Giáo dục phổ thông Việt Nam mãi đì đẹt vì chưa tháo được nút thắt tư duy

19/01/2018 06:55
Trương Quang Đệ
(GDVN) - Buồn thay, giáo dục vẫn lẩn quẩn với những cách làm, cách suy nghĩ cũ kỹ của thế kỷ trước, chưa thoát khỏi những xiếng xích vô hình cản bước tiến của dân tộc.

LTS: Đó là những chia sẻ của thầy Trương Quang Đệ, nguyên là chủ nhiệm khoa Ngoại ngữ (Trường Đại học sư phạm Huế).

Thầy từng là chuyên gia giáo dục Việt Nam sang hỗ trợ các nước châu Phi trong những thập niên 70, 80 và là chủ biên bộ sách giáo khoa tiếng Pháp chương trình Trung học phổ thông (sử dụng từ năm 1994 đến 2004).

Trước những thực tế tồn tại của nền giáo dục nước nhà, thầy đã có những chia sẻ, trăn trở gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Một giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội gần đây có bài đăng trên mạng cho biết, số sinh viên Campuchia theo học trường này giảm hẳn từ hơn năm nay.

Giáo dục nước ta vẫn lẩn quẩn với những cách làm và cách suy nghĩ cũ kỹ của thế kỷ trước. Ảnh minh họa trên giaoduc.net
Giáo dục nước ta vẫn lẩn quẩn với những cách làm và cách suy nghĩ cũ kỹ của thế kỷ trước. Ảnh minh họa trên giaoduc.net

Số sinh viên còn lại mà ông tiếp xúc tâm sự với ông rằng: Campuchia có ông Bộ trưởng Giáo dục mới chủ trương lấy trung thực làm gốc, học hành thi cử được đánh giá đúng thực chất, xóa bỏ mọi thứ gian dối trong quản lý, dạy và học.

Nhờ thế mà chỉ một thời gian ngắn, chất lượng giáo dục từ tiểu học đến đại học thay đổi như có phép thần thông.

Giới trẻ ở Campuchia hiện nay, thấy không cần phải đổ xô ra nước ngoài học như trước đây nữa.

Buồn thay, giáo dục nước ta vẫn lẩn quẩn với những cách làm và cách suy nghĩ cũ kỹ của thế kỷ trước, chưa thoát ra khỏi những xiếng xích vô hình cản trở bước tiến của dân tộc.

Trước hết là bệnh ngụy thành tích trầm kha của các cấp quản lý, của đội ngũ giáo viên và gia đình xã hội.

Trường nào cũng phấn đấu (ảo là chủ yếu) đạt tỷ lệ học sinh khá giỏi ở mức gần như tuyệt đối.

Tỉnh A thấy phấn khởi vì có nhiều học sinh đỗ đại học hơn tỉnh B, có nhiều cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ hơn tỉnh B.

Giáo dục phổ thông Việt Nam mãi đì đẹt vì chưa tháo được nút thắt tư duy ảnh 2

Tầm nhìn 4.0 và quyết sách táo bạo của Bộ trưởng làm thay đổi giáo dục Campuchia

Sở Giáo dục và các vị Hiệu trưởng tỉnh B ăn ngủ không yên với tình hình đó. Không ai nghĩ một cách nghiêm túc rằng: mục tiêu của giáo dục không phải như vậy.

Trong một nền giáo dục chân thực, nhà trường không phải là nơi đào tạo người giỏi, ở bậc phổ thông không cần gì đến trường chuyên lớp chọn.

Người giỏi, tức là người có năng lực vượt trội hơn người khác mà ta quen gọi là nhân tài chỉ chiếm một tỉ lệ nhỏ trong đông đảo quần chúng học sinh không phải là đối tượng chủ yếu của nhà trường.

Thông qua sự liên thông giữa trường học và các viện khoa học, các hội đoàn chuyên ngành, các quỹ hỗ trợ tài năng, người giỏi sẽ có sự quan tâm riêng.

Nhà trường chỉ cần cung cấp, ngoài những hiểu biết cơ bản, cần thiết cho đời sống công dân, những kỹ năng giao tiếp như: lắng nghe, diễn đạt, ghi chép… Và thói quen tham gia công tác xã hội, biết chơi thể thao, thưởng thức nghệ thuật...

Báo chí truyền thông lâu nay chỉ đề cao những học sinh được huy chương vàng, bạc quốc tế, coi đó là con đường vinh quang của cánh trẻ.

Không mấy ai quan tâm đến những em tham gia tốt công tác xã hội như: chăm sóc người già, lo việc gia đình, giúp đỡ láng giềng.

Lấy lại ví dụ về hai tỉnh A và B. Tỉnh A có nhiều học sinh đỗ Đại học, nhiều Thạc sĩ, Tiến sĩ hơn tỉnh B, nhưng đa số không có việc làm hay có việc không đúng ngành nghề đã học.

Tỉnh B có rất ít, thậm chí không có Thạc sĩ hay Tiến sĩ, nhưng số học sinh tốt nghiệp phổ thông biết bắt tay vào công việc thực tế, biết cách khởi nghiệp và đóng góp cho tỉnh nhà nhiều cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao đời sống xã hội.

Thử hỏi, người dân tỉnh A hay tỉnh B, ai tự hào về con em mình hơn?

Giáo dục phổ thông Việt Nam mãi đì đẹt vì chưa tháo được nút thắt tư duy ảnh 3

Cải cách giáo dục ngoạn mục của Campuchia bắt đầu từ thi thật

Đại học nước ta khép kín trong lĩnh vực hàn lâm với vòng kiềm tỏa của các vị Giáo sư không mấy cởi mở.

Ít thấy đại học nào mời các doanh nhân thành đạt, những chính khách có kinh nghiệm, các tướng lĩnh có đầu óc xét đoán hơn người… đến chuyện trò với sinh viên.

Giáo dục suy cho cùng nhằm giúp đỡ từng cá nhân tìm được hướng đi cho cuộc đời mình, chứ không phải ôm một mớ hiểu biết vô ích.

Muốn thi vào ngành ngoại ngữ vẫn phải đạt ba môn: Văn, Toán, Ngoại ngữ. Không biết lô-gic đó từ đâu ra, có lẽ từ thới Liên xô cũ.

Có lần, một học sinh quê Ngệ An thi vào khoa Pháp ở Đại học Huế, tuy được 10 điểm môn Pháp văn mà vẫn trượt vì toán chỉ 2 điểm. Tôi lấy làm băn khoăn tiếc nuối cho trường hợp đó.

(Còn nữa).

Trương Quang Đệ