Cô Đoàn Thị Lý, Giáo viên Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Húc Nghì, Đakrông, Quảng Trị là giáo viên cắm bản được 8 năm nay.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị là “Sinh viên xuất sắc toàn khóa” cô Lý mang trong mình khát khao cháy bỏng được dạy học.
Thế rồi, cơ hội cũng đến khi cô trúng tuyển viên chức về công tác tại Trường Tiểu học và Trung học Cơ sở Húc Nghì.
Đây là ngôi trường nằm cạnh đường Trường Sơn, có 4 điểm trường. Điểm trường xa nhất phải đi bộ gần hai tiếng mới đến nơi.
Trong ký ức của cô Lý, các đây 8 năm, lúc mới nhận nhiệm vụ thì Trường Húc Nghì thô sơ lắm, chỉ có một dãy nhà hai tầng do dự án tài trợ, ngoài ra không có gì hơn.
Cô Đoàn Thị Lý hướng dẫn học sinh tập tiết mục văn nghệ (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Cô Lý nhớ lại: “Hồi mới đến nhận nhiệm vụ, các em cứ chỉ trỏ vào mình, thỉnh thoảng lại rúc vào nhau cười khúc khích làm cho cô càng ái ngại.
Lần đầu tiên xa nhà, lại ở một nơi hẻo lánh, điện không đủ sáng, tôi buồn và sợ lắm không dám ngủ. Nhưng cứ nghĩ những giáo viên khác họ làm được thì mình cũng làm được. Nghỉ vậy nên tôi cũng yên lòng”.
Một ngày học tập, sinh hoạt tại trường bán trú của học sinh vùng cao |
Sau ba ngày ở trường mới, cô Lý lên cơn sốt rét, đến ngày thứ tư thì ngất xỉu trong phòng ngủ các thầy phải đưa trạm xá lúc nữa đêm.
Ngày trước, nước sinh hoạt là thứ khó khăn nhất, chủ yếu lấy từ nguồn nước suối chảy từ trên núi về, hôm nào mưa to, đất đá lấp ống dẫn, không có nước dùng, các thầy cô lại phải cùng nhau lên núi thảo gỡ. Có tháng phải đi ba bốn lần.
Mãi sau này khi xin được nguồn kinh phí, nhà trường đã khoan giếng cung cấp nước sinh hoạt.
Dạy học lâu năm, cô Lý nhận ra, học trò nơi trường cô dạy học thật thà, thân thiện nhưng lại rụt rè, ít nói. Chỉ khi nào cô thầy gợi chuyện các em mới mở lời.
Ở vùng quê Húc Nghì, học sinh đa phần cơm không đủ no, áo quần không có mặc, thương nhất là các em ở nội trú, bữa cơm chỉ là nắm rau rừng chấm muối trắng, thi thoảng bắt được con mối, con cá thì có được bữa ngon.
Vượt bao nhiêu khó khăn, giờ cô Lý đã là giáo viên Tổng phụ trách đội giỏi (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Nhiều thầy cô trong trường đã tổ chức quyên góp áo quần, sách vở để hỗ trợ cho các em.
Làm Tổng Phụ trách Đội nên cô Lý có điều kiện quản lý các em nhiều hơn, ngoài việc quản lí nề nếp trên trường, tối đến cô còn nhắc nhở các em học sinh nội trú học bài, tập cho các em nếp sống ngăn nắp, biết cách dọn bếp sau khi nấu ăn, và quan trọng hơn là trò chuyện, hỏi han các em để động viên các em.
Trường có bốn điểm trường cô Lý phải luân phiên đi từng khu vực để tổ chức sinh hoạt cho học sinh.
Cô giáo Thủ đô, có nhiều sáng kiến để học sinh được trải nghiệm |
Mùa nắng đường gồ ghề, bụi mù mịt, mùa mưa đường lầy lội, trơn trượt, bùn ngập ngang gối, chỉ một sơ suất có thể té ngã, hoặc nguy hiểm đến tính mạng.
Theo cô Lý, ở trường ban ngày thầy cô bận dạy, ban đêm không dám đi đâu chơi vì trời tối, lại sợ côn trùng rắn rết, niềm vui của các thầy cô giáo là nhóm lửa trò chuyện, hát hò.
Đa số các thầy cô công tác đều đến từ các vùng khác nhau trong tỉnh Quảng Trị nhưng họ rất đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau. Có nhiều thầy cô lập gia đình và ở tập thể của trường.
Với cô Lý, cuộc sống thiếu thốn nhiều thứ, quỹ đất không có nên không thể tăng gia sản xuất, nguồn thực phẩm chủ yếu được mua từ tiểu thương nhỏ lẻ mang từ miền xuôi lên, rau còn đắt hơn cá thịt.
Cực nhất là những lúc đau ốm, đặc biệt là các cháu nhỏ, muốn đến trung tâm y tế phải đi gần 50 km, xe cộ lại không có, đôi lúc sợ quá phải liều đi trong đêm.
Người dân ở đây cũng khá thân thiện, nhưng họ ít quan tâm đến con cái, có nhiều gia đình phó mặc cho nhà trường, thầy cô giáo phải làm công tác tuyên truyền vận động, giúp đỡ.
Khổ nhất là các trường hợp tảo hôn, chỉ biết khuyên ngăn nhưng họ vẫn kiên quyết cho con đi lấy chồng, những lúc thế thầy cô chỉ biết ngậm ngùi ra về, lớp học trống đi một chỗ.
Đến nay theo cô Lý, cuộc sống bây giờ đã khá hơn, nhờ các nhà hảo tâm, các chương trình dự án, trường được xây dựng khang trang hơn, có điện, có nước…
Người dân cũng đã biết lao động cải thiện cuộc sống, các em học sinh cũng có điều kiện để học hành tốt hơn nhưng nhiệt huyết, đam mê, sự cống hiến và hi sinh của các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa vẫn thế không hề thay đổi.
Đã gần 8 năm công tác, sợ nhất là những ngày mưa bão, sợ bão, sợ lũ, sợ đường lầy lội, sợ học trò đau không đến trường… bao nhiêu cái sợ giờ đã thành thói quen đến độ "chai lì rồi".