Giáo sư Nguyễn Lân Dũng bàn về phẩm cách của lời nói

09/11/2020 08:58
GS Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ một lời nói bất cẩn buông ra, phẩm cách đã lộ diện. Mùi hương của riêng ta, tính tình của riêng ta, tất cả đều thể hiện trong lời nói.

LTS: Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 111 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Trong bài này, Giáo sư giới thiệu cuốn sách "Phẩm cách của lời nói" của tác giả Ki Ju Lee được Nhà xuất bản Phụ nữ và Mintbooks phát hành, qua bản dịch của Sun Tzô.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Ki Ju Lee là người chuyên viết diễn văn cho tổng thống Hàn Quốc, là học giả và diễn giả nổi tiếng. Tác giả đã bán ra 7 triệu bản in cho các tác phẩm nổi tiếng: Nhiệt độ ngôn ngữ, Những điều từng là quý giá, Phẩm cách của lời nói.

Viết về cuốn “Phẩm cách của lời nói”, tác giả viết: Có lẽ mỗi cuốn sách là một khu rừng được tạo nên bởi hàng trăm ngàn con chữ.

Tôi mong bạn đừng chạy một mạch băng qua khu từng mang tên "Phẩm cách của lời nói" này. Bạn hãy từ từ dạo bước như đang tản bộ trong công viên yên tĩnh vào sớm mai. Hi vọng mỗi khi lật mở một trang trong cuốn “Phẩm cách của lời nói” này, bạn đọc sẽ không ngừng tự đặt câu hỏi về lời nói cũng như thế giới quan của bản thân.

Sau khi gấp cuốn sách lại, tôi mong thỉnh thoảng bạn đừng dùng đôi môi mà hãy dùng đôi tai để chiếm được trái tim người đối diện.

Và tôi cũng mong rằng sự chân thành sâu thẳm trong trái tim bạn có thể xoa dịu những đớn đau trong lòng người ấy.

Sách do Nhà xuất bản Phụ nữ và Mintbooks phát hành, qua bản dịch của Sun Tzô.

- Chỉ một lời nói bất cẩn buông ra, phẩm cách đã lộ diện. Mùi hương của riêng ta, tính tình của riêng ta, tất cả đều thể hiện trong lời nói.

- Mỗi con người giống như một ốc đảo lạc lõng. Điều duy nhất có thể kết nối những ốc đảo ấy lại chính là bến tàu mang tên lời nói. Nhờ lời nói mà chúng ta không còn cô đơn.

- Khôn ngoan của đời người đến từ lắng nghe. Ân hận của đời người đến từ lời nói.

- Sức mạnh có thể nhấn chìm người khác nhưng không thể giúp ta bước vào trái tim họ. Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến Hạng Vũ không đạt được nghiệp lớn.

- Lưu Bị lấy lòng nhân đức làm lá cờ hiệu chiêu mộ nhân tài trong thiên hạ và lắng nghe ý kiến của họ. Trong quá trình thu phục Gia Cát Lượng, ông đã ba lần tìm đến, cúi đầu mong được Gia Cát Lượng phò tá. Vũ khí thực sự của Lưu Bị không phải gươm đao mà chính là nhân đức.

- Một tờ báo đưa tin: Điểm mấu chốt trong khả năng lãnh đạo của Obama chính là thái độ tôn trọng quyền ngôn luận của đối phương, ngay cả khi không đồng tình với ý kiến đó.

- Biết lắng nghe, ta mới có thể nắm được trong tay chiếc chìa khóa mở cửa tâm hồn đối phương. Thái độ ấy hữu ích không chỉ trong quá trình giao tiếp mà còn trên sân khấu rộng lớn của cuộc đời.

- Người xưa có câu Dĩ thính đắc tâm, tức là biết lắng nghe sẽ có được lòng người.

- Điều đối phương mong muốn không phải đôi môi mà là đôi tai của bạn.

- Khi ta thấy thương hại một ai đó, ta dễ dàng cho rằng bản thân đang sống tốt hơn họ. Những lúc như thế, sự thông cảm của ta không những không thể xoa dịu nỗi đau của người, mà như xát thêm muối vào vết thương nhức nhối ấy.

