Truyền thống tốt đẹp của dân tộc
Ba ngày tết là những ngày thiêng liêng nhất trong tâm tưởng của người Việt. Trong những ngày tết, người Việt luôn giành tình cảm thiêng liêng nhất cho đấng sinh thành, những người khai tâm mở trí.
Cuộc sống hiện đại đang đặt ra những câu hỏi về truyền thống tôn sư trọng đạo, mồng ba tết thầy có bị mai một và biến tướng?
Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung – nguyên Trưởng khoa Văn hóa phát triển, Giảng viên cao cấp, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng: “Trước hết, tết thầy là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đây là một thuần phong mỹ tục lâu đời. Từ xưa, chữ hiếu, chữ nghĩa vẫn được đặt lên hàng đầu.
Với truyền thống của người Việt, ngày mồng một thiêng liêng nhất, cả gia đình về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng bên nhà cha. Ngày mồng hai, cả nhà lại cùng nhau sang bên ngoại, chúc tết họ hàng bên mẹ.
Mồng ba, các trò dù ở độ tuổi nào, địa vị ra sao cùng các bạn đồng môn tới chúc tết thầy học, mừng tuổi thầy và gia đình thầy.
Ngày mồng ba tết thầy không có nghĩa đặt vị trí người thầy theo bất kỳ thứ tự nào cả. Thậm chí, trong xã hội phong kiến xưa, người thầy nhiều khi có vai trò hơn cả người cha sinh ra mình.
Việc người Việt dành ngày mồng ba để tết thầy thể hiện sự kính trọng thiêng liêng người thầy đáng kính, những người khai tâm mở trí cho mỗi con người, không hề có sự phân biệt thứ tự.
Với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, trong tâm tưởng, mỗi người Việt đều nhắc nhớ câu: “Nhất tự vi sư, bán tự cũng vi sư”– để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ”.
Người Việt Nam có truyền thống tôn sư trọng đạo. (Ảnh minh họa chưa rõ nguồn) |
Nói về đi tết thầy xưa, Phó giáo sư Phạm Ngọc Trung cho rằng: “Đi tết thầy không chỉ là cách bày tỏ tình cảm mến mộ, lòng biết ơn của học trò dành cho thầy, cô giáo mà còn là dịp để thầy trò, bạn bè cũ gặp mặt, hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm xưa cũ.
Đó không chỉ là niềm vui đối với người thầy khi được học trò nhớ đến mà còn là niềm hạnh phúc đối với trò khi được gặp lại thầy cũ, bạn xưa.
Việc đi tết thầy cốt ở tấm lòng, đi tết thầy người xưa không đặt nặng vấn đề vật chất.
Thậm chí, với tư cách cao đạo của những nhà nho xưa, người thầy rất nghiêm khắc trong việc nhận quà, vật chất của trò.
Việc trò đến thăm thầy đều xuất phát từ tấm lòng tôn kính, chân thành và thiêng liêng nhất. Với những người thầy, hạnh phúc không phải vì những vấn đề vật chất mà trò mang theo đến tặng thầy".
Đừng để tết thầy thành gánh nặng
Cuộc sống hiện đại, dường như việc tết thầy cũng đang bị dịch chuyển. Dường như có sự tương phản xưa – nay trong việc tri ân thầy cô.
Ngày nay, việc tri ân thầy cô của một bộ phận phụ huynh học sinh có dấu hiệu biến tướng. Nếu trước kia, dịp tri ân thầy cô trong truyền thống của người Việt chỉ dành ngày mồng ba tết thì ngày nay một năm rất nhiều dịp phụ huynh học sinh lấy đó là ngày tri ân thầy cô.
Đáng tiếc là số đến với thầy cô bằng tình cảm thật lòng vẫn còn quá ít, thậm chí nhiều phụ huynh, học sinh còn coi đó là nghĩa vụ và trở thành gánh nặng.
Nói về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng đó là một sự biến tướng không đáng có.
“Có một hiện tượng có thực đang xảy ra khi ngày tết thầy đang bị nhiều phụ huynh âm thầm dịch chuyển sang những ngày trước tết. Cuộc sống hiện đại đã làm cho người ta toan tính nhiều hơn cả với tình thầy trò.
Họ coi sự quan tâm với thầy cô bằng sự sòng phẳng của những món quà đang làm biến tướng một truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Phó Giáo sư Trung chia sẻ.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Ngọc Trung cho rằng giá trị của ngày tết thầy sẽ không bị mất đi trong đời sống xã hội Việt Nam (Ảnh: Hương Lan). |
Phó Giáo sư Trung cho rằng, trong cuộc sống hiện đại, dưới áp lực của kinh tế thị trường, nhiều người đã vật chất hóa những giá trị thiêng liêng vốn có và đang biến vấn đề thành quan hệ mua bán, xin cho.
Thay vì những món quà nho nhỏ mà ý nghĩa, đầy ắp tình thầy trò thì nay mỗi dịp Tết đến xuân về, nhiều người người lại lo nớm nớp lo chuyện quà cáp, phong bì các để đi thầy, đi cô.
Đằng sau những món quà có giá trị ấy là mưu lợi từ người thầy mà mình tặng, thay vì những cố gắng trong học tập, nghiên cứu, nhiều người sợ rằng con cái họ bị thiếu quan tâm.
Họ tặng quà người thầy cô của con mình để được mong tìm được nguồn lợi như về điểm số, thành tích học tập.
"Điều này khác xa thế hệ chúng tôi ngày xưa. Chúng tôi đến với thầy bằng tình cảm chân thành nhất, đôi khi đến với thầy chỉ tay không, ngồi với thầy uống chén trà, chén rượu nhạt nhưng tình cảm vô cùng”, Phó Giáo sư Trung nhớ lại.
Dù vậy, theo Phó Giáo sư Phạm Ngọc Trung: “Tôi cho rằng việc vật chất hóa tình cảm thày trò xảy ra trong xã hội chỉ là những hiện tượng nhỏ.
Truyền thống văn hóa “mồng ba tết thầy” đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt nên giá trị sẽ trở về nguyên vẹn nếu chúng ta biết hiểu và trân trọng đúng giá trị của ngày tết thầy”.
Bài thơ "Thưởng Tết" - nỗi niềm và lời cảnh tỉnh đối với nghề giáo |
Theo Phó Giáo sư Trung, với những người thầy đích thực, họ đủ tế nhị để biết từ chối những món quà vật chất để cả phụ huynh và học sinh đều hiểu điều họ cần là tấm lòng chân thành chứ không phải việc em quan tâm đến thầy, thầy phải quan tâm đến em như thế nào.
Sự phát triển của đời sống xã hội sẽ trọng những người có năng lực thật sự, năng lực ấy phải được trải qua quá trình học tập và rèn luyện nó không phải là câu chuyện điểm số.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cũng cần quan tâm, chung tay nâng cao đời sống giáo viên, chế độ lương, thưởng cho giáo viên cũng cần phải hợp lý.
Lúc đó, phụ huynh, học sinh và cả những người thầy sẽ nhận ra tình cảm thầy trò là tình cảm thiêng liêng, không biến tướng hay vụ lợi. Để ngày mồng ba tết thầy đầm ấm và cảm động, trở lại với những giá trị thanh khiết, nguyên sơ.