Phụ huynh chạy theo thành tích dễ dẫn đến "mua" điểm, "chạy" trường cho con

25/01/2021 06:30
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với căn bệnh thành tích cố hữu ăn sâu dễ dẫn đến hiện tượng chạy điểm, mua điểm cho đẹp học bạ, không phản ánh đúng thực chất năng lực học sinh.

Việc các phụ huynh thi nhau đưa bảng điểm, thành tích sáng giá của con mình lên tung hô trên các trang mạng xã hội vào sau mỗi đợt thi học kỳ nhộn nhịp đến mức nhiều người ví von đó như những phiên chợ, cứ đến hẹn lại lên.

Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa lường hết những mặt trái có thể mang lại từ những hành động tưởng chừng là vô thưởng vô phạt này.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tất Thắng – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế cho rằng: “Việc phụ huynh đưa những thành tích, bảng điểm nổi trội của con mình lên mạng xã hội cho dù là với mục đích gì phía sau thì điều này sẽ có hai chiều hướng diễn ra. Những người tiếp cận được với những thông tin đó có thể là đồng tình hoặc có thể là không.

Thậm chí, với suy nghĩ cố hữu về bệnh thành tích ăn sâu của nhiều người thì họ còn đặt ra câu hỏi, những thành tích sáng ngời được các phụ huynh đăng tải lên mạng xã hội đó chắc gì đã là điểm thật của học sinh ấy phấn đấu, chắc gì là thực lực của con họ có được.

Ngoài những lý do đó, nhiều quan điểm tỏ ra không đồng tình với việc này cũng bởi lẽ họ được chứng kiến quá nhiều sự việc phụ huynh bỏ tiền ra mua điểm, chạy trường cho con bị báo chí phanh phui trong thời gian qua”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tất Thắng – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tất Thắng – Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Hoàng Tất Thắng cũng nêu ra nhận định rằng, nếu một học sinh đã có năng lực thật sự, có thành tích nổi bật dựa trên những cố gắng, nỗ lực của bản thân em đó thì trước sau gì các tổ chức xã hội cũng tìm đến, bảng vàng của em đó cũng sẽ được ghi danh.

Mà những học sinh như vậy có đưa lên trên truyền thông đại chúng thì cũng là tấm gương chính đáng để các bạn khác có thể học hỏi và noi theo.

Nếu đơn thuần chia sẻ của người đó trong họ hàng, bạn bè thân cận thì mức độ ảnh hưởng nó có thể không nhìn thấy rõ.

Nhưng việc khoe khoang này nếu được chia sẻ trong các hội nhóm, lượng theo dõi lớn thì nó rất dễ xảy ra một hiệu ứng gọi là, hiệu ứng lan toả.

Mà đã là hiệu ứng thì phải mất một khoảng thời gian rất lâu nó mới đi đến hồi kết, nếu một hành động tốt được lan toả thì giúp ích cho xã hội, ngược lại những sự việc không tốt có thể dẫn đến những hậu quả vượt ngoài tầm kiểm soát.

Tiến sĩ Hoàng Tất Thắng cho biết thêm: “Việc này, như tôi đã nói nó cũng có mặt tích cực và tiêu cực. Tính tích cực là ở chỗ, bạn bè sẽ tìm hiểu, tham khảo kinh nghiệm về phương pháp học tập của con em, cũng như kinh nghiệm quản lí, kèm cặp của bố mẹ, là những nhân tố dẫn đến thành tích học tập cao của các em.

Nếu như các phụ huynh quan tâm đến chất lượng học tập, có thể tìm đến những trường hợp được đăng tải và tìm hiểu xem việc dạy dỗ như thế nào, kinh nghiệm học hành ra làm sao mà học sinh ấy có thể đạt được những kết quả được nhiều người mong muốn như vậy. Và có thể, từ những tìm hiểu đó lại rút ra nhiều điều bổ ích cho con mình học tập.

Tính tiêu cực là ở chỗ, một số phụ huynh khác lấy đó để so sánh với con em mình, nhất là những em có thành tích học tập kém. Hệ luỵ có thể xảy ra với việc này là sự trách móc, chê bai con em mình, gây áp lực nặng nề cho các cháu.

Mặt khác, trong tình hình những biểu hiện tiêu cực còn khá phổ biến ở trường học như bệnh thành tích của các giáo viên, hiện tượng chạy điểm, mua điểm làm cho kết quả học tập của các em không đúng thực chất, thì việc chia sẻ thành tích học tập của con em mình trên mạng xã hội lại trở nên phản tác dụng. Có khi lại trở thành tâm điểm của sự mỉa mai, đả kích, hoặc bị “ném đá”.

Không những thế, tư duy của mỗi trẻ mỗi khác, học lực của từng cháu cũng không giống nhau, có bạn không cần ôn luyện gì cũng giỏi, nhưng có trẻ phải ôn luyện kín lịch cả tuần cũng không cải thiện được về kết quả học tập. Mà những điểm số không có được từ chất xám thì nó không đáng để được đưa ra để khoe khoang”.

Để cho trẻ có động lực phấn đấu trong học tập, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Tất Thắng cho rằng, còn nhiều việc làm khác cụ thể và thiết thực hơn.

Đó có thể là tặng cho con những món quà liên quan đến việc học tập, những kỳ nghỉ bổ ích hoặc cho con những điều ước mang tính động lực để khiến các con biết rằng để có được những điều ước ấy thì bản thân chúng phải tự phấn đấu.

Trong việc học hành đồng ý là phụ huynh cần sâu sát việc học của con theo những chương trình bắt buộc trong quá trình học tập, nhưng đừng bao giờ quá đặt nặng vấn đề thành tích với con cái của mình.

Ngoài việc hướng dẫn, giúp đỡ các em học kiến thức phụ huynh nên tăng cường giáo dục nhưng kỹ năng sống cơ bản, tạo điều kiện thời gian cho các hoạt động ngoại khoá, thể dục thể thao, các môn năng khiếu và giao tiếp ứng xử giúp trẻ phát triển toàn diện hơn.

Trung Dũng