Binh pháp quan trường - kế thứ hai: “Tân tạo nhân diện”

30/09/2014 06:00
Xuân Dương
(GDVN) - Trong dân gian, người Việt cũng lưu truyền nhiều kiến thức về Nhân trắc học cho hậu thế,...“mặt vuông chữ điền”, “mặt sắt đen xì” ,“mặt thịt”.

“Tân tạo nhân diện” vừa có nghĩa là thay đổi diện mạo bản thân vừa có nghĩa là làm thay đổi nhận thức của người khác về diện mạo của mình. Để thay đổi diện mạo bản thân phù hợp với sự biến động liên tục của mọi loại “thời tiết”, quần áo, đồng hồ, siêu xe… chỉ  là phụ tùng thay thế, tác dụng thay đổi “nhân diện” không cao,  quan trọng nhất  là khuôn mặt.Việc dùng từ ngữ vay mượn “Tân tạo nhân diện” chẳng qua là sĩ diện chứ cứ nói là “đắp mặt cho dày” hay đơn giản là “kế mặt dày” ai ai cũng hiểu.

Có lời khuyên được truyền khẩu cho các chàng trai khi “tán gái” như sau: “thứ nhất đẹp trai, thứ hai mặt dày”. Để có thể vận dụng diệu kế “đắp mặt cho dày” thì cần có một chút hiểu biết về môn khoa học hơi mang tính thần bí là “Nhân trắc học”, nói nôm na đó là khoa học nghiên cứu về hình thể, đặc biệt là khuôn mặt con người.

Một bài viết mô tả khuôn mặt nguyên Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ như sau:  “Trong số lãnh đạo Trung Quốc, người có gương mặt ấn tượng nhất đối với tôi là Cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ. Nhìn vào mặt ông, tôi cứ có cảm giác như đang nhìn vào gương mặt chúa sơn lâm vậy“. [1]

Trong dân gian, người Việt lưu truyền khá nhiều kiến thức Nhân trắc học cho hậu thế. Chẳng hạn về khuôn mặt nam giới thì có các loại: “mặt vuông chữ điền”, “mặt sắt đen xì” ,“mặt thịt”, “mặt lưỡi cầy”... Còn với nữ giới thì có: “mặt trái xoan”, “mặt bánh đúc”, “mặt bầu bĩnh”, “mặt thịt”, “mặt lưỡi cầy”… Xin đừng nhầm lẫn khuôn mặt theo Nhân trắc học với các nét biểu cảm khuôn mặt mà ta hay nói như: mặt tươi roi rói, mặt buồn rười rượi, mặt đưa đám…, lại cũng cần phân biệt màu da trên khuôn mặt như mặt hồng hào, mặt vàng ệch…

Binh pháp quan trường - kế thứ hai: “Tân tạo nhân diện”  ảnh 1

Ảnh minh họa

Cũng là kiến thức Nhân trắc học, nhưng không phải về khuôn mặt mà là về hình thể của các “quái kiệt” các cụ nhà ta viết: “nhất lé (mắt lác), nhì lùn, tam hô (răng vẩu), tứ rỗ”, trong bốn tiêu chí định danh “anh hùng thiên hạ”chỉ có tiêu chí thứ hai (nhì lùn) là không liên quan đến khuôn mặt.

Xem thế đủ thấy đường nét khuôn mặt là vô cùng quan trọng cho những ai chán học, chán hành mà lại muốn tiến nhanh trên con đường ô lọng.

Mặt vuông chữ điển nếu kèm theo cặp lông mày xếch ngược  là con người quyết đoán, dám nói dám làm, có thể trở thành thủ lĩnh của một cộng đồng (quốc gia hay băng đảng). Loại mặt sắt đen xì thì nước da thâm tái, hố mắt rất sâu kèm theo cặp lông mày rậm nhưng cụp xuống, đây là loại người không có tình thương, cục cằn thô lỗ, sự độc ác không dấu diếm được. Loại mặt thịt (hai gò má ụ lên như đắp miếng thịt tròn vào) là loại người vừa thô lỗ, vừa thâm hiểm, bên ngoài không dễ nhận ra, loại người này không từ một thủ đoạn nào.

Với phụ nữ, mặt trái xoan, mặt bầu bĩnh thì xinh xắn, dịu dàng ai cũng mến. Mặt bánh đúc thì hiền lành chất phác, ruột để ngoài da, chẳng giận ai lâu. Mặt thịt thì cũng như tướng mạo đàn ông đã nói ở trên. Mặt lưỡi cày (đôi khi còn gọi là mặt quắt) là loại xiểm nịnh, thủ đoạn, chỉ mưu lợi cho mình. Loại này chỉ làm được những việc nhỏ không làm được việc lớn, càng không làm được thủ lĩnh.

