LTS: Liên quan tới vấn đề vị trí môn Lịch sử trong chương trình phổ thông mới, GS. NGND Phan Huy Lê – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Hội đã kiến nghị trực tiếp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức một cuộc tranh luận công khai với Bộ GD&ĐT để xã hội biết và góp ý. Đồng thời cũng giúp Bộ GD&ĐT có một cơ sở khách quan để xử lí những vấn đề đặt ra.
Chính vì vậy, buổi tọa đàm về vị trí môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chiều ngày 7/12 đã diễn ra, nhưng chỉ có Đài truyền hình Việt Nam được tham dự (theo đề nghị của Bộ GD&ĐT).
Xung quanh vấn đề vị trí môn Lịch sử, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với GS. NGND Phan Huy Lê, trân trọng giới thiệu với quý độc giả.
Đề cao môn Lịch sử theo cách nào?
Phóng viên: Được biết, ngày 7/12 vừa qua Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tiếp tục có cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT, dưới sự chứng kiến của Ban Tuyên giáo Trung ương. Giáo sư có thể cho biết một số kết quả đạt được tại buổi làm việc này liên quan tới môn Lịch sử?
GS. NGND Phan Huy Lê: Chúng tôi bao giờ cũng rất thiện chí. Bộ GD&ĐT cũng thực sự muốn tìm thấy tiếng nói chung. Qua thảo luận đã thống nhất được một số vấn đề nền tảng.
Thứ nhất, vị trí của môn Sử trong giáo dục phổ thông, bên nào cũng đề cao vị trí môn Sử, nhưng vấn đề là đề cao như thế nào? Đề cao nhưng mà tích hợp rồi cuối cùng không còn thấy môn Sử ở đâu cả thì như vậy không được.
Hay đề cao nhưng xé nhỏ nó ra, chỗ này một tí, chỗ kia một tí thì cũng ko còn môn Sử nữa. Cuối cùng thống nhất là phải có môn Sử, cái đó tôi nghĩ không cần thảo luận cũng phải chấp hành vì kỳ họp cuối cùng của Quốc hội đã đưa vào Nghị quyết, trong đó có câu là "tiếp tục giữ môn Lịch sử trong chương trình và sách giáo khoa mới", nghĩa là trước đây như thế nào thì nay phải như thế.
Môn Sử trong giáo dục Việt Nam luôn là môn cơ bản và bắt buộc ngay từ sau Cách mạng tháng 8 thành công, qua mấy lần cải cách. Nghị quyết Quốc hội đã nêu rõ, vấn đề là nhận thức và giải quyết như thế nào?
Riêng tôi và nhiều chuyên gia có kiến nghị môn Sử là môn bắt buộc và độc lập trong cả nên giáo dục phổ thông. Không phải chúng tôi muốn tách môn Sử ra khỏi các môn khác, nhưng muốn đối xử với nó một cách thật xứng đáng với vị trí và yêu cầu của nó trong nền giáo dục phổ thông.
Chủ tịch nước: Lịch sử là cội nguồn của sức sống, là sự trường tồn của dân tộc(GDVN) - Sứ mạng của khoa học lịch sử vì vậy là hết sức nặng nề, nhưng cũng hết sức vẻ vang. Với ý nghĩa đó Chủ tịch nước luôn đánh giá cao vai trò của lịch sử. |
Người ta cũng có đưa ra kinh nghiệm của nhiều nước, có nước thì để nguyên, có nước tích hợp, có nước thì bỏ, hoặc bắt buộc ở cả cấp THCS, cấp THPT. Tôi có nói rằng học tập kinh nghiệm các nước là rất quan trọng, nhưng không nên bê nguyên mô hình của nước nào vào giáo dục Việt Nam.
Tôi rất buồn là tình hình giáo dục của ta cho đến bây giờ chưa xây dựng được nền giáo dục độc lập.
Trước đây thời Quân chủ ta theo mô hình Trung Quốc (Nho giáo), tất nhiên ông cha ta cũng rất sáng tạo, thời Pháp thuộc là theo mô hình của Pháp do chủ nghĩa thực dân áp đặt, sau cách mạng tháng 8, chủ yếu sau hiệp định Giơnever chúng ta mới xây dựng và phát triển mạnh giáo dục Việt Nam kể cả trung học và đại học bị ảnh hưởng của mô hình Xô Viết.
Bây giờ tôi muốn nền giáo dục Việt Nam phải thực sự là nền giáo dục độc lập của Việt Nam. Tất nhiên là ta tiếp thu tinh hoa không phải của một nước mà của tất cả các nước trên thế giới, học tập thế giới là cần nhưng tôi phản đối bê nguyên mô hình của một nước vào dù nước đó ngay cạnh chúng ta.
