Gần 2 năm chùm Thông tư số 01-04/2021 có hiệu lực nhưng vẫn giậm chân tại chỗ

27/12/2022 06:44
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lương, hạng giáo viên vẫn như cũ nhưng giáo viên, nhà trường tốn tiền học chứng chỉ; tốn thời gian họp bàn, đề nghị xếp hạng, xếp lương mới.

Gần 2 năm về trước, ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT về việc quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập và chùm Thông tư này có hiệu lực vào ngày 20/3/2021.

Trước những ý kiến trái chiều về chùm thông tư này, ngày 20/5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo lần 2 Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT để lấy ý kiến cho dự thảo đến hết ngày 20/7/2022.

Sáng 8/8/2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức Phiên giải trình “Việc thực hiện quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm viên chức quản lý và việc quản lý viên chức theo mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp” và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có những giải trình.

Như thông tin được các cơ quan báo chí đăng tải, dự kiến trong tháng 11, Thông tư sửa đổi chùm Thông tư 01- 04 sẽ được ban hành. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giáo viên cả nước vẫn chưa có thông tin về việc ban hành.

Ảnh minh họa: P.L.

Ảnh minh họa: P.L.

Chùm Thông tư số 01- 04/2021/TT-BGDĐT là tâm điểm của báo chí trong một thời gian dài

Ngày 2/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã tạo ra một “sự kiện nóng” lúc bấy giờ đối với đội ngũ nhà giáo vì chùm thông tư này đã tác động gần như tất cả đến đội ngũ giáo viên của 4 cấp học- từ mầm non đến trung học phổ thông.

Theo hướng dẫn của chùm thông tư, giáo viên sẽ được xếp hạng, xếp lương ở nhiều hạng, nhiều hệ số khác nhau. Nhiều yêu cầu khắt khe được Bộ quy định khi chuyển từ hạng thấp sang hạng cao mới.

Trong khi, đa phần giáo viên hiện nay đang ở hạng II sẽ phải xuống hạng III vì thiếu chứng chỉ, bằng cấp; thiếu minh chứng về tham gia các cuộc thi, tham gia làm giám khảo các cuộc thi, hội thi; thiếu thành tích thi đua…

Đặc biệt, theo hướng dẫn của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp với hạng tương ứng của mình. Vậy nên, nhiều giáo viên đã có chứng chỉ này rồi lại tiếp tục phải đăng ký đi học thêm một chứng chỉ khác để tương ứng với hạng của mình.

Trong bối cảnh năm 2021, dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi, nhiều trường đại học không thể lớp bồi dưỡng trực tiếp được nên họ đã nhanh chóng mở các lớp bồi dưỡng online và mở rộng đến nhiều địa phương khác nhau.

Những lớp chiêu sinh về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được các trường đại học gửi về các địa phương.

Vì thế, Sở chuyển tiếp về Phòng, Phòng chuyển tiếp về trường và Ban giám hiệu nhiều trường học đưa nội dung học chứng chỉ vào các cuộc họp hội đồng sư phạm và yêu cầu, động viên giáo viên trong trường tham gia lớp bồi dưỡng.

Trường nhiều giáo viên thì mở lớp tại trường, trường ít một số trường lân cận gom lại thành một lớp học chứng chỉ. Mỗi chứng chỉ dao động từ 2- 2,5 triệu đồng được và gần như giáo viên cả nước đều đã tham gia học chứng chỉ này.

Tự nhiên, nhiều trường sư phạm có thêm việc làm và tạo ra một nguồn thu cực lớn.

Lúc đó, tâm lý nhiều thầy cô cả nước hoang mang sợ phải xuống hạng, thậm chí một số hiệu trưởng cũng lo lắng vì không đủ chuẩn trình độ theo Luật giáo dục năm 2019 bởi một số hiệu trưởng tiểu học chỉ có trình độ chuyên môn là cao đẳng sư phạm và bằng đại học quản lý giáo dục.

