Giáo viên và cái vòng luẩn quẩn vị trí việc làm - bằng cấp chứng chỉ

26/06/2020 05:49
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu cứ mãi chạy theo bằng cấp, chứng chỉ thì sẽ tạo ra những người thầy “dán nhãn” hữu danh vô thực.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo lần 2 thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non; tiểu học; trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập nhận được nhiều quan tâm của giáo viên và dư luận.

Theo đó, đối với giáo viên các cấp phải đảm bảo về trình độ đào tạo, bồi dưỡng như có bằng cấp đúng chuyên ngành; có trình độ ngoại ngữ, tin học theo quy định và có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Chẳng hạn như, giáo viên mầm non phải có bằng cử nhân chuyên ngành giáo dục mầm non hoặc bằng tốt nghiệp đại học sư phạm mầm non trở lên;

Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và trình độ tương đương trở lên theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I (hoặc chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II theo Thông tư liên tịch số 20).

Nhìn vào nội dung của dự thảo này, bất cứ ai cũng có thể nhận thấy, giáo viên sẽ được trả tiền lương theo bằng cấp kèm theo những chứng chỉ bắt buộc.

Nói một cách khách quan, cùng với sự phát triển của xã hội, nhất là thời Công nghiệp 4.0 - tập trung vào công nghệ kỹ thuật số, thì phẩm chất, năng lực của người thầy cũng phải thay đổi, và được thể hiện qua các bằng cấp chứng chỉ.

Như thế, việc dạy học mới có thể tạo ra những đột phá nhằm đưa nền giáo dục của chúng ta tiệm cận và dần ngang bằng với các nước phát triển ở trên thế giới.

Thế nhưng, cách đào tạo của các trường đại học, cao đẳng ở đất nước ta hiện nay còn quá nhiều bất cập, cộng với những quy định thiếu thực tế về chuẩn bằng cấp, chứng chỉ của ngành giáo dục khiến giáo viên phải bơ phờ học đối phó cốt sao cho đạt chuẩn.

Giáo viên và cái vòng luẩn quẩn vị trí việc làm - bằng cấp chứng chỉ ảnh 1Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo lần 2 thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non; tiểu học; trung học cơ sở và trung học phổ thông công lập.(Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lã Tiến)

Thứ nhất, giáo viên mầm non, tiểu học có nhất thiết phải có bằng đại học hay không? Cá nhân người viết cho rằng, hai bậc học này chỉ cần bằng cao đẳng sư phạm (hoặc tương đương) là đạt yêu cầu.

Chỉ cần người thầy có những phẩm chất như yêu nghề, mến trẻ, nhẫn nại, cảm thông, có tinh thần trách nhiệm, khả năng truyền đạt tốt và xử lí tình huống sư phạm linh hoạt.

Nếu buộc giáo viên phải có bằng đại học, dĩ nhiên sẽ có nhiều thầy cô chưa đạt chuẩn, phải đi học nâng bằng với các loại hình đào tạo như vừa học vừa làm, học từ xa.

Từ lâu, những cách thức đào tạo như thế này đã gây nên lời ong tiếng ve trong dư luận bởi việc dạy và học thiếu nghiêm túc, có khi chiếu lệ, dẫn đến đầu ra không đảm bảo.

Cơ sở đào tạo chỉ chăm chăm thu học phí, cần có nhiều học viên, thậm chí càng nhiều càng tốt; còn mục đích cuối cùng của người học là có được tấm bằng đề làm “bùa hộ mệnh”.

Năm 2018, một sinh viên (là cựu học sinh) của chúng tôi theo học hệ vừa học vừa làm ngành Giáo dục tiểu học của một trường đại học sư phạm ở phía Nam nhắn tin nhờ giải đề thi hết học phần môn Tiếng Việt.

Em nói rằng, lớp học có 71 bạn nhưng thi đợt 1 rớt hơn hai phần ba, đợt 2 em phải thi lại nhưng đọc đề không làm được.

