LTS: Chia sẻ với độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhân dịp Xuân Đinh Dậu, GS.Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam bày tỏ, cần phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan, để luôn luôn canh tân theo hướng tối ưu hoá để tồn tại và phát triển, đặc biệt trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn biến hết sức nhanh chóng.
Đào tạo phải gắn với nhu cầu thị trường
- Xin Giáo sư cho biết, trong năm 2016 Hiệp hội đã có những đóng góp nào nổi bật đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng?
GS.Trần Hồng Quân: Năm vừa qua, ngành giáo dục đã có những chuyển biến đáng kể, tích cực thay đổi bám sát với Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Trong năm qua, thực hiện sứ mệnh của mình, Hiệp hội các Trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đã tích cực đóng góp nhiều nội dung quan trọng nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới nền giáo dục nước nhà. Có thể kể tới một loạt những vấn đề lớn như:
Hiệp hội đã gửi tới Thủ tướng Chính phủ ý kiến đóng góp của Hiệp hội về vấn đề thống nhất quản lý nhà nước đối với giáo dục, đào tạo và mô hình cấu trúc hệ thống giáo dục quốc dân.
Hiệp hội cùng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp tổ chức hội thảo về "Tự chủ đại học - cơ hội và thách thức" với sự hỗ trợ của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Hơn 400 đại biểu của các trường, đại diện các Bộ, Ban, Ngành trung ương, cán bộ Thường trực Hiệp hội, phóng viên các báo đài trung ương và địa phương.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo đối với hội thảo. Nội dung và cách thức tổ chức hội thảo đã đưa lại ấn tượng tốt trong ngành và xã hội.
Hiệp hội đã tổ chức hội thảo "Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giáo dục" tại Hà Nội và thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Đây là một trong những vấn đề rất quan trọng, sẽ có những tác động mạnh mẽ tới sự phát triển kinh tế, xã hội của thế giới, của khu vực và của nước ta trong tương lai gần.
Theo yêu cầu của các trường phía Nam, với sự hỗ trợ tích cực của một số đơn vị và trường đại học, cùng nội dung này, Hiệp hội có kế hoạch tổ chức tiếp hội thảo ở thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu vào gần cuối tháng 2 năm 2017.
Là một hội xã hội nghề nghiệp tự túc về kinh phí hoạt động, thực hiện chức năng và nhiệm vụ vì tôn chỉ, mục đích cao cả của mình, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam luôn tích cực vận động các trường hội viên của mình phấn đấu đạt được hiệu cao trong việc thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiệp hội cũng đã tổ chức trao đổi với các phóng viên báo chí về quan điểm và những ý kiến đóng góp của Hiệp hội đối với Bộ GD&ĐT cho Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017 thu hút sự tham dự của nhiều phóng viên các báo, đài trung ương và địa phương.
Hiệp hội cũng đã kiến nghị với các cấp quản lý nhà nước về giáo dục: xem xét thực hiện bỏ thi ba chung, bỏ điểm sàn, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT giao trở về các Sở GD&ĐT, việc tuyển sinh để các trường đại học, cao đẳng thực hiện Điều 34 của Luật Giáo dục đại học, công khai phổ điểm, quy định số các môn thi hợp lý để tránh học lệch và tổ chức thi trắc nghiệm để đảm bảo chất lượng kỳ thi trung học phổ thông.
Ngoài ra, Hiệp hội cũng đã tổ chức hội thảo Hội nhập giáo dục đại học 15-16/3/2016; tổ chức buổi tọa đàm về vai trò của các trường Cao đẳng Sư phạm trong những năm tới.
Qua đó các cơ quan chức năng sẽ tham mưu tốt cho Lãnh đạo Bộ GD&ĐT trong việc quy hoạch mạng lưới và có các giải pháp phù hợp, khả thi để giúp các Trường sư phạm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục.
GS.Trần Hồng Quân tin tưởng công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục sẽ thu được nhiều kết quả tích cực. ảnh: Ngọc Quang. |
Bên cạnh đó, Hiệp hội cùng Ban Tuyên Giáo Trung ương phối hợp tổ chức hội thảo về Thực trạng và các giải pháp cấp thiết để củng cố và phát triển hệ thống trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình rất quan tâm và gửi tới hội thảo bài tham luận.
PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tới dự và nêu những ý kiến tâm huyết.
