Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
55 học sinh, sinh viên xuất sắc tiêu biểu năm học 2017-2018 bao gồm học sinh đoạt giải Olympic Quốc tế và Châu Á năm 2018, đoạt giải Hội thi Khoa học Kỹ thuật quốc tế năm 2018; Các học sinh tiêu biểu, vượt khó trong học tập, rèn luyện được khen thưởng đột xuất năm học 2017 – 2018; Các sinh viên xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học năm học 2017- 2018.
Báo cáo với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về những kết quả nổi bật của ngành giáo dục thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương, ngành giáo dục đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả nổi bật.
Hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô, số lượng và chất lượng đáp ứng về cơ bản nhu cầu học tập của nhân dân; 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục tiểu học và giáo dục trung học cơ sở.
Chất lượng giáo dục phổ thông được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Chất lượng giáo dục đại học được cải thiện một bước.
Lần đầu tiên Việt Nam có 2 trường đại học quốc gia nằm trong nhóm 1000 trường đại học tốt nhất thế giới, có 7 trường đại học được xếp vào nhóm 500 trường đại học tốt nhất Châu Á…
Trong 5 năm học vừa qua, trong 191 lượt học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế, có 187 học sinh đoạt giải với 60 huy Huy chương Vàng, 78 Huy chương Bạc, 40 huy chương Đồng; tăng 37 giải so với giai đoạn 5 năm trước, trong đó riêng số huy chương Vàng tăng gấp 3 lần.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh sinh viên tiêu biểu (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Chia sẻ niềm vui được gặp gỡ các thầy cô giáo, các em học sinh sinh viên tiêu biểu của ngành giáo dục, đồng thời đánh giá cao những kết quả mà ngành đã đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh:
“Mặc dù nền giáo dục của chúng ta vẫn còn những hạn chế, xã hội vẫn còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.
Từ một đất nước hơn 90% người dân mù chữ, đến nay trong tổng số 94 triệu dân có 24 triệu người đi học.
Có nghĩa là cứ 4 người dân lại có một người đi học, không phải chỉ là học sinh, sinh viên mà có người lớn cũng đi học rất nhiều.
Trong số 1.000 trường đại học nổi tiếng trên thế giới, Việt Nam đóng góp 2 trường. Trình độ của học sinh, sinh viên bây giờ khác xa ngày xưa.
Điều kiện trường lớp cũng ngày càng phát triển, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự nghiệp giáo dục của chúng ta đang phát triển rất mạnh và có triển vọng rất tốt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, mỗi cháu học sinh sinh viên cần nỗ lực rèn luyện cả đức và tài (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Ghi nhận tinh thần nỗ lực, cố gắng học tập của các cháu học sinh, sinh viên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chia sẻ, mỗi người một hoàn cảnh, mỗi người một số phận, mỗi người có thuận lợi khó khăn riêng nhưng các cháu đều có điểm chung là tinh thần nỗ lực, ham học tập, học giỏi, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.
“Không chỉ ở thủ đô hay các thành phố lớn mà bây giờ ở vùng cao, vùng khó khăn cũng có nhiều học sinh rất giỏi, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tinh thần nỗ lực, phấn đấu vươn lên rất tốt” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng bày tỏ mong muốn, mỗi cháu học sinh sinh viên cần nỗ lực rèn luyện cả đức và tài, trong đó đức là gốc, nói thế không phải xem nhẹ tài, tài cũng cực kỳ quan trọng, nếu không có tài thì làm sao xây dựng được đất nước, làm sao gọi được là nguyên khí quốc gia.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục chú ý thêm về các mặt giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh sinh viên, trước hết là từ cách ăn, ở, đối xử hàng ngày với anh em, bạn bè tới trách nhiệm công dân với đất nước, trung thành tuyệt đối với lợi ích quốc gia dân tộc, mang cái tài của mình ra phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước căn dặn: các cháu đã học, phấn đấu giỏi, đạo đức rất tốt nhưng sao trong mỗi một người phải vừa có đức, vừa có tài (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý tới vấn đề nâng cao thể lực cho học sinh, sinh viên Việt Nam.
“Các cháu ngồi ở đây tôi thấy bé quá, có những sinh viên năm thứ hai, năm thứ tư, trẻ thì rất trẻ nhưng phải cần to lớn, vạm vỡ hơn.
Cần chú ý cả 4 mặt: đức - trí - thể - mĩ để dân tộc Việt Nam ta đã có trí tuệ tốt rồi nhưng cũng phải phát triển về mặt thể lực, sức vóc nữa”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo quán triệt tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới, toàn diện giáo dục và đào tạo căn bản để xây dựng nền giáo dục của nước ta ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu.
“Bác Hồ đã nói rồi “non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai được với cường quốc năm châu được hay không là trông cậy vào các cháu.
Các cháu gắn liền với các thầy, “không thầy đố mày làm nên”, nên thầy và trò phải gắn bó với nhau” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định.