Mới đây, một ông bố có con đang theo học tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã làm thơ cho con gái sau buổi họp phụ huynh khiến nhiều người xúc động, nhất là khi con gái anh không phải học sinh xuất sắc mà chỉ “đạt”. Bài thơ có đoạn viết:
“…Hôm nay bố đi họp/Thấy con quá vô tư/Nên bố chẳng thèm mơ/Chỉ mong con vui khỏe/Đọc nhiều vào con nhé/Bố chỉ cần thế thôi"!
Qua bài thơ này, ông bố thể hiện quan điểm: “điểm số không phải tất cả, quan trọng là con vui vẻ, mạnh khỏe và thích đọc sách mỗi ngày”.
Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam. Ảnh: NVCC |
Dư luận đã đặt ra câu hỏi, trong thời đại bố mẹ phát cuồng vì điểm số, tại sao quan điểm của ông bố này lại được ủng hộ nhiều đến như vậy?
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Phó Giáo sư.Tiến sĩ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết quan niệm của bố mẹ về mối quan hệ giữa thành tích học tập và thành công trong cuộc đời của con cái đã có sự thay đổi:
“Bố mẹ nào cũng cần một thước đo để xem con họ đang ở đâu cho nên sâu bên trong mỗi phụ huynh đều tồn tại chủ nghĩa thành tích. Chỉ có điều là họ nhìn nhận vấn đề thành tích đó có đúng bản chất hay không mà thôi.
Nhiều bố mẹ khi con họ có một số điểm mạnh thực sự thì họ sẽ muốn phát triển điểm mạnh đó lên và chính vì vậy mà về khía cạnh nào đó thì họ sẽ tôn sùng chủ nghĩa thành tích.
Thế nhưng để giúp cho một đứa trẻ trưởng thành và thành công trong cuộc đời thì không còn dựa theo các tiêu chí truyền thống như trước đây nữa.
Hiện nay tiêu chuẩn của một công dân thế kỷ 21 là phải biết ứng biến, xử lý một cách hiệu quả trong những tình huống biến đổi của thực tế. Chính vì vậy điểm số ở trên lớp không thể nào phản ánh được những năng lực đó.
Ví dụ khi học toán, học sinh không đơn thuần chỉ học kỹ thuật giải toán mà còn phải học tư duy về toán học. Nói cách khác, bố mẹ đã nhận ra rằng cái quan trọng không phải là kỹ thuật giải toán của con có tốt hay không mà là tư duy toán học của con có tốt hay không để có thể áp dụng vào giải quyết những tình huống thực tế trong cuộc sống.
Chính vì vậy, bố mẹ bắt đầu nhận ra rằng mối quan hệ giữa thành tích học tập và thành công trong cuộc đời của con cái chưa chắc đã thống nhất với nhau. Đó cũng là nguyên nhân khiến bài thơ của ông bố kia được nhiều người ủng hộ”.
Thầy Nguyễn Quang Tùng. Ảnh: giaoduc.net.vn |
Có cùng quan điểm với thầy Trần Thành Nam, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp Hà Nội cho biết bài thơ này gây sốt vì ông bố đã lấy hạnh phúc của con gái mình làm trung tâm.
“Cháu bé mới học lớp 1, khoảng 8 năm nữa mới lên cấp 3. Lúc đó, xã hội chúng ta đã thay đổi nhiều về quan điểm trong thành tích giáo dục. Và tôi tin, cả hai bố con sẽ giữ được mạch hạnh phúc đó”, thầy Tùng nhận xét.
Theo thầy Tùng, thay vì ép con cái học cật lực, chạy đua với điểm số, một số gia đình cần quan tâm hơn đến sở thích, năng khiếu của con cái và hướng con cái đến những môn học ấy.
Chia sẻ về áp lực điểm số đang đè nặng lên vai học sinh và phụ huynh, thầy Tùng cho biết:
“Dù không muốn cũng phải thừa nhận là có áp lực đó. Chính vì vậy, ngay từ khi tuyển sinh, Hệ thống giáo dục Lômônôxốp Hà Nội luôn tích cực tuyên truyền về triết lý giáo dục của trường với phụ huynh.
Ở trường tôi, nhiều năm liền điểm số được đánh giá thật. Có thể điểm số hơi thấp so với mặt bằng chung các trường tư thục nhưng phụ huynh bằng lòng vì họ đã tìm hiểu trước khi chọn lựa", thầy Tùng cho biết.