Vào tuần đầu tháng 12/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố: Dự thảo thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, lấy ý kiến trước khi ban hành để triển khai sách giáo khoa cho chương trình mới từ năm học 2020-2021.
Các góp ý về bộ sách giáo khoa mới sẽ được gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo đến hết ngày 30/1/2020.
Liên kết hay “mafia Giáo dục?” |
Như vậy phải đến đầu tháng 2/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chính thức công bố thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa.
Điều này đồng nghĩa các cơ sở lựa chọn sách giáo khoa chỉ giới hạn trong một tháng (3/2020).
Trước thông tin này, nhiều giáo viên cho rằng: Thời gian dành cho các cơ sở thẩm định các bộ sách giáo khoa là quá gấp gáp. Bên cạnh đó nhiều giáo viên cũng mong muốn được dạy thử trước khi lựa chọn sách giáo khoa.
Cô giáo Vũ Phương Huyền, giáo viên Nam Định bày tỏ: “Nếu theo đúng thông tư hướng dẫn của Bộ thì các trường chỉ có đúng 1 tháng để thẩm định và chọn sách giáo khoa lớp 1. Như thế có quá gấp gáp không vì hiện nay hầu hết các trường đểu dạy 5 ngày/ tuần.
Vậy thời gian đâu để giáo viên đi tập huấn và đọc sách. Trong khi số lượng sách là 5 bộ với 32 cuốn.
Tôi cho rằng trong 1 tháng rất khó để giáo viên cũng như nhà trường có thể chọn được những cuốn sách vừa chất lượng lại phù hợp với phong cách giảng dạy của mình”.
Giáo viên mong muốn được dạy thử, học thử trước khi chọn sách giáo khoa (Ảnh:P.T) |
Cũng theo cô Huyền: Nên cho giáo viên dạy thực nghiệm rồi từ đó mới có thể chọn lựa những bộ sách ưng ý.
Cô Huyền nói: “Việc lựa chọn sách chỉ đọc sách thôi là không đủ. Để có thể chọn được một bộ sách phù hợp với học sinh, giáo viên cần có những tiết dạy thực nghiệm.
Thông qua những tiết dạy như vậy chúng tôi mới có thể tiên lượng được lượng kiến thức có trong sách, cách giảng dạy và tiếp nhận của người học”.
Đồng quan điểm với cô giáo Huyền, thầy Nguyễn Minh Tuyền, giáo viên Hà Nội cho rằng: Cách lựa chọn sách giáo khoa tốt nhất là cho học thử, dạy thử.
Thầy Tuyền nói: “Để có thể lựa chọn được những bộ sách giáo khoa phù hợp các trường phải được tiếp cận sớm với nội dung từng bản của mẫu sách. Thậm chí giáo viên và học sinh phải được học thử, dạy thử và cùng bàn luận về tính ưu việt, hạn chế của từng bộ sách.
Có như thế thì việc lựa chọn sách mới được đảm bảo. Còn nếu chỉ thông qua đọc sách, cưỡi ngựa xem hoa thì rất khó. Vì khi đưa sách vào giảng dạy mới bộc lộ hết được những ưu và nhược điểm của từng bộ sách”.
Việc chọn sách giáo khoa không thể chỉ dựa trên cơ sở đọc - hiểu (Ảnh minh họa: Báo Sài Gòn Giải phóng) |
Tuy nhiên việc dạy thử, học thử cũng cần phải có thời gian. Do đó giáo viên có quyền lo lắng với hạn định 1 tháng cho các trường lựa chọn sách.
Theo thầy Tuyền: Một bộ sách hay, dở trước tiên ảnh hưởng đến nhà trường, giáo viên và học sinh.
Thầy Tuyền nói: “Không dễ gì có thể thay đổi giáo án, phương pháp giảng dạy trong vòng 1 sớm 1 chiều. Từ thực tiễn chúng tôi thấy rằng những kinh nghiệm giảng dạy của mình được hình thành qua quá trình công tác.
Đã nhận tiền của nhau thì làm sao còn khách quan khi chọn sách giáo khoa |
Nhiều cuốn sách chúng tôi phải dạy cả chục năm mới có hiểu được những cái hay nhất của cuốn sách đấy.
Cho nên thời gian 1 tháng cho việc lựa chọn sách chúng tôi cho rằng hơi ngắn.
Bên cạnh đó việc áp dụng các bộ sách giáo khoa mới bước đầu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh vì chúng tôi phải thích ứng những cái mới và dạy lại từ đầu. Hy vọng những thay đổi này sẽ không lớn và học sinh có thể sớm thích ứng được”.
Về quan điểm “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nhiều giáo viên và các chuyên gia ủng hộ quan điểm này.
Thầy Trần Văn Minh, giáo viên tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Việc dạy một chương trình nhiều sách giáo khoa mang đến sự đa dạng cho thị trường này.
Bên cạnh đó học sinh cũng có thêm quyền được lựa chọn thay vì chỉ có 1 bộ sách giáo khoa duy nhất như trước. Cùng với đó chủ trương này sẽ giúp hạn chế tình trạng độc quyền sách giáo khoa hàng chục năm nay”.
Việc giáo viên sớm tiếp cận sách giáo khoa mới sẽ có lợi cho cả cô và trò (Ảnh:P.T) |
Còn theo Phó giáo sư Phan Kế Hào: Nếu chỉ có duy nhất một bộ sách giáo khoa sẽ nảy sinh nhiều vấn đề và bất cập
Phó giáo sư Phan Kế Hào nói: “Nền giáo dục hiện nay cần chú trọng đến tính toàn diện. Để toàn diện thì không thể nào chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất.
Thực tế cũng đã chứng minh rằng: Bất cứ khi nào có một bộ sách giáo khoa duy nhất sẽ nảy sinh nhiều vấn đề.
Trước đây Việt Nam ta cũng có 4 bộ sách giáo khoa được đưa vào giảng dạy. 4 bộ sách này sẽ phù hợp với từng đối tượng khác nhau.
Cả 4 bộ sách trên đều có những điểm riêng biệt và hướng đến các nhóm đối tượng khác nhau nhưng có điểm chung là được chọn lọc tự nhiên và xuất phát từ nhu cầu cuộc sống”.
Bên cạnh các ý kiến nêu trên, nhiều người cho rằng: Việc lựa chọn sách giáo khoa phải có cả sự tham gia của phụ huynh, học sinh – là những đối tượng trực tiếp hưởng thụ dịch vụ giáo dục.
Đồng thời nhiều ý kiến cũng nhất trí rằng: Giao hạn 1 tháng để các cơ sở chọn sách giáo khoa là quá gấp gáp.