Tuyển sinh 2012: Phụ huynh nên tôn trọng quyết định của con mình

08/03/2012 15:30
Hồ Sỹ Anh
(GDVN) - Nhiều sinh viên hiện nay đang theo học những ngành học mà chính bản thân họ không yêu thích.
Vì sao phụ huynh lại luôn muốn định hướng cho con mình?
Hiện nay, do nhiều yếu tố nên các bậc phụ huynh  luôn lo lắng cho con mình, ví dụ như: “con mình phải học ở đâu để giỏi?”, “con mình phải học những cái gì?”,… và rồi do các mối quan hệ, và cũng chỉ muốn con mình sau này có nghề nghiệp ổn định, sung túc, không vất vả nên buộc các bậc phụ huynh lại phải suy nghĩ tính toán “con mình phải theo khối này?” và “con mình phải thi vào trường này! Vì sau ra dễ xin việc và còn có ô dù”,…
Cũng dễ hiểu cho tâm tư của mỗi người bố, người mẹ. Ắt hẳn ai cũng muốn con mình sống sung túc hơn, nghề nghiệp ổn định. Vì vậy mà họ phải luôn suy nghĩ, tìm cách để con mình tiến đến thành công nhanh nhất.
Rồi chính những đứa con của họ cũng phải làm đúng bổn phận của một đứa con ngoan là phải nghe lời, cứ theo sự sắp đặt của bố mẹ. Bạn M sinh viên ĐH Ngoại thương chia sẻ: “Từ nhỏ em được bố mẹ sắp xếp cho mọi việc trong việc học hành, và lên cấp ba thì bố mẹ lại bắt buộc phải theo ngành khối D, và bắt buộc phải thi vào trường ngoại thương, vì sau khi ra trường đã có có người nâng đỡ trong việc làm. Và hiện mình đang chơi vơi không biết phải làm như thế nào, mặc dù đã là sinh viên năm thứ hai”.
Và rồi hậu quả của những định hướng
Nhiều bạn sinh viên đang ngồi trên ghế của một giảng đường thuộc một nghành kinh tế nhưng lại khát khao học tập và làm việc khối nhân văn, hay ngược lại,… Cũng vì thế mà trong học tập họ cũng không có niềm đam mê để học, những tâm trạng chán chường trong các tiết học, và chắc chắn kết quả học tập sẽ không cao.
Sẽ phải học tập ngành mình không thích, thì các bạn sinh viên sẽ không có cơ hội để phát triển thế mạnh cũng như niềm đam mê của các bạn ở một lĩnh vực khác. Bên cạnh đó vẫn có một số bạn sinh viên còn dấu bố mẹ để đi học ngành mình yêu thích.
Bạn Q.A là người rất thích công nghệ thông tin nhưng mẹ bạn lại ép buộc bạn theo khối ngành nhân văn, và kết quả là bạn vẫn theo học khối ngành nhân văn nhưng với bạn đến lớp chỉ là để được điểm danh, học được hai tiết đầu thì bạn bỏ giờ về để đi học công nghệ thông tin, nhưng bố mẹ bạn vẫn không biết.
Đừng nên ép buộc con cái mình
Bố mẹ cần phải hiểu tâm tư tình cảm của con mình, để rồi đưa ra những nhận định, những ý kiến chia sẻ về tâm tư nguyện vọng của con cái mình, rồi giúp các bạn đến với thành công. Vì mỗi người phụ huynh cần hiểu rõ những mối nguy hại mà chính con của họ gặp phải khi bị ép buộc làm những thứ mà các bạn không muốn.
Theo bà Trương Thị Mai (Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội) cũng chia sẻ: “Việc sinh viên không định hướng cụ thể ngành học mình yêu thích thật sự nên đã theo học một số ngành học không phù hợp với bản thân, và sau khi ra trường các bạn lại phải làm trái ngành, thất nghiệp hay phải đào tạo lại. Điều đó làm lãng phí nền kinh tế của quốc gia, vì vậy mà định hướng nghề nghiệp rất quan trọng đối với mỗi một học sinh, sinh viên.”
TS. Lan Oanh (Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam) chia sẻ: “học sinh, sinh viên phải có niềm đam mê thì mới học hết mình, cháy hết mình, còn nếu không có đam mê thì làm việc gì cũng chán”.
Vì vậy bố mẹ nên chỉ là người góp ý, chia sẻ ý kiến của mình cho con cái trong lựa chọn nghề nghiệp, chứ không nên ép buộc con cái làm theo quyết định của mình. Và cũng cẩn phải tôn trọng những ý kiến riêng của con họ.
Hồ Sỹ Anh