Giáo viên thi rớt thăng hạng, trách ai bây giờ?

01/01/2020 07:54
Ánh Dương
(GDVN) - Giáo viên thi thăng hạng đều có chứng chỉ Anh văn và Tin học nhưng vẫn không làm được bài là hệ lụy của việc đào tạo tràn lan thiếu chất lượng.

Ngày 30/12/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Vừa bước ra khỏi phòng thi thăng hạng nhiều giáo viên Kiên Giang bật khóc nức nở”.

Nội dung bài báo cho biết, nhiều giáo viên ở tỉnh Kiên Giang không vượt qua nổi 50 điểm cho các môn thi Anh văn và Tin học.

Cùng với đó, giáo viên cho rằng, giảng viên ôn tập và bán tài liệu nhưng không trúng một câu nào. Và cho dù giáo viên thức trắng đêm, học quên ăn nhưng “xôi hỏng bỏng không”.

Tại sao giáo viên đều có chứng chỉ Anh văn và Tin học nhưng vẫn không làm được bài?

Trước hết, cần bàn về trình độ Tin học của giáo viên các cấp hiện nay.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, giáo viên sinh từ năm 1985 trở về sau này, trình độ tin học của thầy cô nhìn chung khá tốt. Bên cạnh đó, những giáo viên giảng dạy bộ môn tự nhiên, thầy cô cũng rành về công nghệ thông tin.

Tuy nhiên, với giáo viên trên 40 tuổi và giáo viên dạy các môn xã hội, trình độ Tin học của thầy cô còn rất nhiều hạn chế (kể cả thầy cô giảng dạy ở thành phố).

Giáo viên làm bài thi thăng hạng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: binhlieu.quangninh.gov.vn).
Giáo viên làm bài thi thăng hạng. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: binhlieu.quangninh.gov.vn).

Đợt kiểm tra học kì 1 vừa qua, chúng tôi biên tập 12 đề kiểm tra Ngữ văn (của 12 giáo viên) để chọn lấy 3 đề kiểm tra chính thức và 3 đề dự trữ.

Thú thực, nhận tài liệu giáo viên gửi qua thư điện tử, chúng tôi hoa mắt, nhức đầu bởi trình độ Tin học của thầy cô còn quá nhiều khiếm khuyết.

Đó mới chỉ là phần mềm soạn thảo văn bản (Word), còn đụng đến phần mềm bảng tính (Excel), chúng tôi e rằng, nhiều thầy cô còn mù mờ hơn.

Vào đầu năm học này, qua thống kê văn bằng chứng chỉ của tổ viên, chúng tôi ghi nhận tất cả thầy cô đều có chứng chỉ Anh văn và Tin học.

Đa phần những chứng chỉ này đều được những trường đại học có tiếng cấp hẳn hoi, như Trường Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh…

Thế nhưng, để ra một đề một đề kiểm tra, sử dụng những ứng dụng cơ bản của phần Word, thầy cô gặp nhiều trở ngại như thế.

Tiếp theo, trình độ tiếng Anh của giáo viên hiện nay cũng là chuyện rất đáng bàn.

Thăng hạng giáo viên cần gì đến chứng chỉ ngoại ngữ và tin học?
Thăng hạng giáo viên cần gì đến chứng chỉ ngoại ngữ và tin học?

Ngoài giáo viên giảng dạy tiếng Anh ra, số giáo viên còn lại được bao nhiêu thầy có khả năng làm bài điểm trên trung bình? Chúng tôi dám khẳng định con số này rất ít.

Chúng tôi có một đồng nghiệp là thạc sĩ mới chỉ ngoài 30 tuổi, giảng dạy môn khoa học tự nhiên ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì muốn học nghiên cứu sinh, thầy đã tốt nghiệp văn bằng 2 tiếng Anh để được miễn đầu vào và đầu ra ngoại ngữ (theo quy chế cũ).

Một lần đơn vị đi du lịch sang Malaysia, chứng kiến thầy sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với người bản ngữ, chúng tôi cười ra nước mắt.

Sự việc là, để ủi (là) cái áo cho phẳng, thầy ghé quầy lễ tân nói với nữ nhân viên đầy to rõ (có lẽ thầy quá tự tin với vốn ngoại ngữ): “Would you like the iron” (nói đúng phải là: “Lend me an iron”), khiến cô lễ tân mắt tròn mắt dẹt, đoán già đoán non vì không hiểu vị khách kia nói gì.

Cấu trúc “would you like” có 2 cách sử dụng chính, dùng để mời ai đó/đưa ra một lời đề nghị hoặc dùng để hỏi ước muốn, mong muốn của người khác một cách lịch sự.

Thế mà một cử nhân tiếng Anh cũng cũng không sử dụng được thì trách gì thầy cô không phải là dân ngoại ngữ.

Trở lại với chuyện thăng hạng giáo viên, xét tuyển hay thi tuyển?

Ở nội dung 4 của Điều 4 Thông tư 28/2017/TT-BGDĐT quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập như sau:

Việc sát hạch được thực hiện thông qua các hình thức làm bài khảo sát hoặc phỏng vấn.

Bài khảo sát được thực hiện thông qua làm bài viết hoặc trắc nghiệm; thời lượng làm bài khảo sát không quá 45 phút; nội dung khảo sát liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp (theo từng hạng chức danh của mỗi cấp học);

Phỏng vấn: Việc phỏng vấn được thực hiện trực tiếp đối với từng người; thời lượng phỏng vấn 01 (một) người không quá 15 (mười lăm) phút; nội dung phỏng vấn liên quan đến nhiệm vụ của nhà giáo quy định tại tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở mỗi cấp học. [1]

Như vậy, giáo viên thăng hạng chức danh nghề nghiệp được thực hiện thông qua các hình thức làm bài khảo sát hoặc phỏng vấn, tùy theo từng Sở Giáo dục và Đào tạo lựa chọn.

Vậy giáo viên rớt thăng hạng, vì đâu?

Theo chúng tôi, đó là hệ lụy của việc các cơ sở đào tạo Anh văn, Tin học tràn lan và giáo viên học không đến nơi đến chốn, cốt chỉ lấy cho được các loại chứng chỉ mà thôi.

Tài liệu tham khảo:

[1] //thuvienphapluat.vn/van-ban/lao-dong-tien-luong/Thong-tu-28-2017-TT-BGDDT-thi-thang-hang-chuc-danh-giao-vien-mam-non-pho-thong-cong-lap-346013.aspx

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thay-co-can-biet-ve-thang-hang-chuc-danh-nghe-nghiep-cac-cap-post204204.gd

Ánh Dương