Vượt nghịch cảnh, nỗ lực học tập, nữ sinh Quảng Ninh được tuyển thẳng đại học

20/09/2021 06:35
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mồ côi bố từ nhỏ, nhưng Nguyệt luôn cố gắng trong học tập và đạt giải 3 kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh, đủ điều kiện tuyển thẳng vào Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Vào tháng 8 vừa qua, trường Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố danh sách 4 thí sinh được tuyển thẳng vào trường. Trong số đó có em Nguyễn Thu Nguyệt (sinh năm 2003, học sinh Trường trung học phổ thông Cẩm Phả, Quảng Ninh).

Khi nhận tin được tuyển thẳng vào trường Học viện Phụ nữ Việt Nam, Nguyễn Thu Nguyệt không giấu nổi niềm vui. Bởi sau bao sự cố gắng nỗ lực trong 12 năm học, em đã có kết quả xứng đáng.

Người đầu tiên mà em chia sẻ niềm vui đó là mẹ, người thân duy nhất của em, bởi trong gia đình thì em là con một.

“Bố mất khi em còn nhỏ, mẹ nuôi em khôn lớn trưởng thành nên khi biết tin đã trúng tuyển em báo ngay cho mẹ. Khi đó, mẹ động viên em cần tiếp tục cố gắng và mẹ sẽ cố gắng tạo điều kiện tốt nhất trong khả năng có thể cho em trên con đường đại học, dù có vất vả thế nào”, Nguyệt chia sẻ.

Nguyễn Thu Nguyệt từng đạt giải 3 môn Lịch sử kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Dù đam mê với Lịch sử nhưng Nguyệt lại lựa chọn ngành Luật kinh tế của Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Nữ sinh Nguyễn Thu Nguyệt. (Ảnh: NVCC)Nữ sinh Nguyễn Thu Nguyệt. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về điều này, em nói rằng muốn được rèn luyện kỹ năng hùng biện của mình và em cũng muốn hiểu hơn về pháp luật Việt Nam, ngoài lĩnh vực về môn Sử.

Bản thân Nguyệt cũng có nhiều dự định trên con đường đại học sắp tới, em hy vọng bản thân sẽ sớm hòa nhập với môi trường mới, nỗ lực hơn trong học tập và rèn luyện.

Kĩ năng học môn Sử

Theo tân sinh viên trường Học viện Phụ nữ Việt Nam, đặc thù của môn Sử chủ yếu là ghi nhớ các sự kiện nên mỗi người cần có cách học phù hợp với bản thân.

Đối với bản thân Nguyệt, em luôn phân chia kiến thức theo từng phần như phần lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam hoặc theo từng giai đoạn để học hiệu quả nhất.

Với những phần khó học hoặc học nhanh quên, em sẽ viết ra giấy, liệt kê các ý cơ bản, các từ khóa để nhớ lâu hơn.

Ngoài việc tự học thì bản thân em cũng thường xuyên học nhóm với các bạn trong lớp để trao đổi và nghe các bạn chia sẻ kiến thức. Qua đó em tự sửa các kiến thức bị nhầm lẫn, sai sót và bổ sung thêm tư liệu mới.

“Một điều quan trọng không kém nữa là thầy chủ nhiệm của em dạy Sử nên đó cũng là một lợi thế cho em”, Nguyệt cười nói.

Khi biết thông tin Thông tư 22 được triển khai, theo đó sẽ không còn môn chính, môn phụ, bản thân Nguyệt là học sinh chuyên môn phụ đã không giấu được sự vui mừng.

Nguyệt cho rằng việc bỏ môn chính, môn phụ sẽ giúp ích nhiều cho học sinh tránh việc học lệch. (Ảnh: NVCC)

Nguyệt cho rằng việc bỏ môn chính, môn phụ sẽ giúp ích nhiều cho học sinh tránh việc học lệch. (Ảnh: NVCC)

“Em cảm thấy rất vui khi Thông tư 22 đi vào thực tiễn trong năm nay. Theo em, việc phân biệt môn chính - phụ sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, các môn chính như Toán, Văn, Anh được đầu tư nhiều hơn, điểm cao hơn, còn những môn phụ như Sử, Địa... điểm sẽ khá thấp vì thời gian đầu tư ít hơn. Bên cạnh đó, việc không phân biệt môn chính - phụ cũng đòi hỏi mỗi người cần có thời gian biểu phù hợp để đạt được kết quả cao trong học tập”, nữ sinh chia sẻ.

Thông tin thêm về nữ sinh Nguyễn Thu Nguyệt, đại diện phòng công tác sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, vào tháng 8 vừa qua, đơn vị công bố Quyết định công nhận thí sinh thuộc đối tượng xét tuyển thẳng trúng tuyển đại học chính quy đợt 1, khóa tuyển sinh năm học 2021-2022, trong đó có 4 thí sinh thuộc diện được xét tuyển thẳng vào trường.

Trong 4 thí sinh được xét tuyển thẳng, có nữ sinh Nguyễn Thu Nguyệt (sinh năm 2003, trung học phổ thông Cẩm Phả) từng giải 3 môn Lịch sử kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Nữ sinh này đăng kí theo học ngành Luật kinh tế của nhà trường.

Mạnh Đoàn