Vì vậy, gần như ngày nào Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng nhận được thư của giáo viên từ mọi miền đất nước gửi đến để hỏi về việc xếp hạng, xếp lương theo hướng dẫn của chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT.

Dưới cơ sở thì được hướng dẫn của Sở, Phòng Nội vụ và Giáo dục nên các trường rục rịch họp, bàn, dự kiến xếp hạng, xếp lương cho giáo viên.

Mỗi giáo viên phải photo hàng chục loại giấy tờ để minh chứng. Biên bản, bản đề nghị của nhà trường được lập, gửi đi rồi mọi thứ cứ… chìm nghỉm theo thời gian. Bây giờ, năm 2022 đã hết - gần 2 năm chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực nhưng mọi thứ dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Lương, hạng giáo viên vẫn như cũ, chẳng có gì thay đổi nhưng giáo viên, nhà trường tốn không biết bao nhiêu tiền để học chứng chỉ; tốn thời gian họp bàn, đề nghị xếp hạng, xếp lương mới cho giáo viên…

Chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT- dù đã có hiệu lực từ 20/3/2021 nhưng đến bây giờ gần như vẫn bất động ở nhiều nơi, chưa có tác dụng cụ thể nào cho đội ngũ giáo viên từ mầm non đến trung học phổ thông trên cả nước.

Hạng, lương của giáo viên vẫn chưa có gì thay đổi

Ngay sau khi Bộ ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, nhiều tờ báo đã đề cập đến việc xếp hạng mới, hệ số lương mới của giáo viên và tính ra mức tiền với những con số cao ngất ngưởng.

Lúc đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết "Năm 2021 tiền lương, phụ cấp thâm niên giáo viên chưa có gì thay đổi" vào ngày 5/3/2021. Và, thực tế đến bây giờ đã hết năm 2022 cũng chưa thay đổi, phải đợi đến ngày 01/7/2023 thì lương cơ sở sẽ tăng từ 1.490.000 lên 1.800.000 đồng.

Riêng, việc xếp hạng, xếp lương theo chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT, không biết đến bao giờ mới thực sự có hiệu lực bởi chúng ta đều biết, một mình ngành Giáo dục không thể quyết định được việc nâng lương của giáo viên.

Nhìn lại việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/2/2021, nhiều giáo viên dưới cơ sở không tránh khỏi những băn khoăn.

Bởi lẽ, khi chùm thông tư này được ban hành thì đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã có quá nhiều những ý kiến không đồng tình.

Việc đưa ra những tiêu chí đối với hạng giáo viên không phù hợp với thực tế giáo dục nước nhà vì nếu cứ căn cứ theo hướng dẫn thì những giáo viên dạy lớp đơn thuần không kiêm nhiệm chức vụ hiếm có người được xếp ở hạng II chứ chưa nói là hạng I vì nhiều tiêu chí không dành cho giáo viên đứng lớp.

Thậm chí nhiều tổ trưởng chuyên môn cũng không đủ điều kiện để xếp hạng II. Giáo viên chạy đôn chạy đáo đi học chứng chỉ, tốn kém và lãng phí.

Bộ đã mấy lần ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu. Dưới cơ sở đã xếp hạng, xếp lương và gửi lên cấp trên thì Bộ lại tiến hành xây dựng Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT và sau khi kết thúc lấy ý kiến dư luận vào ngày ngày 20/7/2022 đến nay cũng chưa ban hành chính thức.

Rõ ràng, Thông tư số 01-04/2021/TT-BGDĐT đã gây nên những lãng phí rất lớn cho đội ngũ nhà giáo dưới cơ sở, có chăng chỉ một số trường sư phạm và một số cá nhân được lợi mà thôi. Nhưng, phía sau đó là rất nhiều băn khoăn, tâm tư, và cả tiếc nuối về tiền bạc, thời gian của đội ngũ nhà giáo bởi sau một thời gian ồn ào nhưng rồi mọi thứ cũng chẳng đi đến đâu.

THANH AN