Gieo mầm khởi nghiệp

22/12/2020 06:10
Trung Hiếu
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn lực lớn nhất của các bạn khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, là cái riêng có, "độc quyền", đây chính là lợi thế.

Trong 2 ngày 21, 22/12/2020 tại Trường Đại học Thủy Lợi đã diễn ra Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Tại đây trưng bày, giới thiệu 72 dự án khởi nghiệp với hơn 80 gian hàng được lựa chọn từ gần 600 dự án/ý tưởng gửi đến ban tổ chức. Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh về mục đích, ý nghĩa của hoạt động này.

- PV: Thưa Thứ trưởng, được biết Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ 3 quy tụ được khá nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ học sinh sinh viên, Bà có thể cho biết vì sao Bộ lại tổ chức hoạt động này, cuộc thi có ý nghĩa và tác động như thế nào đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo?

- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Đổi mới sáng tạo là yêu cầu đặt ra cho tất cả các nước trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, không có đổi mới sáng tạo lực lượng lao động của chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn, rất dễ bị đào thải trong môi trường cạnh tranh toàn cầu. Chính vì ý nghĩa đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, ảnh: Hoàng Quỳnh.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, ảnh: Hoàng Quỳnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo là đơn vị chịu trách nhiệm triển khai Đề án 1665 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đã tích cực triển khai các nhiệm vụ, giải pháp bằng nhiều cách làm sáng tạo và đặc biệt có được sự đồng hành ủng hộ của nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương. Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" ra đời trong bối cảnh ấy.

Năm 2018 sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi lần đầu có hơn 200 ý tưởng, dự án của học sinh sinh viên tham dự, năm 2019 có tổng số gần 400 ý tưởng, dự án của học sinh sinh viên tham dự và đặc biệt năm 2020 sau gần 05 tháng phát động cuộc thi đã có hơn 600 ý tưởng, dự án của các bạn trẻ tham dự cuộc thi này. Chương trình Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên 2020 với điểm nhấn là vòng chung kết của cuộc thi năm 2020 là sự kết hợp khá hợp lý, tạo sự hấp dẫn hơn cho Chương trình Ngày hội.

Trong khuôn khổ Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên 2020, bên cạnh không gian trưng bày giới thiệu các dự án, ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các em học sinh, sinh viên vào vòng chung kết, chương trình còn lồng ghép nhiều hoạt động rất hấp dẫn, bổ ích và thiết thực đối với việc khởi nghiệp của giới trẻ, như diễn đàn "Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên"; hội thảo “Giải pháp phát triển các dự án khởi nghiệp của giảng viên trẻ và sinh viên”; hội thảo “Phát triển câu lạc bộ khởi nghiệp và nội dung đào tạo khởi nghiệp trong các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, kinh nghiệm và giải pháp”.

Nghị quyết 29-NQ/TW đã xác định một trong những quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp sáng tạo là một trong những giải pháp quan trọng, thiết thực để triển khai hiệu quả quan điểm chỉ đạo này của Trung ương.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì gặp gỡ báo chí giới thiệu về SV-Startup 2020, ảnh: thanhuytphcm.vn.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì gặp gỡ báo chí giới thiệu về SV-Startup 2020, ảnh: thanhuytphcm.vn.

- PV: Theo Thứ trưởng, để giúp học sinh sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thuận lợi và biến hoạt động này thành một phong trào rộng khắp cần có những yếu tố nào, Bộ Giáo dục và Đào tạo đóng vai trò gì trong quá trình ấy?

- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cần rất nhiều yếu tố, có thể kể ra đây một số thí dụ như thị trường, nguồn lực tài chính - vốn, nguồn lực con người, hệ thống hỗ trợ - cố vấn, khung pháp lý, cơ sở hạ tầng triển khai ý tưởng/dự án...

Với quan điểm chỉ đạo chiến lược mà Trung ương đã chỉ ra trong Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là nỗ lực phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới từ chỗ truyền thụ một chiều, hay còn gọi là thầy đọc trò chép, sang hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho người học.

Trước khi xây dựng và ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành Giáo dục đã có những bước chuẩn bị khá mạnh mẽ, đặc biệt là hoạt động dạy tích hợp liên môn trong nhà trường, đổi mới phương pháp giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển năng lực. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiên phong thực hiện Đề án Tri thức Việt số hóa; thực hiện mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu thông qua hoạt động triển khai chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo...

Có thể thấy rằng, để hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã, đang và sẽ tiếp tục tạo nền tảng căn bản cho các em về tư duy, phương pháp một cách toàn diện qua các hoạt động chính sách nêu trên. Tôi cho rằng đây là một yếu tố mang tính căn bản, bởi muốn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì đầu tiên tư duy, phương pháp của các em phải đổi mới, đây là trách nhiệm, là sứ mệnh của ngành Giáo dục, của các Nhà giáo.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là kết quả của một tiến trình đổi mới giáo dục đào tạo từ phổ thông đến cao đẳng đại học, chứ không chỉ đơn thuần là tên gọi của một đề án hay một phong trào, có như thế hoạt động này mới giữ được nguyên vẹn ý nghĩa của nó.

Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp (SV_Startup)” được tổ chức thường niên chính là sân chơi, là cơ hội để các em thể hiện ý tưởng, tìm kiếm cơ hội để biến ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của mình thành hiện thực. Đồng thời, đây cũng chính là cơ hội, là môi trường quan trọng để kết nối 3 nhà: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp.

Với Nhà nước, sản phẩm của giáo dục và đào tạo chính là nguồn nhân lực, mà một trong những thước đo quan trọng kết quả của một nguồn nhân lực chất lượng cao, theo tôi chính là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Với Nhà trường, chất lượng giáo dục - đào tạo của các cơ sở giáo dục này được thể hiện rõ nét qua việc tham gia các cuộc thi, đặc biệt là việc tiếp cận, kết nối với doanh nghiệp sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với Nhà doanh nghiệp, đây là một sân chơi bổ ích để tìm kiếm ý tưởng/dự án mới có thể đầu tư và mang lại lợi nhuận cho mình cũng như lợi ích cho cộng đồng, xã hội.

- PV: Với các ý tưởng, dự án kinh doanh nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên nói riêng thường rất quan tâm đến nguồn lực tài chính, nguồn vốn ban đầu để triển khai và cũng gặp khá nhiều khó khăn. Thứ trưởng có thể chia sẻ gì với các bạn về điều này?

- Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Nguồn lực tài chính luôn là một trong những vấn đề quan trọng đặt ra cho những ai bắt đầu khởi nghiệp, nhận thức rõ điều này nên từ năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu xây dựng hướng dẫn về cơ chế tài chính triển khai Đề án 1665, trong đó có nội dung liên quan đến hỗ trợ nguồn vốn cho học sinh sinh viên khi tham gia các hoạt động khởi nghiệp tại cơ sở đào tạo và đặc biệt là việc xây dựng các quỹ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp từ nguồn vốn xã hội hóa.

Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi Đề án 1665 được ban hành ngày 24/5/2018 đã ban hành công văn số 2101/BGDĐT-KHCNMT hướng dẫn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó đã hướng dẫn các cơ sở đào tạo chủ động bố trí các nguồn thu hợp pháp của nhà trường đồng thời vận dụng khoản 5, 6 Điều 12 Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 của Chính phủ để hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Tuy nhiên, điều tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ ở đây là, nguồn lực lớn nhất của các bạn khi tham gia khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ý tưởng mới, là chất xám, là cái riêng có, "độc quyền", đây chính là lợi thế to lớn nhất. Do đó, cái các em cần chính là "cơ hội" để biến ước mơ thành hiện thực.

Vì vậy, việc tích cực chủ động tìm hiểu thông tin, nhất là tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” sẽ mang lại cho các bạn nhiều cơ hội để cọ sát với những người có chung đam mê, với các doanh nghiệp và trường đại học, viện nghiên cứu.

Một khi ý tưởng/dự án khởi nghiệp của các bạn lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư, khi đó cơ hội thành công của các bạn lớn hơn rất nhiều so với việc chỉ tập trung tìm nguồn vốn. Hãy chăm chút cho ý tưởng / dự án / sản phẩm của mình và tích cực tìm hiểu, tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, đấy là lời khuyên của tôi với các bạn trẻ.

- PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Trung Hiếu