Những mô tả trên đây mới chỉ là “thiên bẩm” tức là của trời cho, còn “nhân định” tức là những thứ do con người quyết định thì lại là chuyện khác. Giống như thuật xem tướng tay, tay trái (nam giới) là “thiên bẩm” xem tay này chưa đủ mà còn phải xem thêm tay phải là “nhân định” để biết mình có thể cố gắng khiến cho “nhân định thắng thiên” hay không?

“Đắp mặt cho dày” vừa chống lại được các tác động cơ học (chẳng hạn khi bị tát), cũng giúp chống lại cả các tác động về tâm lý, tinh thần, đặc biết hữu hiệu khi chống lại búa rìu dư luận.

Chẳng hạn ở Indonesia, ông  Akil Mochtar 53 tuổi, cựu thẩm phán của Tòa án Hiến pháp đã nhận tổng cộng 5,4 triệu USD để thay đổi phán quyết trong các vụ án. Mochtar bị tuyên án tù chung thân, tuy nhiên ông cho biết sẽ kháng cáo vì nghĩ bản án đó "không công bằng". [2]

Nếu không “mặt dày” liệu Mochtar có dám kháng cáo khi bị bắt quả tang nhận hối lộ?

Hay như đường lưỡi bò trên biển Đông, mặc dù bị cả thế giới phản đối nhưng người kế thừa nó từ Trung Hoa dân quốc vẫn nhận xằng rằng họ dựa vào “chủ quyền lịch sử”, cái mà nhân loại chẳng ai nhìn thấy bao giờ. Nói thể để thấy, từ cá nhân đến quốc gia, từ việc cỏn con đến việc đại sự, “mặt dày” là một công cụ luôn được sử dụng, chính vì thế nếu không nắm vững kế sách “đắp mặt cho dày” thì khó mà “công thành danh toại”. Vấn đề là làm sao để có thể “dày mặt” nếu sinh ra vốn bị mỏng mặt?

Việc “tu dưỡng bản thân” để áp dụng kế sách này phải bài bản, công phu, những người “sĩ diện” khó mà đạt đến “cảnh giới”.  Chỉ có ba bước rèn luyện để trở thành “cao thủ mặt dày”, nhanh hay chậm là còn tùy vào “cái duyên” của người tập luyện.

Bước đầu tiên là “Tung hỏa mù” để đón nhận dư luận, hỏa mù phải vừa đúng vừa sai để có chỗ cho dư luận vừa khen, vừa chê.  Ví dụ ở tầm “trung mô”, dưới đuôi (vĩ) mô một tí, có thể tung hỏa mù như cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng tuổi đã bát tuần đi thi đại học để có cơ hội cộng thêm điểm cho các mẹ. Đây việc làm nhân văn, lại đúng với quy định ưu tiên người có công, thế thì phải được khen ngợi, rủi có những ý kiến chê bai thì lại là điều tốt để mà rút kinh nghiệm. 

Cách rút kinh nghiệm rất chi là đa dạng, chẳng hạn vận dụng chiêu cũ lại tung hỏa mù tiếp, ví dụ cộng điểm tiếp cho con các cụ cách mạng lão thành nếu có đi thi cao đẳng, đại học. Cần lưu ý khi tung hỏa mù là phần để cho dư luận chê chỉ vừa đủ, không thì khéo quá hóa vụng, lại bị đối phương dùng chiêu “gậy ông đập lưng ông”.  Bước đầu tiên này chỉ là khởi động để cho quen với gió sương,  mới chỉ như mát xa để có lớp da mịn màng, săn chắc chuẩn bị cho hai bước tiếp theo. 

Binh pháp quan trường - kế thứ hai: “Tân tạo nhân diện”  ảnh 2

Không ai được quyền đứng trên luật pháp

(GDVN)-Trong một xã hội pháp quyền, không một cá nhân, tổ chức nào được phép đứng trên pháp luật. Luật pháp phải đảm bảo quyền lợi tối thượng của quốc gia và người dân.

Sau bước tung hỏa mù là đến bước “Lì đòn”, ví dụ minh họa cho bước ”Lì đòn” này có thể thấy qua bài viết trên báo Tuổi trẻ Online ngày 22/8/2014: “dù đơn thư đã được đại biểu Quốc hội chuyển đến Bộ trưởng X, nhưng Bộ Y đã chính thức đề nghị các cơ quan thông tấn báo chí “không đăng tải các nội dung chưa được kiểm chứng, chưa được các cơ quan chức năng liên quan kết luận... để không ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y, của Bộ Y”.  

