Trong các nghề làm thêm của giáo viên hiện nay, có một nghề tay trái mà một số giáo viên đang thử sức là làm cộng tác viên cho một số tờ báo, tạp chí mà mình yêu thích. Chính vì thế, khi đọc mục giáo dục ở các tờ báo, tạp chí, bạn đọc dễ dàng nhận ra một số tác giả các bài viết này là đồng nghiệp của mình.
Họ viết vì đam mê, muốn thử thách và một lý do không thể phủ nhận là có thêm thu nhập nhằm trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhưng, dù vì một lý do nào đi nữa, các thầy cô đang làm cộng tác viên báo chí cũng đang hướng tới góp phần chia sẻ tiếng nói từ chính người trong cuộc để giáo dục và đào tạo ngày một tốt hơn.
Vì thế, có khi bài viết là phản ánh một tấm gương điển hình, cũng có khi là một bài phản biện về việc thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở, hoặc một chủ trương của ngành, của địa phương chưa thực sự phù hợp, còn những bất cập.
Ảnh chỉ minh họa, nguồn: infonet.vn |
Những yếu tố cần khi làm cộng tác viên báo chí
Thực tế cho thấy, khi tiếp cận với một công việc nào chúng ta cũng đều cảm nhận được sự khó khăn, nhất là làm cộng tác viên báo chí bởi lẽ việc “viết lách” xưa nay chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhàn hạ. Làm cộng tác viên báo chí đối với một số nhà giáo cũng vậy nhưng không có nghĩa là không thể làm được nếu như thầy cô thực sự đam mê, có khả năng viết lách và biết tìm tòi, phát hiện vấn đề.
Muốn cộng tác với một tờ báo, tạp chí nào đó thì trước tiên phải đọc, tìm hiểu xem tòa soạn mà mình có ý định gửi bài thường xuất hiện các bài viết có “gu” như thế nào, có thường xuyên sử dụng bài của cộng tác viên hay không.
Khi tìm hiểu kĩ về tờ báo, tạp chí mà mình định cộng tác thì tìm vấn đề viết và gửi bài. Nhưng, gửi bài cho tòa soạn là một chuyện nhưng có được tòa soạn sử dụng bài hay không lại là một chuyện hoàn toàn khác nhau.
Có khi gửi bài đầu tiên được Ban Biên tập sử dụng ngay nhưng cũng có khi gửi hàng chục bài không được sử dụng. Vì thế, rất dễ dẫn đến tình trạng một số cộng tác viên sẽ nản lòng không dám gửi nữa.
Hoặc, cũng có khi bài viết của mình dành rất nhiều tâm huyết để viết nhưng vừa gửi xong thì nội dung bài viết của mình đã hết tính thời sự nên bài viết đó cũng không được sử dụng nữa. Vì vậy, làm cộng tác viên báo chí ngoài khả năng viết, am hiểu về kiến thức pháp luật, chủ trương của ngành còn phải nhanh nhạy khi tiếp cận vấn đề.
Bên cạnh đó, còn phải chấp nhận khi bài không được sử dụng, bài hết tính thời sự cũng đồng nghĩa với bài viết đó bị bỏ, không sử dụng được.
Ngoài ra, còn một vấn đề tế nhị nữa là nhiều khi bài cộng tác viên gửi đến được tòa soạn sử dụng ngay nhưng họ chỉ sử dụng bài mà không có phản hồi gì thêm. Một bài, hai bài, ba bài như vậy khiến cộng tác viên thoáng vui ban đầu nhưng rồi cũng dần dần mất đi động lực để gửi.
Phóng viên chính thức công tác tại các tòa soạn tìm vấn đề, sự việc để viết một bài báo không khó nhưng cộng tác viên tìm viết một bài có tính mới và “không đụng hàng” là không hề đơn giản. Bởi vì bản thân họ không hề có giấy tờ gì chính danh để “tác nghiệp”, tiếp cận các vấn đề...
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam- nơi “neo đậu” của nhiều cộng tác viên báo chí
Khác với rất nhiều tờ báo, tạp chí khác, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (trước đây) và Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (bây giờ) có những chính sách khá đặc biệt với đội ngũ cộng tác viên báo chí là những thầy cô giáo viên ở nhiều địa phương trên cả nước.
Kể từ khi thành lập cho đến nay, Tạp chí đã có rất nhiều cộng tác viên là thầy cô, lãnh đạo trường phổ thông; giảng viên, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường trường đại học; chuyên gia giáo dục uy tín.
Đội ngũ cộng tác với Tạp chí khá nhiều và họ đều là những người đã cộng tác lâu năm với tòa soạn. Việc một số thầy cô giáo được tòa soạn sử dụng bài thường xuyên giúp cho họ có động lực để viết và gửi gắm niềm tin của mình.
Bên cạnh những bài viết được tòa soạn đăng tải thì chế độ nhuận bút luôn được chi trả đều đặn. Đặc biệt, Ban Biên tập cũng luôn chú trọng tặng quà, thưởng đối với những ngày lễ, tết hoặc tổ chức những chuyến du lịch cho cộng tác viên.
Những bài viết từ cộng tác viên là thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục từ nhiều nơi trên mọi miền đất nước vẫn được đều đặn xuất hiện trang trọng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Đó có thể là bài viết về tấm gương, một điển hình trong giảng dạy, một học trò tiêu biểu ở các trường học. Nhưng, bài viết cũng có thể là phản ánh một góc khuất, phản biện một chính sách còn vướng mắc, hoặc chưa thực sự phù hợp với cơ sở giáo dục.
Vì vậy, một số bất cập trong quá trình thực hiện, triển khai của ngành, của trường được các cộng tác viên phản ánh qua khách quan, chi tiết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam. Rất nhanh, những phản ánh này đã đến được với các cơ quan chức năng và được lắng nghe đồng thời được tháo gỡ kịp thời.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6)- dù không phải là ngày của những cộng tác viên báo chí nhưng với thầy cô giáo “viết báo”, bản thân người viết cũng cảm thấy vui và xốn xang trong lòng bởi hàng ngày tôi và nhiều cộng tác viên khác cũng đang được gắn bó với “nghề tay trái” của mình.
Là một nhà giáo đang giảng dạy ở bậc phổ thông và có gần chục năm cộng tác với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình khi gửi bài về tòa soạn và cũng luôn mong muốn Tạp chí ngày một phát triển.
Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúng tôi- những cộng tác viên báo chí chúc cho Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam luôn có những bài viết hay, đặc sắc. Đội ngũ phóng viên, cộng tác viên luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” để có những sản phẩm tốt nhất đến với bạn đọc hàng ngày.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.