Giáo viên chủ nhiệm, cần lắm sự đam mê và hy sinh

30/10/2020 06:06
LÊ TRƯỜNG SA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ kinh nghiệm làm chủ nhiệm của bản thân và học hỏi đồng nghiệp, tôi nhận thấy làm giáo viên chủ nhiệm rất cần sự đam mê, sự hy sinh thầm lặng…

Bản thân tôi đã từng làm chủ nhiệm, từng chia sẻ, đồng cảm để hiểu các em học sinh. Từ đó, đưa ra những biện pháp, cách làm có lý có tình nhằm có cách giáo dục, cảm hóa học sinh hiệu quả nhất.

Khi nhận lớp, khâu tìm hiểu hoàn cảnh mỗi học sinh trong lớp là điều quan trọng đầu tiên. Tìm hiểu mới thấy có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, không phải gia đình nào cũng giống nhau đâu! Đúng như lời người xưa có nói “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Không biết do đặc trưng dạy bộ môn (tôi dạy môn Ngữ văn) nên tôi thường lưu tâm đến những em có hoàn cảnh gia đình cha mẹ ly hôn.

Đây cũng là vấn đề xã hội trong khoảng mười năm trở lại: hiện tượng ly hôn khá cao! Một lớp có 35 học sinh thì có tới 5, 6 em có hoàn cảnh cha mẹ chia tay nhau!

Bởi vì những học sinh này thường bị mất phương hướng trong cuộc sống và mất cân bằng tâm lý, trở nên trầm cảm, tự ti và tránh tiếp xúc với mọi người, kể cả bạn bè…

Một chuyện nhỏ nhưng không hề nhỏ, đó là tôi luôn ghi rõ sinh nhật của từng học sinh lớp mình.

Giáo viên chủ nhiệm, cần lắm sự đam mê và hy sinh. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Giáo viên chủ nhiệm, cần lắm sự đam mê và hy sinh. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Đến sinh nhật, tôi thường tới lớp gửi các em lúc thì hộp bánh, lúc thì một cặp cây viết xanh đỏ; lúc thì một ký trái cây; lúc thì một cuốn sách học làm người…

Một số giáo viên nhìn tôi với sự dò xét, kháo nhau là thầy đó làm vậy chỉ tốn tiền, nó sinh ngày nào kệ nó, hơi đâu mà lo bao đồng…

Nhưng chính những việc làm thầm lặng, có ý nghĩa này mà các em trở nên ngoan hơn, chấp hành nội quy tốt hơn và trong lớp luôn đoàn kết với nhau, không hề có phe phái như ở lớp khác.

Cảm hóa học sinh bằng tình thương bởi “lạt mềm thì buộc chặt”. Khi có học sinh vi phạm, bị ghi tên vào “Sổ đầu bài” chẳng hạn; tôi chỉ nói chung, nêu chung trước lớp trong tiết chủ nhiệm cuối tuần.

Sau đó, tôi tìm thời gian thích hợp gặp riêng em và cùng bộc bạch, trao đổi. Bởi các em vi phạm nội quy, dù nhất thời nhưng các em vẫn luôn có lòng tự trọng. Nếu giáo viên nêu tên, “kể tội” trước lớp thì sẽ phản tác dụng vì việc làm ấy phản giáo dục, phản sư phạm!

Nhiều khi mình cũng phải làm gương cho các em như lên lớp đúng giờ; thực hiện “giờ nào việc nấy” hoặc thấy một vỏ chai nước, hộp sữa bên lối đi; không ngần ngại, tôi cúi xuống lượm lên và bỏ vào thùng.

Bởi tôi luôn nghĩ rằng: mình biết cúi xuống tức là mình đã ngẩng cao đầu khi làm việc đúng!

Những buổi liên hoan, những lần dã ngoại; tôi đều chăm sóc các em từ việc nhỏ đến việc lớn, chỉ mong các em trưởng thành từ những cử chỉ ân cần của người làm công tác chủ nhiệm.

Hạnh phúc nhất của giáo viên chủ nhiệm là thấy các em lớn lên về nhận thức, về cách cư xử văn hóa, về ý thức chia sẻ, đồng cảm với người xung quanh…

Khó lắm khi làm chủ nhiệm một lớp nhưng cũng vui lắm khi bước vào lớp với hàng chục đôi mắt mở to, chào đón thầy cô mỗi buổi sinh hoạt cuối tuần…

LÊ TRƯỜNG SA