Giáo viên vẫn bơ phờ soạn giáo án theo mẫu mới vì "Thư công tác 4 không"

25/05/2021 06:48
Bài, ảnh: Ánh Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong Bộ Giáo dục nên chủ động công khai quan điểm về loại hình “Thư công tác 4 không” được cho là của Vụ Giáo dục trung học này.

Ngày 27/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 theo hướng giảm tải một số nội dung dạy học của chương trình hiện hành [1].

Sau khi có văn bản này, giáo viên phải soạn lại giáo án (còn gọi là "kế hoạch bài dạy").

Gần 4 tháng sau đó, ngày 18/12/2020, Bộ Giáo dục ban hành Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, đưa ra mẫu giáo án mới trong phần Phụ lục IV “Khung kế hoạch bài dạy”.

Trong khoảng thời gian 4 tháng nhưng giáo viên phải liên tục soạn giảng theo 2 mẫu giáo án khiến công việc rất áp lực nặng nề. Đặc biệt là hướng dẫn soạn giáo án mới theo Phụ lục IV Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục còn rất nhiều bất cập.

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết của các thầy cô giáo phản ánh, phân tích, có thể kể ra ở đây như: “Mẫu kế hoạch bài dạy 5512 quá dài dòng vô bổ, nhiều thày cô chỉ soạn đối phó” ngày 24/1/2021; “Giáo viên mệt nhoài với giáo án mới và tập huấn các modul” ngày 27/1/2021; “Giáo viên cả nước chung 1 mẫu giáo án, sáng tạo vào đâu?” ngày 27/1/2021.

Giáo án (kế hoạch bài dạy) theo mẫu quy định tại Công văn 5512 đang được rao bán trên mạng xã hội, ảnh: Ánh Dương.

Giáo án (kế hoạch bài dạy) theo mẫu quy định tại Công văn 5512 đang được rao bán trên mạng xã hội, ảnh: Ánh Dương.

Trên các nhóm diễn đàn giáo viên kín hoặc mở, người ta đang công khai chào bán các mẫu giáo án (kế hoạch bài dạy) soạn sẵn theo Công văn 5512 để đáp ứng nhu cầu của đồng nghiệp nhằm đối phó với các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý giáo dục.

Giáo viên phản ánh trên báo chí, Vụ Giáo dục trung học âm thầm gửi "thư công tác 4 không"?

Học kì 2 năm học 2020-2021, người viết nhận được “Thư công tác” được cho là của Vụ Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) từ một số giáo viên đồng nghiệp ở miền Trung và miền Bắc gửi cho.

Theo đó, “Thư công tác” ghi tên Vụ Giáo dục trung học gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo có nội dung như sau:

Thư công tác "4 không" đề ngày 25/01/2021 được cho là của Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn: [2]

Thư công tác "4 không" đề ngày 25/01/2021 được cho là của Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguồn: [2]

Điều lệ trường phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, Điều 20 quy định: hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục đối với giáo viên có Kế hoạch bài dạy (giáo án).

Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH chỉ đạo: Căn cứ vào Kế hoạch dạy học các môn học của tổ chuyên môn, giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng Kế hoạch giáo dục của giáo viên trong năm học (theo Khung kế hoạch giáo dục của giáo viên tại Phụ lục 3); trên cơ sở đó xây dựng các Kế hoạch bài dạy (theo Khung kế hoạch bài dạy tại Phụ lục 4) để tổ chức dạy học.

Với quy định rõ ràng trong Điều lệ trường phổ thông cũng như chỉ đạo nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, giáo viên nào dám làm khác?

Công văn yêu cầu giáo viên soạn giáo án theo mẫu Phụ lục IV, Điều lệ ghi rõ giáo án là "hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục" đối với giáo viên thì sở, phòng, nhà trường khi kiểm tra hồ sơ sổ sách giáo viên, soi giáo án giáo viên soạn có đúng mẫu Phụ lục IV Công văn 5512 là thực hiện đúng chỉ đạo của Bộ, dù có biết nó rất bất cập, vô bổ, nhưng quy định là quy định.

Nếu "tinh thần chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo" không đúng như Công văn 5512 mà chúng tôi trích dẫn phía trên, thì vì sao Vụ Giáo dục trung học không tham mưu cho Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một công văn hướng dẫn đúng quy định (có số hiệu, có chữ ký, có con dấu) để thể hiện chính kiến, mà phải dùng đến "thư công tác 4 không"?

Phải chăng đây là kiểu chỉ đạo nước đôi như bạn đọc "CB quản lý" nhận định: chỉ đạo theo kiểu "nói mà không thừa nhận", nhưng các Sở đều phải làm theo dù biết không có giá trị pháp lý, rất bực mình. Lỡ có chuyện gì thì phủi tay, còn ở dưới không làm thì "đã có thư công tác tại sao không làm". [4]

Theo tìm hiểu của người viết, hiện nay nhiều giáo viên trên cả nước phải oằn mình soạn giáo án mới theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH cho cả học kì, năm học.

Cá biệt, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện một số nhóm giáo viên rao bán giáo án chuyên nghiệp cho chương trình hiện hành và Chương trình giáo dục phổ thông mới theo Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH.

Điều này đi ngược với tinh thần chỉ đạo “học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại trụ sở Chính phủ ngày 6/5/2021 trong cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

"Thư công tác 4 không" có phải là loại văn bản vô tiền khoáng hậu do Vụ Giáo dục trung học sáng tác?

Tìm kiếm bằng từ khóa "thư công tác" trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các sở giáo dục địa phương, người viết không thể tìm được "thư công tác" đề ngày 25/1/2021 này.

Gõ từ khóa trên lên Google, chỉ tìm thấy một văn bản "thư công tác" 4 không (không số hiệu, không chữ ký, không con dấu, không ai chịu trách nhiệm) đề ngày 25/01/2021, ghi tên cơ quan Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trên website 1 trường trung học cơ sở tại Hà Nội [2] có nội dung y chang "thư công tác" một số đồng nghiệp đã chuyển cho người viết và được chụp lại phía trên.

Ngoài ra, còn một "thư công tác 4 không" khác, cũng ghi tên Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ngày 18/01/2021 lưu ý các sở chỉ đạo các trường thực hiện theo đúng hướng dẫn trong Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH, đặc biệt lưu ý giữ nguyên các mẫu sổ điểm và học bạ...trên website Trường Trung học phổ thông Phan Chu Trinh, Đắk Lắk [3].

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Về thể loại văn bản hành chính "4 không" này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài phỏng vấn luật sư Đặng Văn Cường và ông đã có những phân tích cụ thể về các quy định liên quan của pháp luật. [4]

Người viết chỉ băn khoăn, với một hướng dẫn/chỉ đạo bằng văn bản "4 không" như vậy, thì nó có hiệu lực hay không? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho hướng dẫn này?

Rõ ràng, so với 1 văn bản không số, không tên, không dấu thì Công văn 5512 có giá trị bắt buộc thực hiện.

Nếu như việc giáo viên phải ghi hàng trăm, thậm chí hàng ngàn phiếu nhận xét học sinh theo Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT được phản ánh trên truyền thông và Bộ lên tiếng phản hồi trên báo chí, thì với "thư công tác" này có lẽ chỉ có giáo giới được nghe chứ không mấy ai thấy mặt. Vậy công khai, minh bạch ở đâu?

Nhân chuyện công khai minh bạch thông tin, cũng xin được nói thêm, ngay cả Công văn 5512/BGDĐT/GDTrH ngày 18/12/2020 và các phụ lục đi kèm cũng không thể tìm thấy trên Cổng thông tin điện tử của Bộ.

Ảnh chụp màn hình.

Ảnh chụp màn hình.

Người viết chỉ có thể tìm thấy thông tin về văn bản này trong một bản tin trả lời Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Đà Nẵng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ ngày 04/03/2021 [5].

Luật Tiếp cận thông tin Điều 17 quy định, văn bản hành chính có giá trị áp dụng chung phải được công khai rộng rãi; Điều 18 khoản 1 quy định một trong những hình thức công khai thông tin là "đăng tải trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước".

Khoản 4 Điều 18 luật này quy định: Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan; trường hợp pháp luật chưa có quy định thì chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày tạo ra thông tin, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải công khai thông tin.

Tìm kiếm văn bản này trên Google, người viết tìm thấy cả Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ký, cùng các phụ lục kèm theo công văn này (nhưng không thấy đóng dấu treo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên các phụ lục) tại website Trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ, Đắk Lắk. [6]

Một số giáo viên chia sẻ với người viết nói rằng, họ biết được “Thư công tác” đề ngày 25/1/2021 được cho là của Vụ Giáo dục trung học vì văn bản lan truyền trên mạng xã hội Facebook hoặc do giáo viên truyền tay nhau mà có.

Có phải vì “Thư công tác” không số, không chữ kí, con dấu cho nên nhiều Sở Giáo dục trên cả nước không công khai chỉ đạo để giáo viên thực hiện?

Qua bài viết, kính mong Bộ Giáo dục nên chủ động công khai quan điểm về loại hình “Thư công tác 4 không” được cho là của Vụ Giáo dục trung học này để các Sở Giáo dục, Phòng Giáo dục và trường học tiếp cận thông tin một cách tường minh, nhất quán.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=6886

[2]http://thcsphucxa.edu.vn/upload/26826/20210127/2021_0125_Thu_cong_tac_gui_cac_So_GDdT_6debaa067c.pdf

[3[http://c3phanchutrinh.daklak.edu.vn/wp-content/uploads/2021/01/Thu_cong_tac_cua_Vu_GDTrH_19012021161531.pdf

[4] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/vu-giao-duc-trung-hoc-huong-dan-bang-van-ban-khong-so-khong-chu-ky-con-dau-post217910.gd

[5]https://moet.gov.vn/bovoinguoidan/Pages/hoi-dap.aspx?ItemID=8178

[6]http://c3nguyencongtru.daklak.edu.vn/cong-van-5512bgddt-gdtrh-ngay-18122020-cua-bo-giao-duc-va-dao-tao-vv-xay-dung-va-to-chuc-thuc-hien-ke-hoach-giao-duc-cua-nha-truong-kem-theo-cac-phu-luc.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bài, ảnh: Ánh Dương