Đồng phục học sinh “miếng bánh ngon” cho hiệu trưởng

09/07/2019 06:46
HOÀNG SA VIỆT
(GDVN) - Đồng phục học sinh quả là một “miếng bánh ngon” mà hiệu trưởng nào cũng thích và vì thích mà làm những chuyện không rõ ràng, gây bưc xúc trong nhà trường.

LTS: Thẳng thắn cho rằng, đồng phục học sinh đang trở thành “miếng bánh ngon” cho hiệu trưởng, tác giả Hoàng Sa Việt đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Kể từ khi có “phong trào đồng phục” học sinh, các trường luôn tìm những mẫu mã thật phù hợp được các cơ sở may chào giá.

Người mà các cơ sở may đồng phục tìm đến không phải là bác bảo vệ, cô lao công, thầy A, cô B nào đó mà là tìm thẳng ngay hiệu trưởng nhà trường.

Bởi, hiệu trưởng là người quyết định giá cả, mẫu mã (tuy cũng có đem ra hỏi công đoàn, một vài tổ trưởng cho có lệ, có vẻ khách quan, trong sáng, dân chủ) và phần “bí mật” về khoản hoa hồng “ngon lành” nếu hiệu trưởng chịu duyệt.

Đồng phục học sinh trở thành miếng bánh ngon cho hiệu trưởng chia chác (Ảnh minh họa: baotnvn.vn).
Đồng phục học sinh trở thành miếng bánh ngon cho hiệu trưởng chia chác (Ảnh minh họa: baotnvn.vn).

Thử làm phép tính đơn giản: trường trung học phổ thông lớn có trên dưới khoảng 1.500 học sinh. Mỗi em đăng ký mua từ 2 đến 3 bộ (đa số mua 3 bộ) đồng phục đi học chính khóa, khoảng 4.500 bộ.

Mỗi bộ đồng phục phải trích cho “chủ quản hiệu trưởng” ít nhất khoảng 5.000 đồng là ngay đầu năm học thì vị hiệu trưởng “đáng kính” đã có thu nhập trên 22 triệu đồng từ “hoa hồng bí mật” nhưng vẫn tỏa mùi hương thơm ngát.

Đó là chưa nói đến “hoa hồng công khai” ít ỏi với trường: phần này dành cho nhân viên văn phòng đứng ra bán trực tiếp với các công đoạn bọc từng cỡ đồng phục, sắp xếp phòng thử đồ, thu tiền và giao lại cho thủ quỹ. Chia ra cho khoảng 5, 6 nhân viên thì mỗi em cũng chỉ được khoảng 6-7 trăm ngàn đồng.

Phần “hoa hồng công khai” này, hiệu trưởng có khi không nhận (cũng chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng cà phê “cho vui”). Nhìn bên ngoài, mọi người đều thấy hiệu trưởng rất trong sạch, không màng gì đến quyền lợi cá nhân.

Lẽ ra phải có sự minh bạch, rõ ràng, công khai ngay từ ban đầu. Đó là họp thành phần cốt cán (thường gọi là “liên tịch” gồm ban giám hiệu, tổ trưởng, Chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên hoặc Tổng phụ trách Đội) lấy ý kiến trước về mẫu mã, logo, chất liệu vải, giá cả, cách thức sử dụng “hoa hồng” (vì đây là số tiền lớn).

Hiệu trưởng, kế toán sao cưỡng nổi “hoa hồng”

Tiếp theo là lấy ý kiến rộng rãi của tập thể giáo viên, học sinh, phụ huynh. Sau đó tổng hợp, đưa ra những chuẩn thống nhất cao mới đặt hàng.

Nếu làm được như vậy thì trong nhà trường luôn có một không khí sư phạm tốt đẹp, trong lành, luôn duy trì được sự đoàn kết, tin tưởng lẫn nhau.

Tiếc thay, vì thiếu dân chủ, vì tư tưởng vụ lợi mà nhiều hiệu trưởng tự đặt quyền lợi riêng mình mình lên trên quyền lợi tập thể. Họ độc đoán, tự mình quyết mà không cho ai góp ý, phản biện.

Đó chỉ là một chuyện đồng phục thôi, còn rất nhiều chuyện khác mà người ngoài không biết như thuê căn tin. Hàng tháng thu về cả trăm triệu nhưng tự hiệu trưởng “hợp đồng” nên mỗi tháng, căn tin chỉ đóng cho quỹ đời sống của trường khoảng 10 triệu đồng.

Đồng phục học sinh quả là một “miếng bánh ngon” mà hiệu trưởng nào cũng thích và vì thích mà làm những chuyện không rõ ràng, gây bưc xúc trong nhà trường… Không ai dám nói hay là chưa nói?

HOÀNG SA VIỆT