Tiếp thu là tiếp thu cái hay, cái đẹp của mỗi nên giáo dục, rồi vận dụng tổng hợp để tạo nên cái riêng của giáo dục Việt Nam.
Một khía cạnh để thảo luận, vậy thì môn Lịch sử đặt ở vị trí như thế nào? Tôi và các chuyên gia đều thống nhất là môn Lịch sử trong đó có Lịch sử Việt Nam (Quốc sử) vô cùng quan trọng. Nó phải đặt ngang vị trí với môn tiếng Việt (Quốc ngữ) và Văn học Việt Nam (Quốc văn).
GS. NGND Phan Huy Lê trao đổi với phóng viên. Ảnh Xuân Trung |
Quốc sử, Quốc ngữ, Quốc văn đứng về khoa học xã hội là 3 môn, thực tế là 2 môn Lịch sử và Ngữ văn phải là những môn cơ bản, bắt buộc suốt trong nền giáo dục phổ thông. Dĩ nhiên ở khoa học tự nhiên là Toán học.
Như vậy ba môn Quốc sử, Quốc ngữ, Quốc văn cùng với Toán học là những môn bắt buộc. Ta đều biết rằng Lịch sử là môn cơ bản nền tảng của toàn bộ môn khoa học xã hội nhân văn. Ở nước nào cũng vậy, Sử học cũng là môn nền tảng, tri thức loài người xuất phát đầu tiên chính là từ Sử học, sau đó mới phát triển và phân hóa thành.
Và sử học trong đó có quan điểm sử học, phép biện chứng của sử học được vận dụng vào tất cả các ngành của xã hội cũng như của tự nhiên. Quan điểm sử học đó nó chi phối toàn bộ các nền khoa học, không riêng gì khoa học xã hội mà còn thâm nhập vào mọi ngành khoa học khác, kể cả khoa học tự nhiên.
Môn nào cũng phải đi vào lịch sử mới hiểu được mình, Toán học cũng có lịch sử của toán học và Địa lý có lịch sử của Địa lý. Như vậy, môn Sử học không những là cơ bản, nền tảng của Khoa học xã hội và nhân văn, mà là môn thâm nhập vào mọi ngành khoa học khác, kể cả khoa học tự nhiên và xã hội.
Tương tự như vậy, Toán học không chỉ là môn nền tảng của khoa học tự nhiên, công nghệ, mà tư duy toán học còn thâm nhập vào mọi ngành khoa học. Hai môn này có vị trí ngang nhau. Dĩ nhiên Quốc ngữ, Quốc văn không phải thảo luận nhiều vì nó là tiếng mẹ đẻ...
Đặc điểm nổi bật của Lịch sử Việt Nam là trong quá trình xây dựng đất nước luôn luôn bị cắt ra bởi những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.
Và nguy cơ đe dọa nền độc lập dân tộc gần như là mối đe dọa thường xuyên, nên ông cha ta từ thời xa xưa luôn luôn coi trọng giáo dục thế hệ trẻ về tư tưởng, tình cảm với đất nước. Hiện nay cũng vậy, phải luôn luôn bảo vệ chủ quyền đất nước, chưa kể bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam. Trong bối cảnh đó, vị trí của môn Sử phải được quan tâm nhiều hơn.
Mấu chốt của cuộc tranh luận, một số người, không chỉ là những người trong Ban soạn thảo mà một số nhà khoa học thì cho rằng giới sử học không muốn tích hợp, quay lưng với tích hợp, trong khi tích hợp đang là xu thế của giáo dục hiện nay.
Ông Dương Trung Quốc: "Bộ Giáo dục nên cẩn trọng, có thiện chí và dân chủ hơn"(GDVN) - "Bộ quyết tâm trên nền tảng nào, quyết tâm để làm một dự án là chuyện khác, nếu quyết tâm làm thay đổi giáo dục lịch sử thì chúng tôi hết sức ủng hộ". |
Tôi rất bất bình vì cách nói này, vì nói như vậy hoặc là không hiểu gì, hoặc là cố tình gán cho giới sử học tình trạng hiểu biết quá non kém. Tôi phải khẳng định, có hai vấn đề đặt ra ở đây; bản thân môn học và quan hệ của các môn học với nhau. Bản thân môn Lịch sử thì nó là một môn học đi đầu trong quá trình tích hợp khoa học.
Tích hợp không phải bây giờ mới đặt ra mà đặt ra từ nửa sau thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới thứ 2, tức là trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ thì vấn đề tích hợp đã được đặt ra rồi. Trong đó sử học ở Việt Nam là một trong những ngành đi đầu.