Hiệp hội cũng đã tiến hành ký kết chương trình phối hợp công tác giữa Hiệp hội với các cơ quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Thái Nguyên, Hiệp hội Các trường cao đẳng, trung cấp kinh tế kỹ thuật, Trường Đại học RMIT...
Những hoạt động này, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam đang làm thường xuyên và tiếp tục triển khai trong năm 2017.
- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu với báo giới đã tỏ rõ quyết tâm siết chặt kiểm định chất lượng giáo dục đại học trong năm 2017. Tuy nhiên với khối lượng công việc đồ sộ và số trường đại học khá nhiều như hiện nay, làm thế nào để thực hiện được mục tiêu này, thưa Giáo sư?
GS.Trần Hồng Quân: Tôi hoanh nghênh quyết tâm này của Bộ trưởng, bởi vì không có bất kỳ quy trình sản xuất nào mà lại không kiểm định chất lượng trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Đây là vấn đề mà lâu nay chưa làm được, bây giờ trước yêu cầu đổi mới, yêu cầu hội nhập sâu rộng với thế giới thì chúng ta buộc phải giải quyết cho được vấn đề này.
Vả lại khi thực hiện kiểm định thì các trường mới biết được rõ hơn là mình đang yếu ở điểm nào, đang thiếu cái gì, từ đó khắc phục, hoàn thiện cho công tác đào tạo của trường được tốt hơn.
Trên cơ sở đó thì mới giao sứ mạng cho các trường. Thí dụ, trường nào đảm bảo các điều kiện tốt, có thể phát triển chất lượng cao thì tạo điều kiện thuận lợi đồng thời giao nhiệm vụ đào tạo chất lượng cao.
Khi tuyển sinh thì trường đó phải lấy đầu vào điểm cao chứ không được phép lấy thấp để có nhiều sinh viên. Tức là đầu vào cũng phải hạn chế và tập trung đào tạo theo thế mạnh, chú trọng tới chất lượng cao.
Bên cạnh đó, cũng có những trường đào tạo chất lượng đại trà, có những trường đào tạo lao động cho địa phương thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để áp chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp, chấm dứt hoàn toàn tình trạng đào tạo tràn lan khiến cho cử nhân thất nghiệp nhưng cơ sở đào tạo không chịu trách nhiệm gì.
Chỉ có điều hiện nay lực lượng kiểm định còn mỏng, Hiệp hội có một trung tâm, Đại học Quốc gia Hà Nội có một trung tâm, Đại học Quốc gia TP.HCM có một trung tâm và Đà Nẵng có một trung tâm. Chỉ có 4 trung tâm như vậy thì quá ít so với nhu cầu thực tế phải kiểm định tới hơn 300 trường đại học.
Do đó phải cấp tốc đào tạo thêm các kiểm định viên và mở thêm những trung tâm kiểm định.
Bên cạnh đó, cần phải xây dựng được một kế hoạch kiểm định tổng thể dưới sự điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tất cả các trung tâm kiểm định hòa nhịp với nhau làm tốt nhiệm vụ, đạt được mục tiêu cụ thể ở từng giai đoạn.
Còn nếu không có kế hoạch tổng thể, cứ thả ra cho làm tự do, được đến đâu hay đến đó thì không thể hoàn thành việc đánh giá chất lượng về các trường.
Xóa bỏ cơ chế bao cấp để nâng cao chất lượng đào tạo
- Sự thay đổi nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như nhu cầu thực tế của nền kinh tế đòi hỏi bản thân các trường đại học phải thay đổi để cung cấp các sản phẩm có chất lượng cho thị trường. Giáo sư đánh giá như thế nào về năng lực thích ứng của các trường đại học hiện nay?
GS.Trần Hồng Quân: Những gì diễn ra trong thời gian vừa qua cho thấy các trường đã và đang có sự thay đổi để thích nghi với tình hình mới, tuy nhiên sự thay đổi ấy vẫn còn chậm, đặc biệt là công tác đào tạo không sát với nhu cầu thị trường, dẫn tới tình trạng cử nhân thất nghiệp ngày càng nhiều.
Cơ chế tập trung quan liêu bao cấp tạo ra sự trì trệ mang tính phổ biến trong toàn xã hội.
Có thể nói đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới mà các lĩnh vực văn xã nói chung và giáo dục nói riêng vẫn còn mang đậm nét của cơ chế cũ ấy trong quản lý.
Đó là lý do tự chủ đại học chậm được xác lập. Phải xóa bao cấp để tránh ỉ lại, phải xóa nghĩ thay làm thay để tránh dựa dẫm. Phải khắc phục sự ràng buộc để tránh tình trạng các trường phải múa gậy trong bị.
