Xét duyệt thi đua thầy cô, những sự thật cay đắng

11/06/2019 06:09
HOÀNG SA VIỆT
(GDVN) - Trong thi đua thì lấy ban giám hiệu “làm gốc” bởi mọi người quan niệm: đã là ban giám hiệu thì phải đạt, nếu không đạt là chuyện không bình thường.

LTS: Trăn trở, băn khoăn về công tác xét thi đua trong nhà trường, tác giả Hoàng Sa Việt cho rằng, đội ngũ giáo viên chính là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi xét chọn thi đua cuối năm.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết. 

Hàng năm, vào cuối năm học, các trường tiến hành hội họp, bỏ phiếu, bình bầu, bình chọn để xét duyệt các danh hiệu thi đua cuối năm.

Đây là thời điểm đã kết thúc năm học; việc tổng kết, phê học bạ, làm bảng điểm và công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp đã hoàn tất.

Thi đua khen thưởng cuối năm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thi đua khen thưởng cuối năm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Chúng ta đều biết, đội ngũ giáo viên là người quyết định sự thành công của nhà trường trong từng năm học.

Sự nhiệt tình trong giảng dạy, tinh thần trách nhiệm, sự năng nổ, chịu khó, sự thầm lặng hy sinh, thành tích của đội ngũ giáo viên không thể phủ nhận được.

Nếu nói chính nhân dân là “người làm nên lịch sử” thì ở đây, chính giáo viên là người xây dựng nên bề dày thành tích của nhà trường.

Ban giám hiệu dù tài giỏi đến mấy, dù “ba đầu sáu tay”, nếu không có đội ngũ giáo viên chung sức chung lòng thì khó có được thành tích hàng năm như vậy.

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” - Cụ Nguyễn Du ngày xưa phải thốt lên cay đắng khi chứng kiến những bất công và vẫn “phù hợp” với ngày nay, nếu “soi” vào cách bình chọn, xét duyệt thi đua cuối năm của từng trường.

Ban thi đua nhà trường gồm Ban giám hiệu, Chủ tịch công đoàn cơ sở, Bí thư Đoàn trường. Họp liên tịch cuối năm để bình chọn thi đua gồm các thành phần trên cùng các tổ trưởng chuyên môn.

Theo tỷ lệ quy định trong xét chọn các danh hiệu thi đua thì những cá nhân đạt được luôn luôn “mặc định” có tên của ban giám hiệu (ba, bốn người), không có năm nào “trật” ra ngoài.

3 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất!
3 người trượt thi đua, lại là những người giỏi nhất!

Mặc dù trong ba, bốn vị của ban giám hiệu cũng có người hoàn thành nhiệm vụ ở mức “thường thường bậc trung” nhưng mọi người trong ban liên tịch vẫn bỏ phiếu cao.

Đúng là trong thi đua thì lấy ban giám hiệu “làm gốc” bởi mọi người quan niệm: đã là ban giám hiệu thì phải đạt, nếu không đạt là chuyện không bình thường.

Tiếp đến là tên các thầy cô tổ trưởng, tổ phó được lần lượt xướng lên với số phiếu khá cao vì cùng ngồi họp chung, không lẽ “gạch tên” bạn bè mình.

Thành ra đội ngũ giáo viên (số đông trong trường) rất ít khi đạt được vì các “thành phần” trên đã “quy tụ” gần đủ tỷ lệ quy định rồi.

Nếu có cũng chỉ vài ba người “nổi bật”, lấp đầy danh sách cho “khách quan”; còn lại cứ “yên tâm”, cứ lặng thầm cống hiến, lặng thầm tủi nhục và lặng thầm… lau nước mắt.

Có ai đó nói rằng: nếu giáo viên không giữ chức vụ gì thì khó đạt được các danh hiệu thi đua, thật đúng và cũng thật… chua chát!

Quy định về tỷ lệ danh hiệu “chiến sĩ thi đua” của ban giám hiệu cũng thật trớ trêu. Đó là chỉ được phép bầu 50% , nếu ban giám hiệu có ba người thì chỉ hai người đạt được.

Hai người đó luôn luôn là hiệu trưởng và hiệu phó phụ trách chuyên môn; còn hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất thì luôn bị gạt ra ngoài.

Bởi, trong nhà trường, giáo viên vẫn luôn “coi trọng” phó hiệu trưởng chuyên môn còn phó hiệu trưởng cơ sở vật chất bị xem nhẹ. Thật kỳ lạ!…

Để tạo sự “công bằng”, một số ban giám hiệu các trường tự “quy định” thay phiên nhau hàng năm mà “đạt”, chứ không phải một vài người “đạt” mãi, gây mất đoàn kết nội bộ.

Xét thi đua mới thấy Sáng kiến kinh nghiệm là ...vô giá
Xét thi đua mới thấy Sáng kiến kinh nghiệm là ...vô giá

Trách trời ăn ở không cân/ Kẻ ăn không hết, người lần không ra”, câu nói của người xưa thật đúng với cách bình chọn thi đua này.

Có những vị trong ban giám hiệu có cả hàng tá giấy khen, bằng khen các cấp; trong nhà không đủ chỗ treo nên nhiều khi đành phải xếp xó, buộc dây lại cho lên nóc tủ hoặc gầm bàn…

Họ quá “bội thực” các danh hiệu thi đua hàng năm; trong khi đó, đội ngũ giáo viên rất cần sự ghi nhận, rất cần sự khích lệ, động viên thì lại không có.

Thật chẳng công bằng chút nào trong việc nhìn nhận, chú trọng thành tích của đội ngũ giáo viên luôn “đồng cam cộng khổ” cùng nhà trường, mà chỉ chú trọng thành tích của… ban giám hiệu, của các tổ trưởng, tổ phó.

Xin hỏi có nơi nào, trường nào làm được công việc hàng năm tôn vinh đội ngũ giáo viên trong xét duyệt thi đua; ban giám hiệu lui về phía sau, dành tất cả những danh hiệu cao quý cho đội ngũ giáo viên không?

Đội ngũ giáo viên chính là người quyết định mọi thành công kế hoạch năm học nhưng cũng chính là người chịu nhiều thiệt thòi nhất khi xét chọn thi đua cuối năm.

HOÀNG SA VIỆT