- Chúng ta phải liên tục ngẫm nghĩ về bản chất của nội tâm, kiểm tra xem mình đang ở đâu giữa đồng cảm và vô cảm, đã suy nghĩ thấu đáo hay còn quá vô tâm.

- Chúng ta luôn muốn tâm sự những khúc mắc trong lòng với người khác, không phải nhằm mục đích giải quyết vấn đề mà chỉ để tâm hồn mình có được những giây phút thanh thản.

- Một trong những thượng sách mà Tôn Vũ nhấn mạnh trong Binh pháp Tôn Tử chính là đàm phán. Không phải tìm kiếm điểm yếu của nhau để lao vào tấn công lẫn nhau mà hợp lực để tìm ra phương pháp vận dụng điểm mạnh và lợi ích của nhau, không cần chiến tranh mà đôi bên cùng có lợi.

- Khi đối diện với xung đột và bất hòa, ta chấp nhận và tôn trọng sự thật rằng hai bên cũng có khi không thể thấu hiểu nhau, như vậy khả năng hiểu lầm nhau cũng có thể giảm bớt.

Và vào khoảnh khắc ấy, biết đâu từ nơi nào đó trong trái tim, sự thấu hiểu rất nhân văn dành cho nhau lại đang lặng lẽ nảy mầm.

- Dù thông tin truyền đạt cho đối phương không có gì đặc biệt đi chăng nữa, nhưng nếu thái độ và phương pháp của người truyền tin phù hợp thì thông tin đó vẫn có giá trị.

- Khoảnh khắc ngồi đối diện nhau, gắp cho nhau một món ngon, bao nhiêu những mệt mỏi vất vả của cuộc sống sẽ tan như bông tuyết dưới trời xuân. Biết đâu bữa ăn không phải là thời gian lấp đầy dạ dày, mà là lấp đầy trái tim.

- Khi bớt nói những lời tổn thương người khác, ta cũng bớt cho mình không ít muộn phiền. Điều quan trọng không phải là giỏi ăn nói, mà chính là biết lúc nào nên im lặng để sự thanh thản có cơ hội để sẻ chia. Cảm xúc sâu sắc nhất của con người thường nằm trong sự im lặng.

- Một số nhà ngôn ngữ học cho rằng khả năng tập trung của người trưởng thành nhiều nhất chỉ đạt 18 phút. Tức là nếu phải lắng nghe một chiều nhiều hơn 18 phút, dù câu chuyện có hay đến đâu cũng không ai có thể kiên nhẫn lắng nghe thêm nữa. Nhà văn Mark Twain nói: Bài giảng đạo mà kéo dài 20 phút thì kẻ tội đồ cũng từ bỏ quyền được cứu rỗi.

- Trong cuộc sống, nhiều khi sự thành tâm và những điều sâu kín trong lòng lại được thể hiện chỉ bằng vài lời ngắn ngủi.

- Lời nói chan chứa ước mơ thì cơ hội sẽ thường xuyên tìm đến. Lời nói ngập tràn yêu thương sẽ khiến người bước đến bên ta.

- Có một khái niệm gọi là chỉ số NQ (Network Quotient) - khả năng tạo dựng mối quan hệ. Khái niệm này không hề có mối liên quan đặc biệt nào đến chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient). Những người có năng lực trí tuệ tuyệt vời nhưng chẳng mấy khi nói lời tích cực thì chỉ số NQ rất thấp. Ngược lại, những người hay nói lời tích cực và thân thiện lại đạt được chỉ số NQ cao.

- Đôi lúc ta cũng cần đặt tay lên ngực tự suy ngẫm về bản thân để nhìn lại những dấu vết của lời nói, xem liệu ta có đang sống mà không phân biệt được thẳng thắn và thiếu lễ độ, liệu ta có đang không biết sử dụng thứ nhạc cụ mang tên ngôn ngữ để nó cất lên những giai điệu đẹp hay không?

- Vết thương gây ra bởi dao sắc thì dễ lành, vết thương gây ra bởi lời nói thì đau đớn cả đời.

- Watanabe Junichi viết: Chúng ta phải biết phớt lờ những thứ không đáng có. Ta phải nhận thức được bản thân có đang phản ứng quá nhậy cảm đối với một sự vật nào đó hay không, để có thái độ thản nhiên phù hợp và bình tĩnh ứng phó trước sự việc.

- Cách nói của những người không bao giờ công kích người khác trước, luôn bình thản, nhẹ nhàng thật giống với dòng nước. Dòng nước ấy êm dịu chảy trôi, cung cấp thêm độ ấm cho những cuộc đối thoại khô khan và dập bớt cảm xúc nóng nảy.

- Chân lý và lẽ phải, đâu cần tìm kiếm nơi nào xa xôi. Nếu biết kiên nhẫn quan sát vạn vật xung quanh thì đến một lúc nào đó ta sẽ tìm ra chân lý.

- Vội vã xoay chiều quan điểm của mình sang một hướng khác không dễ dàng. Có thể ta mới nhìn thấu được sự việc không phải bằng mắt thường (nhục nhãn) mà bằng con mắt trong tim (tâm nhãn).

- Rất khó để đoán định những lời nói xấu sau lưng sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta như thế nào. Lời nói xấu lao khỏi miệng với tốc độ đáng sợ của một mũi tên bay, đến một lúc nào đó sẽ đổi hướng, lao thẳng về trái tim của người phát ngôn. Lúc đó dẫu có hối hận cũng đã muộn.

- Một lời nói vô tình buông ra cũng bộc lộ tính cách con người. Lời nói chính là tính cách. Tính cách chính là lời nói và lắng nghe. Hãy biết ngậm chặt miệng khi trong đầu nảy sinh ngôn từ tục tĩu. Ta phải biết cân nhắc thật cẩn thận để quyết định xem lời nào nên nói, lời nào nên quên.

- Đôi khi cần cương quyết để rũ bỏ những điều không xứng đáng, đôi khi cần mềm mỏng để bảo vệ những gì trân quý.

- Khổng Tử từng nói: Nếu đã hành động thì lời nói sau đó cũng phải thống nhất. Ông muốn nhấn mạnh việc không được bất đồng giữa lời nói và hành động.

- Những điều thuộc về bản chất và không phải bản chất có thể có lúc lẫn lộn với nhau, nhưng đến một lúc nào đó, chúng sẽ tách rời nhau. Bản chất và lời nói cũng vậy. Dù có cố điểm tô, che đậy bằng ngôn từ bóng bẩy ra sao thì đến một lúc nào đó, bản chất vốn có cũng sẽ lộ ra. Sự thật sẽ trường tồn với thời gian, dù trải qua bao nhiêu nắng mưa gió bão. Ta sẽ chẳng thể nào đặt hết sự chân thành vào lời nói nếu chỉ biết dựa vào kỹ thuật giao tiếp.

- Nếu quan sát kỹ người có khả năng dẫn dắt câu chuyện trong một đám đông, ta có thể thấy người đó biết cách sử dụng các phép tu từ đúng chỗ một cách rất thành thạo, tựa như người nghệ sĩ đang vẽ nên bức tranh của riêng mình.

- Không điều gì khiến ta ấm ức hơn là không biết phải diễn đạt ra sao mới có thể bày tỏ tấm chân tình, thổ lộ những cảm xúc và suy nghĩ sâu thẳm trong tâm hồn với người mình trân quý. Tất nhiên, điều kiện là cảm xúc đó phải chân thành.

- Ta có thể nói chuyện một mình nhưng giao tiếp thì không thể làm một mình. Giao tiếp là việc ta buộc phải làm cùng ai đó để đạt được sự thông tỏ lẫn nhau khi người nói và người nghe trao đổi với nhau mọi điều.

- Dòng sông cuộc đời là nơi ta không thể chỉ một lần mà băng qua. Việc gây dựng mối quan hệ cũng vậy. Ta phải xếp rất nhiều viên đá to nhỏ, rồi chầm chậm, thận trọng đặt từng bước chân mới có thể băng qua. Chẳng có gì mà ta phải nôn nóng khi chưa có nơi để đặt chân trên con đường đến với cuộc đời và con người. Dù sao thì cuộc đời và mọi mối quan hệ đều không thể được tạo ra mà cần gây dựng.

- Người ta vẫn nói hay cười thì vận may sẽ tới. Vì thế ta thường lạm dụng những câu đùa vô bổ trong cuộc đối thoại hàng ngày. Thế nhưng nói đùa nhiều quá cũng không tốt đẹp gì. Có biết bao người chẳng đếm xỉa gì đến tâm trạng của đối phương mà buông những lời đùa cợt nhảm nhí. Đôi khi ta cần những khoảnh khắc tỉ mỉ ngẫm nghĩ lại xem tiếng nói phát ra từ đôi môi mình là âm thanh hay chỉ là thứ tạp âm chói tai.

- Can đảm và chân thành nhận lỗi là cách duy nhất có thể lay động trái tim đối phương. Đó cũng là công cụ giao tiếp mạnh mẽ nhất, giúp giải quyết xung đột và nghi ngờ giữa những người trong cuộc. Lời xin lỗi mang sự điềm tĩnh, mềm dẻo vào những cuộc xung đột. Lời xin lỗi cũng là cơ chế phục hồi cho những mối quan hệ đã rạn nứt.

- Chúng ta luôn tự đánh giá giá trị và năng lực của bản thân đạt mức trên trung bình. Bởi vậy, nếu phải nhận những lời chỉ trích, lăng mạ từ những người trong cùng một tổ chức, người ta thường cảm thấy tổn thương lòng tự trọng gấp nhiều lần.

- Khoảnh khắc ta chỉ tay vào ai đó thì có duy nhất ngón trỏ hướng về đối phương mà thôi. Trừ ngón cái ra, ba ngón còn lại đều hướng về mình. Khi nào gánh được sức nặng của cả ba ngón tay ấy thì hẵng chỉ tay vào người khác. Trước khi làm điều đó, hãy tự vấn đủ ba lần xem mình đã đàng hoàng, đã tốt đẹp hơn người khác hay chưa.

- Tư Mã Thiên có một câu trong Sử kí là: Biết nghiền ngẫm về những điều nghe thấy thì có thể nói rằng đôi tai đã thông tỏ, biết nhìn ngắm bằng tâm hồn thì có thể nói rằng đôi mắt đã tường minh. Đây cũng chính là nguồn gốc ra đời của từ thông minh.

- Quá khứ chính là bài học cho tương lai. Quan trọng hơn cả, biết suy ngẫm về quá khứ chính là một trong những điều kiện tiên quyết của xã hội văn minh. Quá khứ, hiện tại và tương lai cùng hít thở một bầu không khí.

Sống trong hiện tại, đôi lúc ta phải tự soi mình vào tấm gương quá khứ và suy xét xem mình có đang bị trói buộc bởi sợi dây mang tên quá khứ đến nỗi không thể tiến bước về tương lai hay không.

Quá khứ có thể trở thành bức tường ngăn cách, cũng có thể trở thành con đường dẫn đến tương lai.

- Tìm kiếm điểm chung với đối phương trong khi đối thoại không phải kỹ thuật gì quá cao siêu. Có lẽ điều quan trọng nhất không phải kỹ thuật, mà là thái độ.

- Trong sách Sử kí, Tư Mã Thiên đã chia các mối kết giao thành bốn loại hình. Thứ nhất là Úy hữu - mối quan hệ tôn trọng tình nghĩa, biết chỉ ra cái sai của nhau; thứ hai là Mật hữu - mối quan hệ thân thiết, sẽ chia vui buồn và giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn; thứ ba là Nặc hữu - mối quan hệ phù hợp về mặt tính cách, cùng nhau tận hưởng những chuyện vui vẻ; thứ tư là Tặc hữu - mối quan hệ chỉ lo kiếm tìm lợi ích cho bản thân, khi có chuyện không hay sẽ tìm cách đổ trách nhiệm lên người còn lại.

- Khổng Tử đã sớm nhấn mạnh: Quân tử kết giao rộng rãi với mọi người chứ không kéo bè kết cánh. Trong một lần trò chuyện với một người vô thần, Giáo hoàng nói: Sự từ bi của Chúa Trời là vô hạn. Người không tin vào Chúa Trời chỉ cần đi theo lương tâm của bản thân là đủ.

GS Nguyễn Lân Dũng