Tôi giật mình hỏi, giờ thi sao em có thể nhắn tin hỏi bài, thì được em trả lời là giám thị đang xem điện thoại…

Thứ hai, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chức danh nghề nghiệp giáo viên sử dụng để làm gì?

Ở trường đại học, cao đẳng, thế hệ sinh khoảng năm 1980 về sau này đa số đều được học các học phần về ngoại ngữ, tin học bắt buộc.

Tuy nhiên, để đủ điều kiện tuyển dụng viên chức giáo viên thì ứng viên buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Hóa ra, cơ quan tuyển dụng không tin tưởng những đơn vị kiến thức ngoại ngữ, tin học (ở mức độ cơ bản) mà sinh viên đã được đào tạo ở nhà trường nên mới yêu cầu có thêm chứng chỉ?

Chúng tôi khẳng định rằng, ngoại trừ giáo viên tiếng Anh, còn lại nếu thi cử nghiêm túc, không được bao nhiêu người đỗ để được cấp chứng chỉ!

Hơn nữa, trong quá trình giảng dạy, giáo viên có vận dụng kiến thức tiếng Anh vào bài học không? Vận dụng thế nào? Hiệu quả ra sao?... Là những câu hỏi lớn không lời đáp!

Nhiều giáo viên có học vị thạc sĩ, có chỉ Anh văn đầu ra B1 theo khung tham chiếu châu Âu (nghe rất hoành tráng) nhưng đọc nửa trang giấy cũng không thủng – là một thực tế đáng báo động và đáng buồn hiện nay.

Về kiến thức tin học, đành rằng rất hữu ích với giáo viên trong việc soạn giáo án điện tử, soạn thảo văn bản, xử lí thông tin…nhưng hãy để cho thầy cô tự học, tự bổ túc những kiến thức còn khiếm khuyết, chứ không thể ép học một chương trình như nhau để cấp bằng theo kiểu dán nhãn.

Thứ ba, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thực chất là một thứ “giấy phép con” – điều kiện bắt buộc cho giáo viên thăng hạng và giữ hạng, cũng khiến thầy cô phải khổ sở vô cùng.

Để học thăng hạng chức danh nghề nghiệp, giáo viên phải đóng một khoản tiền khoảng 3 triệu với thời gian học tầm 3 tháng.

Điều đáng nói là, ngoài việc tốn thời gian, công sức, tiền bạc thì những nội dung được học đa phần cũ kĩ, chồng chéo, lí thuyết suông khó lòng giúp giáo viên nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Chưa kể, để được thăng hạng nhiều tỉnh thành tổ chức thi ngoại ngữ, tin học, chuyên môn – cũng là một vòng luẩn quẩn liên quan đến ngoại ngữ, tin học.

Ngoài ra, muốn tham dự thăng hạng thì bắt buộc giáo viên phải có vị trí việc làm ở nhà trường, phải được hiệu trưởng cử đi thi.

Và vấn đề nảy sinh là, nếu giáo viên thi rớt thăng hạng thì hiệu trưởng có cắt vị trí việc làm hay không?

Nếu hiệu trưởng vẫn quy hoạch vị trí việc làm cho giáo viên rớt thăng hạng thì còn ai tưởng vào những chức vụ cốt cán ở trường học?

Nhìn chung, ngành giáo dục cứ mãi loay hoay chạy theo bằng cấp, chứng chỉ thì sẽ tạo ra những người thầy “dán nhãn” hữu danh vô thực.

Không trả lương cho giáo viên theo khối lượng, chất lượng và hiệu quả công việc, thì cái vòng luẩn quẩn bằng cấp, chứng chỉ bao giờ mới có lối ra?

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tra-luong-theo-bang-cap-hay-theo-vi-tri-viec-lam-post210302.gd?fbclid=IwAR2mVQAF0SpaCMhLCX2BHScPS7Kl80tiypIJrX3Hw1QhERMuiBHU5921SV4

Thạc sĩ Phan Thế Hoài