Ngày 16/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố Dự thảo Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương giáo viên Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập trên Cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý.
Giáo dục Việt Nam đã đăng bài “Bộ sửa thông tư, xin đừng cột chặt thầy cô vào các loại bằng cấp” của tác giả Lê Mai và thu hút nhiều sự quan tâm của bạn đọc.
Rất nhiều ý kiến đồng tình với đề xuất sửa đổi thông tư của tác giả.
Trả lương theo bằng cấp hay theo vị trí việc làm?
Người viết đã phỏng vấn nhiều nhà giáo, có người mới công tác trong ngành, có người đã công tác hơn 20 năm và có cả nhà giáo chuẩn bị về hưu.
Tất cả đều có câu trả lời chung nhất: Dự thảo toát lên một điều là trả lương theo bằng cấp chứ không phải theo vị trí việc làm.
Giáo viên được trả lương theo bằng cấp hay theo vị trí việc làm? (Ảnh minh họa: Báo Bình Dương) |
Cô giáo trẻ mới ra trường đang hưởng lương bậc 1, giáo viên Trung học cơ sở hạng III, có bằng Đại học Sư phạm chính quy chia sẻ:
“Nói thật lòng, em đi dự giờ của những thầy cô dạy 20 năm rồi, dù thầy cô chỉ Cử nhân Cao đẳng nhưng chất lượng chuyên môn tiết dạy chúng em sao mà sánh được; nay thấy dự thảo xếp thầy cô vào giáo viên hạng IV, em thấy xấu hổ cho bản thân mình thật.
Nếu xếp lương như dự thảo, thật ra đang trả lương theo bằng cấp chứ không phải theo vị trí việc làm”.
Chất lượng giáo dục có phụ thuộc vào bằng cấp không?
Một thực trạng ở nước ta đó là loạn bằng cấp, chứng chỉ; kể cả bằng danh giá như Tiến sĩ, Thạc sĩ cũng cũng được đào tạo từ những “lò ấp”.
Bạn chỉ cần gõ vào Google cụm từ “lò ấp tiến sĩ” có ngay 4.480 kết quả trong vòng 0.34 giây; bạn biết ngay giá trị thực bằng cấp nước ta.
Mới đây thôi, thành phố Hà Nội đã yêu cầu giáo viên Anh văn đã đạt đã đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc Việt Nam rà soát theo chuẩn quốc tế IELTS, kết quả rà soát được lấy để phân lớp đào tạo.
Thực tế dạy học người viết thấy những giáo viên Cử nhân Cao đẳng, đã học từ xa, tại chức để lấy bằng Đại học, chất lượng giảng dạy không khác trước khi chưa đi học.
Bạn có tên THIÊN GÒM bình luận: “Bộ có thấy có nghe giáo viên có bằng B Anh văn , bằng Tin học nâng cao mà không biết viết một câu tiếng Anh, không biết chỉnh sửa một văn bản không?
Vậy qui định bằng để chúng tôi đi mua bằng sao? Học 1 tuần 1 ngày sáng 8 giờ 10 giờ nghỉ, buổi chiều thi, học 8 ngày có bằng kể cả nghỉ 3, 4 tuần (ba, bốn ngày) đăng ký đóng tiền học cũng được cũng có bằng.
Phải chăng bằng nầy mua bằng tiền thật là bằng thật. Nếu đúng thì Bộ ra văn bản gởi lên báo cho chúng tôi đi học với”[1].
Bạn LÊ HOÀNG HUY chia sẻ “Tôi là giáo viên cao đẳng sư phạm dạy toán 15 năm, có 13 năm là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, huyện, 2 lần Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, vì thấy học đại học từ xa quá vô ích, chả khác gì mua bán bằng nên phản đối ko học, đang là giáo viên cốt cán cấp tỉnh. Đọc thông tin nhà báo đưa thật chua chát cho cái sự đời. Cảm ơn nhà báo”[1].
Chất lượng giáo dục phụ thuộc vào bằng cấp thực sự của giáo viên chứ không phải bằng cấp do học đại, học để hợp thức hóa, học để đối phó.
Việc nâng cao bằng cấp với giáo viên là cần thiết khi và chỉ khi kiểm soát được chất lượng đào tạo đại học; với thực tế hiện nay, đào tạo đại học đang thả nổi về chất lượng, đặc biệt là hình thức không tập trung của ngành Sư phạm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tìm hiểu thực tế để đưa ra chính sách cho phù hợp, động viên được đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn bằng cấp theo luật mới nhưng có thực lực, có cống hiến.
Giữ nguyên xếp hạng III cho đối tượng giáo viên được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở hoặc bằng khen, giấy khen từ cấp huyện trở lên, hoặc được công nhận đạt một trong các danh hiệu: giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên tổng phụ trách đội giỏi từ cấp trường trở lên dù chưa đạt chuẩn bằng cấp.
Hệ lụy của xét tuyển theo bằng cấp đã sản sinh ra một nền giáo dục học để thi, chạy đua bằng cấp; có đủ bằng cấp làm bùa hộ mệnh rồi là không cần vận động, cứ trung bình chủ nghĩa mà tồn tại.
Nay giáo dục đã và đang đổi mới hướng đến đánh giá học sinh hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Ngành giáo dục hãy làm gương đánh giá giáo viên hướng phát triển phẩm chất, năng lực; trả lương cho giáo viên theo vị trí việc làm và phẩm chất năng lực của họ mới tạo động lực cho giáo viên cống hiến.
Điều 7. Vị trí việc làm
1. Vị trí việc làm là công việc hoặc nhiệm vụ gắn với chức danh nghề nghiệp hoặc chức vụ quản lý tương ứng, là căn cứ xác định số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Chính phủ quy định nguyên tắc, phương pháp xác định vị trí việc làm, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định số lượng vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Điểm đ), Khoản 1, Điều 22. Điều kiện đăng ký dự tuyển (viên chức): Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề hoặc có năng khiếu kỹ năng phù hợp với vị trí việc làm;
Trích Luật Viên chức (luật số 58/2010/QH12)
Tài liệu tham khảo: