LTS: Sau khi trở về từ Hội nghị Liên đoàn các Hiệp Hội Tư vấn Giáo dục và Ngôn ngữ thế giới (FELCA) tổ chức vào đầu tháng 9 tại London, bà Đào Liên Hương - Tổng thư ký FELCA đưa ra tổng kết những vấn đề lớn của giáo dục quốc tế.
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả các nhận định này.
Nhìn ra thế giới để nhìn về Việt Nam, tôi xin tổng kết 4 vấn đề lớn của Giáo dục quốc tế đang là chủ đề bàn luận tại 4 diễn đàn giáo dục quốc tế vừa diễn ra:
1. Các xu hướng của chương trình sinh viên năng động (students mobility).
2. Châu Á - Thái Bình Dương – đang chuẩn bị trở thành cường quốc giáo dục thế giới?
3. Xuất khẩu giáo dục đứng ở vị trí nào trong nền kinh tế?
4. Sử dụng các phương tiện truyền thông đa phương tiện cho việc tuyển sinh ra sao?
Trong vài thập kỷ tới, 4 xu hướng sau đây sẽ gây ảnh hưởng chính tới chương trình sinh viên năng động (cách gọi cho việc dịch chuyển sinh viên giữa các trường Đại học và các nước trên thế giới) .
1. Số lượng sinh viên tham gia ngày càng tăng.
Hiện đang có khoảng 5 triệu sinh viên đi du học ra ngoài biên giới, cho thấy con số này đã tăng 67% so với năm 2005.
Với tỷ lệ tăng 7% mỗi năm từ 2000 – 20012. Chương trình OECD đã dự đoán rằng con số sinh viên quốc tế sẽ tăng lên khoảng 8 triệu vào năm 2025, dẫn đến tỷ lệ sinh viên năng động tăng 60% trong thập kỷ tới.
Sau đó thì sao?
“Cho đến năm 2002, đông đảo sinh viên đã sang học tại Bắc Mỹ và châu Âu – hơn hẳn con số tại các châu lục khác. Nhưng kể từ 2003, ngày càng nhiều sinh viên đã chọn Châu Á Thái Bình Dương làm nơi đến du học” – theo nghiên cứu của trường Đại học RMIT đăng tại tạp chí Tin tức các trường Đại học thế giới năm 2012 – “con số sinh viên vào học tại các trường ở khu vực này từ 2020 – 2021 sẽ vượt quá 100 triệu sinh viên và vượt quá 200 triệu vào những năm 2023 – 2034.”
Gần đây, ông Calderon trong bài phát biểu bên thềm Hội nghị GD EAIE tại Glasgow 9/2015 – “sự tham gia học hành vẫn tiếp tục tăng tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Indonesia.
Các thị trường này vẫn thiếu chỗ dẫn đến phải gửi khoảng 30 triệu sinh viên đi ra nước ngoài học tập.
Nhưng ngay khi khả năng hấp thụ toàn bộ số sinh viên này vào các trường nội địa vào những năm 2025, thì thế giới sẽ chứng kiến một sự thay đổi lớn của xu hướng ngược dòng”.
Bên cạnh đó các chương trình: học kỳ ở nước ngoài hoặc một năm học ở nước ngoài (semester abroad or exchange year) đã trở thành gần như bắt buộc cho sinh viên các trường Đại học trên thế giới.
Chúng ta cần có những chính sách gì để thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập hơn? (Ảnh: giaoduc.net.vn) |
Điều này sẽ giúp sinh viên hội nhập dễ dàng hơn, toàn cầu hóa hơn, thuận lợi hơn cho việc xin việc tại các công ty đa quốc gia.
Nó còn giúp cho các nền giáo dục trên thế giới đan xen, liên thông và bằng cấp dễ được công nhận của nhau hơn.
2. Các thị trường du học lớn sẽ phải chia sẻ thị phần:
Hiện giờ Mỹ là thị trường tiếp nhận du học sinh lớn nhất, theo đó là Anh, Đức, Pháp rồi Australia... nơi đang tiếp nhận khoảng hơn nửa số sinh viên du học. Các nước này đang mất dần thị phần.