Những năm 80, GS. Hoàng Phương đã viết cuốn sách "Tích hợp Đông Tây", Sử học cũng từ những năm 80 cũng đã được đẩy mạnh tích hợp, giảng dạy tích hợp. Sử học trước đây (cổ điển) khi nghiên cứu lịch sử chỉ dựa trên những nguồn tư liệu chính là chữ viết, đặc biệt là chữ viết chính thống.
Còn sử học hiện đại thì coi sử liệu không phải chỉ có chữ viết, mà tất cả những gì chứa đựng thông tin về quá khứ đều là tư liệu: nghiên cứu về khảo cổ, khoa học tự nhiên, địa lý, môi trường sinh thái, vận dụng của thành tựu của toán, lý, hóa trong thẩm định niên đại của Sử, không phải chỉ là lịch sử của các triều đại mà trước hết là lịch sử của con người, của cộng đồng cư dân...nên Sử học là kiến thức tổng hợp, từ đó nó đi vào tích hợp sớm.
Trong khoa học xã hội nhân văn Sử học là môn đi đầu trong tích hợp, từ đó nếu để nói rằng sử học chỉ biết riêng về lịch sử mà không biết ngành khác, nói như vậy là không hiểu gì hết về Sử học hiện đại Việt Nam.
Vấn đề bây giờ là có phương pháp dạy Lịch sử hay để học sinh yêu sử hơn. Ảnh minh họa Xuân Trung |
Nhưng tích hợp Sử với môn khác, đó là xu thế của giáo dục hiện đại, Hội không những không phản đối mà còn ủng hộ vì sử học có mối quan hệ với các ngành khác, nhưng phải hiểu tích hợp là gì? Đó không phải là gán ghép một cách cơ học một bộ phận của môn này với bộ phận của môn khác.
Đó không phải là tích hợp mà là sự cắt xén và gán ghép hữu cơ chứ ko phải là tích hợp. Sử học bản thân nó đã tích hợp, trong đào tạo học sinh, tích hợp rất cần thiết nhưng cần phải tích hợp như thế nào cho hợp lý.
Cụ thể, giữa hai bên (Bộ GD&ĐT và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) đã cơ bản thống nhất được những vấn đề gì và có thể triển khai như thế nào trong thời gian tới, thưa giáo sư?
GS. NGND Phan Huy Lê: Sau khi trao đổi những vấn đề chung 2 bên đi vào cụ thể. Tôi mừng vì thiện chí 2 bên rõ ràng. Cuộc tọa đàm thống nhất hoàn toàn ở cấp tiểu học, cấp này rõ ràng phải tích hợp vì ở đây chưa có phân hóa.
Cấp này rõ ràng tích hợp, môn mà Bộ đưa ra có thể chấp nhận được như môn Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu xã hội, Tìm hiểu tự nhiên.
Nhưng không đơn giản đưa ra tên gọi mà vấn đề cần nghiên cứu sâu hơn nữa là trong môn tích hợp đó phải chọn kiến thức gì để đưa vào, đó là cả quá trình, không thể tùy tiện nhặt chỗ này một tý, phải chọn lọc, liên kết với nhau để phù hợp và tạo hiệu quả giáo dục cao đối với giới trẻ. Như vậy tiểu học là đã thống nhất hoàn toàn.
Còn ở THCS, như Dự thảo của Bộ có môn Khoa học xã hội, từ đầu tôi đã phản đối môn này, vì không đúng ngay từ tên gọi, vì tên vậy nhưng thực chất chỉ có môn Sử-Địa, chỉ 2 môn này thì không thể là Khoa học xã hội được. Tên gọi không phản ánh đúng nội dung.
Sau khi thảo luận, cả hai bên thống nhất bỏ môn Khoa học xã hội, trả về 2 môn độc lập là Sử-Địa riêng biệt, ý kiến này cũng thống nhất hoàn toàn.
Tôi yêu cầu riêng Sử, từ THCS phải là môn độc lập và bắt buộc, ý kiến này cũng gần như thống nhất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) vẫn còn băn khoăn khi tách ra độc lập, nhưng giữa Sử và Địa có những cái tương đồng có thể tích hợp, vậy khi tách ra 2 môn thì tích hợp thế nào, bởi có những nội dung tích hợp tốt hơn tách riêng.
Ví dụ, nói về chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa thì nên tích hợp Sử-Địa lại cho hiệu quả tốt hơn. Bởi trên nền tảng Địa lý, chúng ta sẽ lồng vào đó lịch sử về chủ quyền biển Đông của Việt Nam.
Điều này bộ GD&ĐT băn khoăn vì nếu tách ra thì sách giáo khoa viết thế nào: Có một sách về Sử, một sách về Địa, một sách tích hợp về Sử-Địa hay sao? Cái đó thuộc về kỹ thuật, bộ GD&ĐT phải nghiên cứu.
Chỉ cần thống nhất nguyên tắc: Từ THCS phải tách riêng môn Sử, Địa, môn Lịch sử từ đây phải coi là môn độc lập, bắt buộc. Ở đây thì vẫn còn băn khoăn của Bộ GD&ĐT. Nhưng về cơ bản, tôi cho thành công lớn nhất là đã bỏ được môn tích hợp chung chung là Khoa học xã hội, trả về vị trí độc lập cho môn sử.
Lên cấp THPT thì vấn đề phức tạp hơn, vì liên quan đến môn Công dân và Tổ quốc. Tôi rất mừng vì chính người thiết kế môn học này là PGS. TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã chủ động đề xuất bỏ môn này; phần về an ninh quốc phòng, giáo dục công dân có thể tích hợp, nhưng Lịch sử thì tách ra.
Như vậy hai bên đã thống nhất mộy điểm rất căn bản, đó là bỏ môn Công dân và Tổ quốc. Như vậy có nghĩa là trả môn Lịch sử về vị trí độc lập của nó. Nhưng ông Hiển cũng băn khoăn với môn sử sẽ như thế nào khi tiến hành phân luồng ở THPT?
Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc!(GDVN) - Lịch sử là hồn thiêng của giống nòi và là trí khôn của dân tộc. Lịch sử là sự thật, không đúng sự thật không thể gọi là lịch sử. |
Điều này, tôi không đặt ra mà chỉ đưa ra yêu cầu, lên THPT, dù phân luồng tới đâu thì vẫn phải có nền tảng kiến thức bắt buộc, phân luồng chỉ là lớp trên, còn nền dưới phải là bắt buộc trong đó có Sử.
Không thể bỏ môn Lịch sử được, phải là độc lập, bắt buộc. Như vậy, Lịch sử là môn độc lập, bắt buộc xuyên suốt từ THCS đến THPT. Còn xử lý môn Sử thế nào thì các chuyên gia sẽ bàn tính. Ông Hiển băn khoăn, đề nghị tách ra môn Sử 1, môn Sử 2. Tóm lại, theo rôi, buổi tọa đàm này đã có sự trao đổi trực tiếp, giải quyết được nhiều vấn đề.
Vì lợi ích dân tộc
Trong bối cảnh hiện nay, việc giữ Lịch sử không những là nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm của từng công dân, thưa giáo sư?
GS. NGND Phan Huy Lê: Tôi vẫn khẳng định, đây là vấn đề không của riêng ai, mà là vấn đề của cả đất nước, xã hội, giáo dục là quốc sách hàng đầu nhưng tại sao trong quá trình xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT cứ tự làm một mình rồi đưa ra công luận, khi xã hội phản ứng thì mới ngồi lại.
Tại sao cùng ở Hà Nội thôi mà chúng ta không thể ngồi lại với nhau cùng bàn, cùng làm? Hãy cùng ngồi với nhau, miễn là vì lợi ích chung thì mọi việc đều có thể giải quyết được.
Đến nay, về môn sử, bước đầu đã đạt tới kết quả cơ bản để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, đó là giữ môn sử trong chương trình giáo dục phô thông mới xuyên suốt từ THCS đến THPT.
Tuy nhiên, đi vào cụ thể, tiếp tục triển khai ra sao thì chúng tôi tiếp tục đấu tranh để duy trì môn Sử, nhưng không phải là môn Sử như hiện nay vì nó rất vô nghĩa.
Thậm chí có ý kiến nói duy trì môn Sử hiện nay thì bỏ luôn cũng được, vì nó sa sút đến mức vô bổ, bắt học sinh học chỉ để đi thi lấy điểm, không có bất cứu ý nghĩa giáo dục lịch sử gì cả.
Đó là điều đáng lo. Vì vậy, khi đổi mới giáo dục phổ thông, phải cải cách toàn diện, có hệ thống việc dạy và học môn Sử, làm thế nào để biến môn Sử th
ành môn học sinh yêu thích, đầy hứng thú, như một môn Khoa học Lịch sử. Đến nay, chúng ta vẫn chưa coi môn Sử là một môn khoa học, vì vậy dạy sử một cách vẫn áp đặt, học sinh chán là phải.
Trân trọng cảm ơn giáo sư.