Nhìn, đọc bảng lương tháng 6 mà kế toán nhà trường gửi cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong đơn vị mà nhiều giáo viên trong trường chúng tôi không khỏi ngao ngán về các loại quỹ phải trừ trong 1 tháng lương của mình.
Vẫn biết, truyền thống “tương thân tương ái” là truyền thống tốt đẹp, lâu đời của người Việt mình. Vẫn biết, giáo viên cũng cần chia sẻ những hoạt động thiện nguyện là cần thiết đối với những mảnh đời khó khăn, hay đóng quỹ duy trì một phong trào, một hoạt động nào đó…
Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet |
Nhưng, 2 năm nay, lương cơ sở của giáo viên nói riêng và lương của công chức, viên chức nói chung không tăng, đời sống của một bộ phận giáo viên cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là giáo viên trẻ nhưng các loại quỹ của địa phương, nhà trường phát động không chững lại mà có tháng còn được kêu gọi đóng góp nhiều hơn.
Gần như tháng nào giáo viên cũng bị trừ một số loại quỹ, quỹ chồng quỹ
Giáo viên, nhân viên các trường học cũng là viên chức mà đã là viên chức thì ắt phải tuân thủ theo các quy định của ngành, của địa phương. Vì thế, những hoạt động thiện nguyện, phát động các loại quỹ mà địa phương hay nhà trường phát động là điều tất yếu nhưng nó phải nằm trong một giới hạn, phải có sự đồng thuận của đại đa số giáo viên.
Tuy nhiên, nhìn từ các loại quỹ ở nhiều trường học hiện nay chỉ được cấp trên thông báo rồi bị trừ ngang lương mỗi tháng thì nhiều giáo viên không khỏi hẫng hụt bởi đồng lương ít ỏi của mình cứ liên tục phải đóng các loại quỹ chồng quỹ…
Những loại quỹ như quỹ phòng chống thiên tai; quỹ hỗ trợ thiên tai, lũ lụt hàng năm khi có một số địa phương bị bão lũ; qũy phòng chống dịch bệnh như 2 năm nay thì giáo viên dù khó khăn cũng sẵn sàng chung tay vì họ biết đó là những đồng tiền của họ đóng góp mang ý nghĩa thiết thực, cần thiết.
Nhưng, trong trường học bây giờ có quá nhiều loại quỹ. Nào là quỹ cựu giáo chức, quỹ mái ấm công đoàn, quỹ tang ma (sở, phòng, nhà trường), quỹ an sinh xã hội, quỹ ủng hộ bão lụt, quỹ cất nhà cho người nghèo, quỹ khuyến học (sở, phường, nhà trường),…liên tục được phát động.
Có những loại quỹ mà tháng nào cũng phải đóng như quỹ khuyến học của nhà trường và quỹ khuyến học của phường. Thôi thì trong năm học đóng cũng đã đành nhưng những tháng nghỉ hè vẫn phải đóng, đóng liên tục nhiều năm qua và cũng chưa biết đến bao giờ mới thôi.
Chuyện tang ma trong các đơn vị cũng phải tính toán sao cho hợp lý, hợp tình. Bởi vì nhiều Ban chấp hành Công đoàn nhà trường ra nghị quyết là nếu trong đơn vị mà gia đình công đoàn viên có người mất thì trừ mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường từ 100- 200 ngàn đồng. Ngoài ra, ai thân thiết có thể phúng viếng riêng.
Thế là, có gia đình cả hai vợ chồng là giáo viên, hoặc 2 anh (chị) em là giáo viên, nhân viên trong nhà trường khi mà có cha hoặc mẹ mất thì Công đoàn trường trừ đến 2, 3 suất vì cho rằng đó là quyền lợi của họ. Nhiều giáo viên họ nói rằng sao lại gọi là quyền lợi được?
Bởi, chuyện ma chay, chuyện hiếu là cái tình, cái nghĩa thì 2 hay mấy người trong gia đình công tác cùng đơn vị cũng chỉ nên trừ 1 suất phúng viếng là phù hợp.
Vì trong mỗi đơn vị, có những thầy cô còn cha mẹ, nhưng cũng có những thầy cô mất cha mẹ từ lâu lắm rồi, từ khi họ chưa vào nghề nhưng rồi năm nào cũng phải đóng tiền tang ma nhiều lần vì có những trường có đến hàng trăm giáo viên, nhân viên.
Chính vì thế, có những tháng lương giáo viên chúng tôi trừ đến 5-6 trăm ngàn tiền quỹ, vừa bắt buộc, vừa tự nguyện. Những giáo viên lớn tuổi còn cao hơn vì có những loại quỹ trừ 1 ngày lương nhưng không phải là tổng số lương chia cho 30 ngày/ tháng mà cấp trên tính trừ theo kiểu chia cho 22 ngày.
Nên giảm các loại quỹ khi không cần thiết
Thực ra, tinh thần sẻ chia khó khăn với mọi người lúc hoạn nạn đã là truyền thống quý báu của người Việt chúng ta nhưng nó phải nằm trong một khuôn khổ nhất định.
Điều quan trọng nhất là các loại quỹ phải được công khai, minh bạch trước mọi người và không nhất thiết phát động đóng góp quỹ để lấy thành tích, để báo cáo…
Hiện nay, ở các địa phương từ cấp xã lên đến cấp tỉnh có nhiều tổ chức đoàn thể và nhiều Hội xã hội- nghề nghiệp khác nhau thì nên phân về một đầu mối làm công tác từ thiện, không nên khi có một sự việc nào đó thì nhiều tổ chức cùng đứng ra phát động, kêu gọi đóng góp…
Nhất là trong các văn bản vận động của cấp trên gửi về trường thường có câu: “mỗi người ủng hộ tối thiểu một ngày lương”; “yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc”…Vì thế, các đơn vị cũng phải căn cứ vào văn bản để trừ lương của người lao động.
Có lẽ, khi nói đến công tác từ thiện, hay đóng góp một loại quỹ nào đó tại địa phương, tại đơn vị thì nên hạn chế việc trừ ngang lương mà hãy để giáo viên tự nguyện đóng góp khi họ cảm thấy cần thiết, ý nghĩa.
Đời sống của những giáo viên có ít tuổi nghề còn nhiều khó khăn bởi đồng lương của họ chẳng đáng là bao nhưng có những thầy cô còn phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, còn lo chuyện cha mẹ, con cái ốm đau, bệnh tật.
Nên, một khi cấp trên phát động đóng góp các loại quỹ, có khi tự nguyện, có lúc bắt buộc, nếu có ý kiến thì bị cho rằng nhỏ nhoi, hẹp hòi, chống đối. Nhưng, có những tháng trừ một lúc nhiều loại quỹ thì quả là một gánh nặng cho nhiều giáo viên trẻ, giáo viên có hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện câu chuyện, góc nhìn của tác giả.