Phải xóa bỏ sự quản lý tập trung ngặt nghèo để các trường có động lực tự thân và có điều kiện khách quan, để luôn luôn canh tân theo hướng tối ưu hoá để tồn tại và phát triển, đặc biệt trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn biến hết sức nhanh chóng.
Ngay sự tồn tại cũng không phải là đương nhiên như trước đây, nếu không phấn đấu để tự khẳng định mình trong cuộc cạnh tranh trên thị trường dịch vụ giáo dục thì có thể không đứng vững, có thể bị sàng lọc, sát nhập hoặc giải thể.
Từng cán bộ quản lý, từng cán bộ giảng dạy cũng phải không ngừng phấn đấu mới có chỗ đứng tương xứng trong nhà trường chứ không phải đã vào biên chế nhà nước thì yên vị suốt đời.
Từ động lực tập thể và động lực của từng cá nhân sẽ tạo ra động lực chung của nhà trường, tạo ra sinh khí phát triển mạnh mẽ.
Nhiều cử nhân thất nghiệp thời gian qua một phần do lỗi đào tạo quá nặng về lý thuyết, không sát với yêu cầu thực tế. ảnh: NQ. |
- Năm 2017 cũng là năm Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào hoàn thiện dự thảo đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Chất lượng bậc học phổ thông, đặc biệt là công tác phân luồng học sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đầu vào của giáo dục đại học. Giáo sư và Hiệp hội có tham mưu hay góp ý gì cho Bộ về định hướng phân luồng, nâng cao chất lượng đào tạo?
GS.Trần Hồng Quân: Theo yêu cầu đặt ra từ Nghị quyết 29 của Trung ương, hiện nay chúng ta đang bước vào giai đoạn xây dựng lại chương trình – sách giáo khoa ở bậc phổ thông trên cơ sở tái cơ cấu lại hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục.
Tôi thấy rằng phân luồng sẽ được tập trung mạnh nhất vào cuối trung học cơ sở (cấp 2). Tuy nhiên, để công tác phân luồng thực sự hiệu quả thì cần sự kết hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đồng thời phải có sự tham gia của các bộ, ngành khác để đánh giá, dự báo được nhu cầu của thị trường đối với từng lĩnh vực, qua đó có sự điều chỉnh tốt tỷ lệ khi phân luồng ở từng thời kỳ.
Đào tạo hầu hết bằng lý thuyết, rất ít trường đại học dám cam kết chất lượng |
Về lâu dài, cần phải xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường đại học, cao đẳng... Bộ Giáo dục tập trung vào công tác quản lý nhà nước với 2 nhóm nhiệm vụ tổng quát:
Thứ nhất là xây dựng luật, ban hành các văn bản pháp quy, quy phạm, tiêu chuẩn…
Thứ hai là kiểm tra, đánh giá hoạt động đào tạ; không nên can thiệp quá cụ thể vào công việc của các trường.
Trong một hội nghị vào tháng 1/2017, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nói rất thẳng thắn khi đề cập tới ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục là Bộ thi. Tôi cho rằng, với sự thẳng thắn như vậy thì Bộ trưởng cũng sẽ sớm có những quyết định mạnh mẽ và hợp lý.
Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có nhiều thay đổi, vì thế khi tính tới phương án phân luồng cũng cần phải đi liền với liên thông.
Giả sử khi hết trung học cơ sở (cấp 2) có 60% học sinh chuyển sang học Trung học kỹ thuật hoặc Trung học nghề; 40% học sinh học Trung học phổ thông theo hướng hàn lâm để lên tiếp đại học.
Như vậy, học sinh thuộc nhóm 60% học xong Trung học Kỹ thuật hoặc Trung học nghề là đủ 18 tuổi và hoàn toàn có thể tìm việc làm.
Một phần các em chưa muốn đi làm thì có thể học tiếp lên hệ cao hơn nhưng phải đúng với ngành nghề đã học ở Trung học Kỹ thuật hoặc Trung học nghề.
Như vậy, chúng ta vừa giải quyết tốt được bài toán phân luồng, đồng thời cũng mở ra cơ hội học tập nâng cao cho các em học sinh đi theo hướng vừa học phổ thông kết hợp học nghề, nâng cao dần trình độ tùy theo khả năng của từng em. Từ đó cũng sẽ có thêm được nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư!