Giáo viên mong mỏi Bộ ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung chùm Thông tư số 01-04

05/02/2023 06:34
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong Bộ sớm ban hành Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04 để các địa phương thực hiện việc chuyển xếp hạng nhà giáo một cách thống nhất.

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông tư có hiệu lực ngày 20/3/2021 và đã nhận được sự quan tâm rất lớn của đội ngũ nhà giáo trên khắp mọi miền đất nước. Bởi, nó liên quan trực tiếp đến việc chuyển xếp hạng giáo viên và ảnh hưởng trực tiếp đến đồng lương của mỗi nhà giáo.

Ảnh minh họa: Lã TiếnẢnh minh họa: Lã Tiến

Bên cạnh một bộ phận thầy cô sẽ được cải thiện về đời sống thì phần đông các nhà giáo phải chịu thiệt thòi vì một số quy định chuyển xếp hạng trong chùm thông tư chưa thật sự rõ ràng.

Thực tế, khi chùm Thông tư 01-04 có hiệu lực đã có nhiều ý kiến phản ứng của giáo viên được phản ánh trên các phương tiện truyền thông. Một số địa phương cũng tạm dừng việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04.

Ngày 20/5/2022, Bộ đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT để lấy ý kiến cho dự thảo đến hết ngày 20/7/2022.

Đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa chính thức ban hành Thông tư sửa đổi chùm các Thông tư 01-04.

Bộ chưa có ban hành các nội dung sửa đổi, có nơi vẫn thực hiện việc chuyển xếp hạng, giáo viên gây nên nhiều thắc mắc

Có lẽ chờ đợi quá lâu nên dù chưa có hướng dẫn cụ thể nhưng một số địa phương đã tiến hành chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04, số khác chỉ thực hiện chuyển xếp giáo viên hạng III, và đa phần các địa phương khác vẫn trong tình trạng chờ hướng dẫn mới nhất.

Sự chậm trễ này đã mang đến nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều thầy cô vốn đã khó khăn lại thêm phần khó khăn.

Một số đồng nghiệp của người viết ở một tỉnh phía Nam cho biết: “Địa phương tôi đã thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04 vào tháng 2/2022. Một số thầy cô giáo được hưởng lợi khi mức lương được điều chỉnh khá cao.

Tuy thế, do chưa phải là hướng dẫn mới nhất nên mỗi địa phương lại làm theo một cách hiểu khác nhau dẫn đến nhiều tranh cãi, thắc mắc trong đội ngũ nhà giáo".

Một số thầy cô giáo cho biết, có nơi cứ là giáo viên hạng II (cũ) đủ điều kiện đều được chuyển sang hạng II (mới), có nơi lại căn cứ vào thời gian giữ hạng nếu ai chưa đủ 9 năm sẽ phải xuống giáo viên hạng III.

Việc chuyển xếp hạng đã ảnh hưởng đến việc chuyển xếp lương. Bên cạnh đó, có địa phương chỉ chuyển xếp lương cho giáo viên hạng II từ hệ số 3.99 lên 4.0; Có nơi lại cho phép xếp lương giáo viên hạng II từ hệ số 2.34 lên 4.0, cũng có nơi quy định từ 2.67 đã được chuyển xếp lương lên hệ số 4.0.

Một số giáo viên đang hưởng hệ số lương 2.34 được xếp qua 4.0 (ảnh CTV)

Một số giáo viên đang hưởng hệ số lương 2.34 được xếp qua 4.0 (ảnh CTV)

Bộ Giáo dục chậm ban hành Thông tư sửa đổi dẫn đến giáo viên khá thiệt thòi

Năm 2017, thầy giáo Thanh hưởng hệ số lương 4.98. Sau 3 năm (năm 2020) được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung bằng 5%, năm 2021 đến năm 2022 mỗi năm được hưởng thêm 1%. Hiện tại, thầy giáo Thanh đang được hưởng mức lương 4.98 và được cộng thêm 7%.

Nếu xếp lương mới theo chùm Thông tư 01-04 (có hiệu lực từ 3/2021) thì tại thời điểm này, lương thầy giáo Thanh (giáo viên trung học hạng II) sẽ ở hệ số 5.70 và chỉ sang năm 2023 hệ số lương của thầy đã được tăng lên hệ số 6.04 (theo chu kỳ 3 năm tăng một lần).

Chỉ là một ví dụ để chúng ta hình dung ra được, sự chậm trễ trong việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04 sẽ dẫn đến sự thiệt thòi cho nhiều giáo viên đến thế nào.

Mong chùm Thông tư sửa đổi gỡ được thắc mắc trong việc chuyển xếp hạng giáo viên

Có thể nói, vấn đề thắc mắc, gây tranh cãi lớn nhất hiện nay khi các địa phương thực hiện việc chuyển xếp hạng giáo viên theo chùm các Thông tư 01-04 vẫn là việc giữ hạng hay xuống hạng của những thầy cô giáo đang giữ chức danh hạng II được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).

Một số địa phương khi thực hiện chuyển xếp hạng theo chùm các Thông tư 01-04 vẫn giữ nguyên hạng chức danh mà giáo viên trước đó đã bổ nhiệm. Ví như giáo viên hạng II (cũ) hội đủ điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ quy định sẽ được chuyển xếp sang giáo viên hạng II (mới). Những thầy cô giáo hạng II (cũ) mà thiếu một trong các quy định sẽ được xếp xuống hạng III.

Một số địa phương khác lại căn cứ vào thời gian bổ nhiệm hạng chức danh. Nếu giáo viên nào ở hạng II (cũ) nhưng chưa đủ 9 năm giữ hạng (mặc dù có đầy đủ điều kiện) vẫn phải xếp xuống hạng III (mới).

Điều này đã gây tranh cãi khá nhiều ở các địa phương và trong các cơ sở giáo dục. Cũng đã có một số giáo viên gửi đơn thư trực tiếp lên Bộ Giáo dục và được trả lời “…không phải là thi hoặc xét thăng hạng mà là bổ nhiệm lại hạng chức danh nghề nghiệp từ quy định cũ (Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV) sang hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng theo quy định mới (Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT) nên không cần phải xét tiêu chuẩn về thời gian giữ hạng”.[1]

Tuy nhiên, đây được xem như là trả lời cá nhân không phải là hướng dẫn chung cho các địa phương nên gần như không được lấy làm căn cứ.

Từ thực tế trên, người viết cũng như nhiều đồng nghiệp của mình rất mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01-04 để các địa phương sớm thực hiện việc chuyển xếp hạng nhà giáo một cách thống nhất, tránh mỗi nơi làm một khác gây thắc mắc, thiệt thòi cho các thầy cô như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://chinhsachonline.chinhphu.vn/khong-xet-thoi-gian-giu-hang-khi-bo-nhiem-lai-chuc-danh-nghe-nghiep-23959.htm

Đỗ Quyên