. Ảnh ione
Năm nay, thí sinh dự thi ĐH, CĐ sẽ có thêm khối A1 để lựa chọn cho các ngành học. Ảnh ione

Một chương trình khác đào tạo Kĩ sư chất lượng cao, hợp tác với trường ĐH công nghệ của Pháp: “Các em  tốt nghiệp chương trình này nếu được bảo vệ trước hội đồng gồm những GS nước ngoài và GS Việt Nam thì ngoài bằng của ĐH Bách khoa còn được nhận bằng của trường đối tác. Và được công nhận là đạt trình độ thạc sĩ. Các ngành này gồm: Kĩ thuật hàng không, Tin học công nghệ, Hệ thống thông tin và Truyền thông, Hệ thống điện và tái tạo” PGS, TS Nguyễn Cảnh Lương cho biết.

Các chương trình liên kết đào tạo tại Khoa quốc tế, Quốc gia Hà Nội được đánh giá là trọng tâm, với định hướng đào tạo theo nghiên cứu đa ngành, đã lĩnh vực và theo chuẩn quốc tế. PGS, TS Vũ Ngọc Tú, Phó chủ nhiệm khoa Quốc tế cho biết, trong những năm qua khoa đã triển khai chương trình đào tạo cử nhân và thạc sĩ bằng ngoại ngữ.

Ông Tú thông báo, trong năm học 2012-2013 khoa tiếp tực đào tạo chương trình cử nhân bằng ngoại ngữ với các ngành: Kinh doanh quốc tế do ĐH Quốc gia Hà Nội cấp bằng nhưng chương trình đào tạo dựa trên chương trình chuẩn của trường ĐH Orinoi (Hoa Kỳ) và của ĐH Quốc gia Hà Nội: “Sinh viên học chương trình này có thể có thể học toàn phần tại Việt Nam hoặc bán phần theo mô hình V+N (V: thời gian học tại Việt Nam. N: đào tạo tại các trường nước ngoài). Ngành khoa học quản lí đào tạo cử nhân cũng giống như chương trình trên. Ngành Kế toán cũng liên kết với trường ĐH Help (Malaysia) theo mô hình trên” ông Tú nói.

Cũng theo ông Tú, một chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp cho ngành Kinh tế quản lí, học tại ĐH Paris 11 (nơi GS Ngô Bảo Châu đã học). Đây là một chương trình du học bán phần theo mô hình 2+1 (2 năm đầu học tại Việt Nam và năm cuối học tại ĐH Paris 11). Ngoài ra, khoa còn liên kết với các nước như Nga, Trung Quốc đào tạo cũng theo  mô hình như trên cho các ngành Kế toán phân tích kiểm toán và ngành tiếng Trung Quốc.

Thêm một cơ sở đào tạo Luật tại Hà Nội

Năm nay là năm đầu tiên trường ĐH Ngoại thương Hà Nội  mở thêm chuyên ngành đào tạo Luật. GS.TS. Nguyễn Thị Mơ - Thành viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, nguyên hiệu trưởng ĐH Ngoại thương, người nung nấu, nghiên cứu chương trình đào tạo cách đây 13 năm để có chuyên ngành  Luật như hiện nay, cho biết trước khi ra đời ngành Luật, trường đã tham khảo nhiều chương trình đào tạo luật tại các trường ĐH danh tiếng thế giới và áp dụng thực tiễn điều kiện ở Việt Nam.

“Các trường Luật hiện nay chỉ đào tạo cử nhân luật để hành nghề Luật trong nước, trong khi đó chúng ta đang hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta cũng đang thiếu trầm trọng đội ngũ cán bộ luật có khả năng cạnh tranh với các luật sư quốc tế, các nhà tư vấn luật quốc tế. Điều đó, chúng ta phải đào tạo. Chương trình đào tạo chuyên ngành Luật trường Ngoại thương sẽ không giẫm chân, không lấn át các trường khác, mà ngược lại, tồn tại song song với những gì cử nhân luật trong nước chưa đào tạo được thì trường ĐH Ngoại thương sẽ đào tạo” GS.TS. Nguyễn Thị Mơ khẳng định.

Theo GS , TS Mơ trong một vài năm tới chuyên ngành Luật của trường ĐH Ngoại thương có thể dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh để đào tạo cử nhân luật trong môi trường thương mại và kinh doanh quốc tế.

TS. Hồ Thúy Ngọc - Trưởng bộ môn Luật, Quyền Trưởng khoa Đào tạo Quốc tế, ĐH Ngoại thương cũng cho biết, những sinh viên tốt nghiệp ngành Luật ở trường ĐH Ngoại thương sẽ có sẵn 3 thế mạnh: Giỏi về ngoại ngữ chuyên ngành, giỏi về kiến thức chuyên ngành thương mại quốc tế, nắm vững kiến thức pháp luật thương mại quốc tế.

Có thể làm ở rất nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt là các vị trí quản lí, có thể làm ở các bộ phận pháp chế tại các Doanh nghiệp Việt Nam, Doanh Nghiệp Việt Nam ở nước ngoài và ngược lại. Làm việc tại các văn phòng luật sư, mở các văn phòng Luật cho riêng mình, làm việc trực tiếp tại các cuộc thương lượng, đàm phán, kí kết các hợp đồng thương mại quốc tế. Có thể tranh tụng liên quan tới tranh chấp tại tòa án, trọng tài Việt Nam và Quốc tế.
Xuân Trung