Nghĩa đen của từ đồng phục luôn được hiểu: "Đồng phục là chỉ quần áo cùng màu được may cùng một kiểu thống nhất cho những người cùng một tổ chức, một ngành nghề nào đó".
Có trường học ngoài đồng phục bộ đồ thì đến cái tất, đôi giày cũng "đồng phục" luôn (Ảnh minh họa Báo VTC) |
Thế nhưng từ đồng phục được dùng trong các trường học hiện nay đã trở thành đa nghĩa khi không chỉ mang ý nghĩa chỉ sự giống nhau của quần áo học sinh nữa mà bao hàm tất cả như sách vở, đồ dùng học tập, giày dép, cặp sách, bút viết… thậm chí là bài làm của học sinh được quy định giống nhau.
Nhà trường có lợi gì khi quy định mọi thứ đều "đồng phục"?
Khi học sinh cả trường đều có chung những bộ quần áo, giày dép, sách vở, khi cả lớp đều có chung những cái nhãn vở, bìa bao, cục tẩy...Ai sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất?
Nói là nhà trường có lợi trong việc quy định nhiều thứ phải “đồng phục” nhưng cái lợi phần nhiều chỉ thuộc vào tay hiệu trưởng.
Không phủ nhận một điều, có hiệu trưởng đã lợi dụng sự đồng phục để thu về lợi ích riêng cho bản thân mình.
Ví như quy định đồng phục học sinh toàn trường, đồng phục riêng từng khối, đồng phục đồ đi học theo mùa, đồng phục từng chiếc khăn, bộ đồ ngủ trưa, từng đôi dép đến chiếc cặp cho đến từng cuốn vở, cái bìa bao, cây bút, cái thước kẽ...
Khi nhà trường mua với số lượng lớn lại bán cho học sinh với giá bán lẻ đã thu về một khoản chênh lệch không hề nhỏ.
Giáo viên sẽ được lợi gì?
Nhiều thầy cô tự quy định việc "đồng phục" cho học sinh trong lớp của mình như cả lớp cùng chung một loại bìa bao, cùng chung một mẫu nhãn vở, đến cả cục tẩy cũng phải mua chung một hãng…
Đã có không ít thầy cô bỏ tiền, mua bìa bao về ngồi hàng giờ chỉ để bao sách vở cho các em.
Khi được hỏi thầy cô sẽ được gì khi quy định học sinh trong lớp phải đồng phục? Có giáo viên nói rằng làm như thế chỉ để cho đẹp mắt chứ không hề tư túi một xu.
Ngỡ chuyện đồng phục chẳng ảnh hưởng đến ai, nhưng chuyện đồng phục không chỉ đơn giản dừng lại ở vẻ bên ngoài mang nặng tính hình thức, nó còn ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh.
“Đồng phục” trong cả học tập
Những thầy cô chuộng đồng phục để cho đẹp vẫn thường áp dụng suy nghĩ này vào ngay công việc giảng dạy của mình. Điều này, góp phần triệt tiêu sự sáng tạo của mỗi học sinh.
Đó là việc có thầy cô giáo yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi hay làm bài sẽ phải theo quy định mà chính thầy cô đề ra và đã hướng dẫn làm mẫu.
Ví như việc bài toán giải, lời giải thường phải bắt đầu bằng chữ số và kết thúc bằng chữ là...Hay việc tả về ông, bà nhất định phải tóc bạc, lưng còng hay mắt mờ, răng rụng...
Tả về mẹ thì da phải trắng, tóc phải đen, tính tình phải vui vẻ...và phần kết bao giờ cũng là cố gắng chăm học để trở thành con ngoan, trò giỏi cho cha mẹ vui lòng.
Để có được những đoạn văn thế này, một số thầy cô thường hướng dẫn cho học sinh cái sườn bài chi tiết, đôi khi còn đọc cho các em bài làm của mình để học thuộc lòng.
Ảnh hưởng của việc chuộng "đồng phục"
Khi nhà trường, giáo viên chuộng "đồng phục" sẽ gây không ít sự phiền toái cho học sinh, cho phụ huynh.
Đã có những học sinh được ba mẹ mua cho cặp sách nhưng yêu cầu của nhà trường cặp phải cùng màu, cùng kích cỡ nên đã phải bỏ đi.
Đã có những cuốn vở bài tập, vở luyện viết nhìn nội dung chẳng khác nhau là mấy nhưng vẫn phải bỏ đi vì không cùng một nhà xuất bản phát hành.
Có những phụ huynh mua đồ dùng học tập, bìa bao, nhãn vở rồi…nhưng không được dùng vì thầy cô yêu cầu phải mua đúng mẫu mình quy định.
Hay có những học sinh khi làm bài đã có những suy nghĩ khác với nhiều bạn trong lớp nhưng không được ghi nhận…nên nhất nhất phải tuân theo những hướng dẫn mà thầy cô đã dặn. Chính điều này, đã góp phần triệt tiêu tinh thần tự học và sự sáng tạo của nhiều học sinh.
Bệnh đồng phục trường học ngày nay đã bị biến tướng nhiều làm ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục. Vì thế, đã nhận được không ít sự phản ứng của dư luận nên cần được dẹp bỏ.