Theo lộ trình tăng tuổi hưu từ năm 2022, lao động nam tuổi hưu sẽ là 60 tuổi 6 tháng, lao động nữ 55 tuổi 8 tháng đến năm 2028 trở đi tuổi nghỉ hưu nam là 62 tuổi, đến năm 2035 trở đi tuổi nghỉ hưu nữ là 60 tuổi.
Thời gian gần đây, một số giáo viên chưa đến tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng do nguyện vọng cá nhân hoặc sức khỏe suy giảm đã xin nghỉ việc trước tuổi.
Tuy nhiên, nhiều phản ánh giáo viên nghỉ việc trước tuổi theo nguyện vọng, hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Luật Lao động không nhận được trợ cấp thôi việc theo quy định dẫn đến thiệt thòi quyền lợi.
Trong phạm vi bài viết, bằng hiểu biết cá nhân người viết xin được làm rõ nội dung trên.
(Ảnh minh họa: Nhandan.vn) |
Quy định về chế độ trợ cấp thôi việc
Căn cứ Điều 46 Bộ luật lao động 2019 quy định:
“Điều 46. Trợ cấp thôi việc
1. Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
2. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
3. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
Theo đó, trợ cấp thôi việc được tính như sau:
Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc x tiền lương để tính trợ cấp thôi việc
Do đó, nếu giáo viên nghỉ việc thuộc các đối tượng trên thì được hưởng trợ cấp thôi việc theo công thức trên.
Giáo viên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay không?
Một số trường hợp giáo viên, vì lý do cá nhân hoặc sức khỏe suy giảm đã làm đơn xin nghỉ việc trước tuổi nhiều lần nhưng các cơ sở giáo dục không đồng ý với nội dung lý do không chính đáng hoặc thiếu giáo viên,… Do đó, có giáo viên thắc mắc là họ có được đơn phương chấm dứt hợp đồng theo Luật không?
Theo quy định Luật Viên chức 2010 giáo viên (viên chức) hoàn toàn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng với quy định như sau:
Trường hợp giáo viên kí hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, khi muốn nghỉ việc thì có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc.
Tại khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010 quy định như sau:
“Điều 29. Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc
[...]4. Viên chức làm việc theo hợp đồng làm việc không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập biết trước ít nhất 45 ngày; trường hợp viên chức ốm đau hoặc bị tai nạn đã điều trị 06 tháng liên tục thì phải báo trước ít nhất 03 ngày[...]”.
Tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 Luật Lao động 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:
“ Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;
c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;
b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;
c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;
e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.”
Theo đó, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc, nếu thuộc các trường hợp trên, giáo viên cần thông báo bằng văn bản cho người đứng đầu nhà trường (hiệu trưởng) từ 3 đến 45 ngày tùy đối tượng để đảm bảo đúng Luật.
Đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì giáo viên có được trợ cấp thôi việc không?
Khoản 6 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019 có quy định về các trường hợp viên chức khi nghỉ việc được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc.
Theo đó, đối với các trường hợp: đơn vị sự nghiệp công lập đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc với viên chức, hết thời hạn của hợp đồng nhưng người sử dụng lao động không ký kết tiếp hợp đồng làm việc, viên chức đơn phương chấm dứt hợp đồng do ốm đau, bị tai nạn theo quy định tại khoản 4 Điều 29 hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định tại khoản 5 Điều 29 Luật viên chức 2010.
Tại khoản 1 Điều 46 Luật Lao động 2019 quy định về trợ cấp thôi việc: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động[…]”
Tại khoản 9 Điều 34 Luật Lao động 2019 có quy định: “9. Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 35 của Bộ luật này.”
Trường hợp của giáo viên đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 4 Điều 29 Luật viên chức 2010, khoản 9 Điều 34 Luật Lao động do đó thuộc đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định.
Do đó, nếu giáo viên đơn phương nghỉ việc theo đúng quy định của Luật Lao động 2019, Luật Viên chức 2010 thì phải được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định và sau khi rà soát các quy định liên quan đến trợ cấp thôi việc, người viết không ghi nhận bất kỳ quy định nào cho phép người sử dụng lao động (nhà trường) được quyền không chi trả trợ cấp thôi việc cho viên chức (giáo viên) nếu không thuộc trường hợp viên chức không được hưởng trợ cấp thôi việc.
Nếu đơn vị nào không chi trả chế độ trợ cấp thôi việc, giáo viên có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện để đòi quyền lợi và lợi ích hợp pháp.
Trên đây là một số thông tin liên quan về chế độ của giáo viên khi nghỉ việc với lý do theo nguyện vọng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhằm giải đáp một số thắc mắc của giáo viên.
Mọi thắc mắc bạn đọc có thể gửi thư về tòa soạn ở địa chỉ toasoan@giaoduc.net.vn.
Tài liệu tham khảo:
Luật Lao động 2019
Luật Viên chức 2010
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức 2019
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả.