Ngày 11/7, tất cả các hội đồng thi chính thức công bố kết quả kỳ thi quốc gia 2018 và ngay sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng công bố phổ điểm của các môn thi trong kỳ thi này.
Đánh giá một cách tổng thể, phần lớn các môn thi có phổ điểm gần với phân phối chuẩn.
Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá, năm nay một số môn có phổ điểm tốt như là Vật lý, Hóa học, Sinh học và Địa lý.
Cũng qua phân tích phổ điểm cho thấy một số môn như Ngoại ngữ, Lịch sử có điểm trung bình thấp hơn các môn khác.
Còn môn Giáo dục công dân thì có điểm trung bình cao hơn các môn còn lại.
Giáo sư Lâm Quang Thiệp: “Người ra đề hoàn toàn có thể điều khiển được phổ điểm” (Ảnh: Thùy Linh) |
Đối với những phổ điểm chưa đạt chuẩn thì theo ông Thiệp, những câu hỏi trong đề thi đó không phù hợp với năng lực của thí sinh, có thể cao hoặc thấp hơn so với năng lực của các em.
Điều này đòi hỏi cách xây dựng đề thi cần phải tốt hơn trong thời gian tới.
Bởi lẽ, theo ông Thiệp, nếu xây dựng được ngân hàng câu hỏi tốt tức là các câu hỏi được đưa ra, thử nghiệm đầy đủ trên chính người học, những câu không phù hợp sẽ được loại ra khỏi đề chính thức thì chắc chắn phổ điểm các môn sẽ đạt chuẩn, tiệm cận chuẩn.
“Nếu có ngân hàng câu hỏi tốt, người ra đề hoàn toàn có thể điều khiển được phổ điểm tức là muốn phổ điểm như thế nào thì sẽ ra đề theo hướng đó, không cần chờ thi xong mới biết phổ điểm.
Do đó vấn đề xây dựng ngân hàng câu hỏi là quan trọng nhất”, ông Thiệp khẳng định.
Ông Thiệp nói thêm, muốn đánh giá đề thi như thế nào, câu hỏi trong đề ra sao, có đáp ứng chuẩn hay không thì cần phải có quá trình phân tích từng đề, từng câu hỏi và khoa học đo lường hoàn toàn có thể làm điều này để biết câu nào được, câu nào chưa được để điều chỉnh.
Riêng đối với phổ điểm môn Lịch sử lệch về bên trái, thậm chí ở nhiều địa phương, tỉ lệ thí sinh đạt điểm trên trung bình chỉ xấp xỉ 20% đã khiến dư luận quan tâm.
Về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá, năm nay, với môn Lịch sử, ban ra đề thi có một bước chuyển về việc định hướng ra các câu hỏi trong đề thi theo hướng đánh giá năng lực của thí sinh.
Tức là không yêu cầu học sinh phải ghi nhớ hay trả lời các câu hỏi máy móc theo khuôn mẫu có sẵn mà chú trọng về phần vận dụng các kiến thức của lịch sử trong việc giải quyết các vấn đề, có lẽ đây cũng là một trong những lý do căn bản khiến kết quả thi của các em không cao như những môn khác.
Tuy nhiên, môn Lịch sử vẫn là môn có số lượng điểm 10 lớn, 11 điểm 10 và hơn 700 thí sinh đạt điểm 9 trở lên. Đây là những thí sinh dự thi môn Lịch sử để lấy kết quả xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
Ở đây có thể thấy, mục đích dự thi của thí sinh đã ảnh hưởng tới phổ điểm môn Lịch sử Với một kỳ thi với 2 mục đích, tính mục đích của các thí sinh trong kỳ thi rất là rõ.
Thực tế là những thí sinh dự thi môn Lịch sử với mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng có điểm số tốt hơn hẳn so với những thí sinh chỉ dự thi với mục đích tốt nghiệp.
Ông Trinh khẳng định: “Kết quả thi Lịch sử của các em chỉ phản ánh một phần nội dung đề thi, cách thức tổ chức thi, điều quan trọng hơn là chúng ta phải thay đổi phương pháp dạy học để làm sao môn Lịch sử trở nên thân thiện hơn, học sinh học hứng thú hơn, giáo viên dạy hiệu quả hơn và từ đó dẫn đến kiến thức lịch sử tích lũy được, năng lực vận dụng lịch sử trong cuộc sống được nâng lên.
Khi đó chắc chắn kết quả thi Lịch sử của các em trong kỳ thi quốc gia cũng như những kỳ thi khác sẽ được thể hiện qua điểm số ở mức độ cao hơn”.