Giáo viên có nên mời học sinh, đến nhà chơi Tết?

02/02/2019 06:23
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Tết đến, xuân về, có học sinh đến nhà chúc Tết làm ấm lòng bao thế hệ nhà giáo Việt Nam. Càng trân quý hơn, khi “lũ quỹ” đến thăm nhà thầy cô là “dân lớn tuổi”

LTS: Chuyện học trò đi chúc Tết thầy cô là một điều đáng quý trọng. Tuy nhiên, thực tế có những câu chuyện không may, những tình huống khó xử khiến một số thầy cô sợ trò đi Tết mình.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến về chủ đề này.

Cứ Tết đến xuân về, chúng ta lại nghe đâu đó câu “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”.

Việc đi Tết thầy cô, đã khắc sâu trong tâm trí của người Việt. Tết thầy cô, là hành vi đẹp, thể hiện tôn sư trọng đạo của người Việt.

Tết đến, xuân về, có học sinh đến nhà chúc Tết làm ấm lòng bao thế hệ nhà giáo Việt Nam. Càng trân quý hơn, khi “lũ quỹ” đến thăm nhà thầy cô là “dân lớn tuổi”.

Ừ, nghèo mà thanh bạch, dạy chúng nó mấy chục năm rồi mà vẫn nhớ. Bố mẹ gồng gánh con cháu đến thăm thầy cô giáo cũ, một bài học tôn sư trọng đạo khó có dân tộc nào có.

Ngày nay, cứ sáng mùng ba Tết, ta bắt gặp trên nẻo đường hình ảnh từng nhóm học trò, tay xách, nách mang “quà Tết”, ai cũng biết là đi thăm thầy cô.

Ấm lòng cho nghề giáo, nghề cao quý của những nghề cao quý!

Giáo viên có nên mời học sinh, đến nhà chơi Tết? Ảnh minh họa trên Baonghean.vn
Giáo viên có nên mời học sinh, đến nhà chơi Tết? Ảnh minh họa trên Baonghean.vn

Thế nhưng, cũng nhiều cảnh không muốn có, đã xảy ra trên con đường đó, với bọn trẻ. Cô giáo H. còn nhớ mãi sáng mùng ba Tết năm nào, nhận được điện thoại của phụ huynh “Cô ơi, bé L. đi Tết cô, cùng ba bạn, bị tai nạn, đang ở phòng cấp cứu bệnh viện”.

Phận là cô giáo, đành phải chạy đôn, chạy đáo lo cho các em. Nghèo, gặp eo, đành chịu. Mấy năm sau, phân làm chủ nhiệm H. luôn viện cớ từ chối, thật ra “sợ học trò đi Tết”!

Kinh tế phát triển, kéo theo nhiều điều “không phát triển”, trong đó có cảnh phân biệt “thầy chính, thầy phụ”.

Cùng khu tập thể, ngày Tết, trò vào ra nườm nượp phòng “thầy chính”, phòng “thầy phụ” vắng như “Chùa Bà Đanh”!

Nhìn cảnh trò "Tết" thầy ấy, không ít giáo viên “nhụt chí”, một sự thực dụng quá đỗi trong đạo đức lối sống của học sinh! Vì thế các “thầy phụ” tìm cách “trốn Tết”, khóa trái cửa dù ở trong nhà; tìm việc làm thêm cho qua ngày Tết.

Trước thực trạng đó, một số công đoàn nhà trường có nhà công vụ, tổ chức phòng tiếp khách chung tại khu tập thể; thầy trò cùng vui với các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn, các mòn quà quê học trò mang đến, v.v...

Giáo viên có nên mời học sinh, đến nhà chơi Tết? ảnh 2Chuyện Tết thầy của nhà giáo Sông Trà

Với học sinh tiểu học, trung học cơ sở, nhắc nhở các em đi xe đạp đúng luật; nếu “đi xa” phải có bố mẹ chở đi.

Nhiều giáo viên ở địa phương khác đến, trước kì nghỉ Tết, chúc mừng các em năm mới, thêm tuổi mới; thông báo Tết này mình không ở nhà, các em đừng đi chúc Tết.

Các giáo viên chủ nhiệm người địa phương, tiết cuối, trước kì nghỉ Tết, chủ động mua bánh kẹo liên hoan với lớp; khéo léo thông báo với các em, Tết này chúng ta đã vui Tết rồi; ra Tết, bạn nào còn bánh kẹo, đưa lên lớp liên hoan, không cần đến nhà thầy cô.

Tri ân thầy cô, hành động đẹp. Tết đến, xuân về, học trò cũ nhớ về thầy cô giáo, góp phần vào ánh sắc xuân thêm lộng lẫy.

Học trò đang học, chưa có điều kiện đi xa, giữ cho mình an toàn, thực hiện nếp sống văn minh, lời chúc Tết quý báu nhất với thầy cô.

Chúc cho nhà giáo một cái Tết đầm ấm, an toàn trong mùa xuân mới, niềm vui mới, niềm hy vọng mới!

Sơn Quang Huyến