LTS: Tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết số 113 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng giới thiệu cuốn sách "Mỉm cười thu phục lòng người" của tác giả Paul McGee.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Paul McGee là một trong những diễn giả hàng đầu của nước Anh. Ông là người điều hành hội nghị Paul McGee, giáo dục các công ty về cách tồn tại và phát triển trong thời gian đầy thử thách.
Ông thường được biết đến với cái tên anh chàng SUMO sau khi bộ sách Triết lý SUMO (How to Succeed With People) của ông trở thành một cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới.
Cuốn "Mỉm cười thu phục lòng người” (đắc nhân tâm trong mọi mối quan hệ) được Nhà xuất bản Thanh Hóa và Công ty Anlangbooks phát hành với bản dịch của Lê Đình Hùng.
Cuốn "Mỉm cười thu phục lòng người” (đắc nhân tâm trong mọi mối quan hệ) được Nhà xuất bản Thanh Hóa và Công ty Anlangbooks phát hành với bản dịch của Lê Đình Hùng. |
- Thành công trong giao tiếp, ứng xử với mọi người là điều vô cùng quan trọng và có lẽ chưa bao giờ quan trọng như hiện nay.
- Con người sẽ không bao giờ đơn giản, dễ dàng như những cỗ máy. Đừng sửa chữa người khác. Giúp đỡ họ? Chắc chắn là được. Khuyến khích họ nhìn sự việc dưới góc nhìn khác nhau? Có thể được. Thúc đẩy, khích lệ họ? Cũng có thể. Lôi kéo, thu hút họ? Có thể. Thấu hiệu họ hơn cả bản thân họ? Chắc chắn rồi.
- Hầu hết mọi người đều thiếu khả năng tự nhận thức. Kiến thức chỉ đưa bạn đi xa tới một mức độ nhất định mà thôi.
Chính khi bạn quyết định bắt tay vào hành động, hoặc dừng một hành động nào đó, bạn mới bắt đầu nhìn thấy kết quả của những kiến thức kia.
- Đôi khi phải can đảm mới có thể thay đổi. Phải khiêm tốn, nhún nhường mới có thể thừa nhận mình sai. Một số người đơn giản là không đủ can đảm hoặc khiêm nhường để làm điều đó.
- Căng thẳng khiến bạn trở nên ngu xuẩn. Ngược lại cũng vậy, hứng khởi cao độ có thể khiến bạn hứa hẹn hấp tấp và quyết định vội vàng trong khi tâm trí vẫn đang còn bị cuốn vào cảm xúc cao trào.
- Đôi khi người ta cư xử mà không hay biết và cũng chẳng bận tâm gì về tác động từ những hành vi của họ đối với bạn cũng như với mọi người. Và điều đó sẽ chẳng thay đổi nếu bạn không nói và không làm gì cả.
- Cố ý hạ nhục người khác không bao giờ là một hình thức hay tạo động lực khích lệ mà chỉ đặt nền móng cho nỗi cay đắng, oán giận và thậm chí là mong muốn trả thù trong tương lai.
- Để thành công trong các mối quan hệ với mọi người, điều quan trọng hơn là bạn được tôn trọng chứ không phải được yêu thích. Người khác có thể lợi dụng và khai thác sự tử tế của bạn và bạn sẽ không bao giờ thành công.
- Hãy cẩn thận bởi đôi khi chúng ta có xu hướng đóng vai trò quan tòa và ngay lập tức vội vã phán xét, lên án mọi người. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng đôi khi hoạt động giao tiếp cần đến sự thể hiện của cả hai bên, cũng như muốn nhảy tango thì phải có hai người.
Nếu không muốn nhìn nhận trách nhiệm của bản thân trong những vụ mâu thuẫn hay xung đột bạn sẽ khó lòng đạt được kết quả tích cực.
- Không đầu tư làm sao có lợi nhuận? Bạn phải tự mình tạo ra thời gian. Và hãy nhớ rằng, đầu tư không nhất thiết phải là trò chuyện. Đôi khi điều hữu ích nhất đơn giản chỉ là làm việc và trải nghiệm cùng nhau.
- Hãy chấp nhận rằng sẽ có lúc mọi người làm bạn thất vọng. Sẽ có lúc mọi người cư xử hoàn toàn khác với bạn.
Và khi điều đó xảy ra, hãy tránh biến nó thành một cuộc khủng hoảng khiến ta căng thẳng và lo âu quá mức.
Thay vào đó, hãy thấy rằng mình chỉ cần thực hiện nguyên lý SUMO: im đi và bước tiếp.
- Với những người khác nhau, đôi khi ta cần phải có những cách tiếp cận hoặc chiến lược khác nhau.
Có những lúc chúng ta thực sự cần tránh nhắc lại những chuyện đã qua. Có những vấn đề bạn nên để tự lành da khép vẩy còn hơn là cứ thường xuyên khơi gợi, bới móc.
- Hãy nhớ điều này: Bạn tập trung vào điều gì thì điều đó lại càng phóng đại lên. Nếu không tìm kiếm mặt tích cực của mọi người, bạn sẽ không nhận thấy chúng.
Hãy suy nghĩ kỹ về những người mà bạn không thích. Bạn sẽ nhận thấy những mặt tích cực của họ mà trước đây bạn đã bỏ qua.
- Hãy sẵn sàng thừa nhận mình sai. Điều này có tác dụng khuyến khích mọi người đóng góp ý kiến mà không cảm thấy như đang phản bác quan điểm của bạn.
Khi mọi người cảm thấy họ đang làm việc hoặc đang sống cùng một người luôn sẵn sàng lắng nghe quan điểm của họ, ngay cả khi điều đó có thể trái với quan điểm của người kia, họ sẽ cảm thấy được khích lệ vô cùng.
- Đừng nghĩ ai cũng muốn được đối xử như bạn. Nếu bạn không biết đối phương muốn được đối xử như thế nào, hãy hỏi họ. Sẽ tốt hơn nhiều khi bạn hỏi, thay vì cứ thế đưa ra giả định của bản thân.
Những gì phù hợp với bạn có thể không phù hợp với người khác, vì vậy hãy ứng xử với mọi người theo cách mà họ muốn.
- Bạn trả lời 4 câu hỏi sau đây như thế nào sẽ quyết định bạn có thể xây dựng những chiến lược tốt đẹp và hiệu quả hơn để hoàn thiện cách ứng xử với mọi người hay không?
* Những gì đang diễn ra trong thế giới của họ vào lúc này? Nếu có câu trả lời quá sơ sài thì bạn nên dành thời gian nhiều hơn để hỏi về họ, chứ không phải chỉ toàn nói về bản thân.
* Điều gì quan trọng với họ vào lúc này? Bạn có thể phỏng đoán hoặc trực tiếp đặt câu hỏi: Điều gì có thể khiến cho mối quan hệ giữa chúng ta tốt đẹp hoặc dễ dàng hơn?
* Mình đang nghe để thấu hiểu hay nghe để bào chữa? Hoàn toàn không dễ dàng, nhưng hãy thử giảm bớt những phản ứng tự vệ của mình, dù chỉ là đôi chút. Khi bạn cố gắng để hiểu được quan hệ của họ, khả năng họ lắng nghe quan điểm của bạn cũng cao hơn.
* Mình đã truyền đạt rõ ràng quan điểm hay chưa? Thay vì chỉ đơn thuần nói với mọi người họ cần phải làm gì, ta cần giải thích tại sao phải làm như vậy,
- Làm thế nào để phê bình mà không chỉ trích? Trọng tâm vấn đề là khắc phục sự cố chứ không phải đổ lỗi và phá hủy sự tự tin của một người nào đó. Hãy đặt câu hỏi: Chuyện đó xảy ra như thế nào? Tại sao lại xảy ra? Cần phải làm gì để giải quyết sự cố?
- Lý do gì khiến mọi người hay cằn nhằn? Cần dành thời gian xác định và thấu hiểu vì sao mọi người suy nghĩ và hành xử như vậy? Một số người luôn cảm thấy khổ sở từ trong bản chất. Có người thiếu tự tin. Có người cảm nhận sự bất công. Họ chỉ cần bạn thừa nhận và đánh giá đúng vị trí xuất phát của họ. Bạn cần giúp họ xác định lý do dẫn đến hành vi tiêu cực và giúp họ vượt qua chúng.
- Làm thế nào để khiến người khác cảm thấy mình đặc biệt? Có 7 cách để đảm bảo mọi người cảm thấy mình có giá trị và quan trọng:
* Có thể làm gì để phục vụ nhu cầu của mọi người?
* Cá nhân hóa tương tác giữa bạn với họ. Đối xử với mọi người như những cá nhân riêng lẻ, với sở thích và sở ghét riêng của từng người. Đối xử theo cách mà họ muốn người khác đối xử với mình.
* Bày tỏ sự động viên, khích lệ của mình để khiến họ cảm thấy tự tin vào bản thân để thực hiện những bước đi kế tiếp.
* Nhã nhặn, lịch sự chính là tâm điểm của việc thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.
* Thể hiện sự quan tâm chân thành với mọi người. Nếu chỉ giả vờ quan tâm người ta sẽ dễ dàng nhận ra.
* Hãy đánh giá cao những người xung quanh và bày tỏ sự cảm kích cũng như lòng biết ơn.
* Người có ảnh hưởng là người biết khi nào nên ngừng nói và khi nào cần lắng nghe.
- Khi nào để vực dậy mọi người khi họ đang suy sụp.
* Giúp mọi người nhận ra cảm thấy không ổn là chuyện bình thường, nhưng chỉ là tạm thời.
* Xác định thất bại chỉ là một phần trong quá trình học hỏi cách bước tiếp.
* Đưa ra những câu hỏi để giúp họ nhận thấy các mặt tích cực và nên phát triển chúng như thế nào?
* Nhanh chóng giành lấy những chiến thắng nhỏ. Hãy tập trung vào sự tiến bộ chứ không phải sự hoàn hảo.
* Đôi khi thay đổi địa điểm hoặc môi trường xung quanh có thể giúp hình thành những quan điểm, góc nhìn mới mẻ.
- Nói thế nào để mọi người thực sự lắng nghe - Có 3 sai lầm phổ biến làm đẩy người ta ra xa thông điệp của mình:
* Nhấn chìm người nghe vào các chi tiết khiến họ thờ ơ và bỏ qua câu chuyện đang kể.
* Không làm cho người nghe quan tâm đến thông điệp của mình. Nhiều người xuất phát từ quan điểm những gì tôi muốn nói chứ không phải những gì thính giả cần nghe.
* Tập trung vào nội dung và quên đi cảm xúc, không làm lay động được cảm xúc của mọi người.
Có 5 giải pháp:
· Công nhận thực tế về mối quan tâm và nhu cầu của mọi người, xem họ đang gặp khó khăn gì, họ quan tâm đến chuyện gì.
· Ghi nhớ quy tắc 90/90- Có 90% ấn tượng gây ra nằm ở 90 giây đầu tiên, sao cho thật đáng giá.
· Xác định rõ mục đích bài thuyết trình hay buổi nói chuyện. Đưa mọi người đến một hành trình rõ ràng chứ không phải một chuyến du lịch đầy bí ẩn.
· Tác động vào cảm xúc của mọi người , chỉ ra chỗ đau trước khi kê toa thuốc.
· Hãy đầu tư vào quá trình đào tạo và huấn luyện. Hãy cùng làm việc với một huấn luyện viên hay là tham gia vào một khóa đào tạo