Tại Mỹ, tỷ lệ du học sinh giảm từ 23% vào năm 2000 xuống còn 16% vào năm 2012, mặc dù con số tuyệt đối vẫn tăng.
Tại Anh, con số sinh viên quốc tế hầu như ít biến động trong những năm gần đây bởi lý do điều kiện visa sinh viên ngặt nghèo, thì việc mất thị phần là đương nhiên.. Còn một lý do nữa là sự cạnh tranh gay gắt giữa các thị trường du học.
Canada và Australia đã dành được thị phần lớn hơn trong thập kỷ vừa qua. Theo tài liệu của OECD thì ngoài các thị trường truyền thống đó, “một số đáng kể sinh viên cũng đã chọn những thị trường như CHLB Nga ( 4%- 2012), Nhật bản 3%, Áo 2%, Italia (2%), NZ (2%), Tây Ban Nha 2%”….
Dựa vào xu hướng này cho thấy sự cạnh tranh giữa các thị trường du học cũng khá gay gắt.
3. Sự tăng nhanh số lượng tầng lớp trung lưu toàn cầu:
Sự tăng trưởng nhanh của tầng lớp trung lưu toàn thế giới cũng ảnh hưởng đến xu hướng du học toàn cầu.
Đầu năm nay Dr Simon Marginsn đã viết: “Số người trung lưu ở châu Á dự kiến tăng từ 600 triệu vào năm 2010 lên hơn 3 tỷ vào năm 2030, và dĩ nhiên giới trung lưu thường ưu tiên hàng đầu cho việc học hành của con cái".
Trong tạp chí Tin tức Giáo dục thế giới ( World Education News and Reviews – WENR) đã phân tích kỹ điểm này như sau: Số lượng du học sinh tăng kể từ năm 2000 do sự tăng trưởng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu trong xã hội – tăng 161% tại các nước có nền kinh tế mới nổi so với 29% từ các nước phát triển.
Trong số đó có mặt các nước mới nổi như Ấn Độ, Nigeria, Trung Quốc, Indonesia,…nơi có tầng lớp trung lưu phát triển chiếm tỷ lệ quan trọng trong dân số
4. Du học trong khu vực:
Theo nghiên cứu “tầm nhìn giáo dục – Education at a glance” năm 2014 đã chỉ ra rằng xu hướng du học gần ngay trong khu vực đã ngày càng đông..
Vào những năm 1999 – 2007, số lượng sinh viên tại Mỹ Latinh du học trong khu vực tăng từ 11% - 23%, tại Đông Á tăng từ 36% - 42%. – theo thống kê của UNESCO.
Xu hướng này ngày càng tăng trên thế giới: như giữa các nước ASEAN và thông qua chương trình ERASMUS tại Châu Âu.
Đặc biệt thông qua các chương trình hợp tác song phương như chương trình 100,000 sáng kiến của Mexico dành cho sinh viên Mỹ, hay như chương trình 320.000 sinh viên quốc tế vào Nhật do Chính phủ Nhật phát động nhằm vào du học sinh trong khu vực, hoặc chương trình Giáo dục không biên giới nhằm đưa hơn 100.000 sinh viên ra nước ngoài của Brazil..
Tại Việt Nam số lượng du học sinh sang các nước xung quanh như Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài loan, Singapore, Malaysia… cũng ngày một tăng mạnh so với các thị trường truyền thống như Anh, Mỹ, Úc…
Nắm được 4 trào lưu chính của sự chuyển động của sinh viên trên thế giới và trong khu vực, chúng ta sẽ có những chính sách thích hợp để thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến Việt Nam học tập hơn như: góp mặt tại các diễn đàn giáo dục, hội chợ giáo dục quốc tế lớn như NAFSA, EAIE, ALPHE, ICEF, STUDYWORLD… để giới thiệu về hệ thống các trường của Việt Nam, con người, văn hóa, lối sống Việt Nam, nhằm giúp sinh viên quốc tế hiểu rõ hơn và thích đến Việt Nam học tập.
Tài liệu tham khảo: nguồn của ICEF