Cái việc mà báo chí không nên “xía vào” ấy không phải ở Cục QLTT mà là ở Cục QLCT thuộc Bộ Y. Còn những chuyện khác như giá xăng dầu, ghi số điện, hàng giả, hàng nhái, động đất sông Tranh… thì đã cũ mèm, không ai muốn nhắc đến. Mà nếu có nhắc như hàng chục năm nay thì cũng chả sao, uy tín của ngành, của Bộ “dầy dặn” như thế, khả năng “lì đòn” siêu hạng như thế mấy câu của báo chí làm sao mà xuy xuyển được.

Hay như gần đây Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đưa ra Đề án “Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3 tại TP.HCM năm học 2014-2015”. Chỉ là thí điểm nhưng đã cần tới 4.000 tỷ, số tiền này là nhằm khấu trừ vào bữa cơm của phụ huynh và học sinh thành phố, tuy nhiên nó lại mang danh “đổi mới giáo dục” của một cơ quan công quyền. Biết rằng sẽ bị “ném đá” nhưng vì phải luyện công phu “Lì đòn” nên Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh vẫn cứ nhắm mắt làm liều. Đề án này không đạt thì nghĩ cách chuyển sang đề án khác, thiên hạ sức mấy mà ném mãi, việc lợi cho dân, nhất là cho “trẻ con” như thế tại sao bọ lại không làm?

Sau khi đã đạt chuẩn “lì đòn”, thì phải chuyển sang bước ba, là bước “đánh bóng”. Phải thay các khuôn mặt “xấu xí” thành khuôn mặt nhân từ, phúc hậu.

Chẳng hạn ở Bắc Ninh, cách trung tâm Hà Nội những 30 km, sau khi ra tù, Minh “Sâm” trở thành trùm xã hội đen nhưng lại được vinh danh là một trong 1000 doanh nghiệp tiêu biểu, được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Cái mác doanh nhân “thành đạt và hào phóng” mà trùm xã hội đen có được đã làm lóa mắt nhiều người cầm cân nảy mực ở gần nên phải cậy đến Bộ Công an vào cuộc mới “cháy nhà, ra mặt doanh nhân thành đạt”.

Một trong những liệu pháp “phẫu thuật thẩm mỹ”  được sử dụng thường xuyên cho kỹ xảo “đánh bóng”  là làm từ thiện. Chẳng hạn tổ chức một đoàn cỡ trên chục người, bay từ Hà Nội vào Sài Gòn, nghỉ ngơi ở khách sạn một đêm cho lại sức, sáng hôm sau thuê mấy cái taxi xuống vùng bị ngập lũ tặng bà con túi quà gồm mì chính, mì tôm và mùng che muỗi, chiều về lại Sài Gòn nghỉ ngơi, chờ máy bay hôm sau quay ra Hà Nội. Đoàn phải đông người một chút, mỗi người khệ nệ xách chục túi quà lội nước, leo cầu khỉ, thế mới chứng tỏ họ thật là nhân từ, thật là phúc hậu. Ở chiều ngược lại, khối nghệ sĩ phương nam lại ra tận vùng núi phía bắc tặng quà, nếu tặng gần, bụt chùa nhà không thiêng.

“Những đỉnh cao muôn trượng chỉ có chim ưng và loài bò sát là vươn tới được”, câu nói này ngày xưa thì đúng, nay thì cần phải xem lại. Chim ưng thì chỉ có một vài loài, bò sát thì đông vô kể nhưng tất cả đều thua loại “bò sát” hai chân đã luyện công phu “lì đòn, đánh bóng” đến mức thượng thừa. Không tin thì cứ việc lên đỉnh Boeing 737 mà xem, bọn bò sát, chim ưng chỉ có thể lên đến đỉnh Everest hơn 8 nghìn mét là hết cỡ, còn cao thủ “lì đòn” thì lên cao mười nghìn mét trong khoang Vip Boeing là chuyện cơm bữa.

Trong quá trình “Tân tạo nhân diện” cần lưu ý không được tiếc tiền, chẳng hạn má hóp mặt quắt phải độn thêm cho trở thành bầu bĩnh thì đừng có dùng silicon dỏm như mấy chi độn ngực, nó mà vỡ ra chảy vào răng thì có khi lại không còn cái răng nào mà ăn … cháo.

Cũng lại hết sức chú ý là nếu trời sinh thuộc vào hàng lùn thì đó là điều may mắn, đừng làm gì cả. Trên thế giới Napoleon hay Đặng Tiểu Bình đều thuộc tuýp người lùn, nhưng thế giới vẫn phải ngước nhìn họ đấy. Còn nếu rủi có bị “lùn trí tuệ” thì cứ ung dung đi không sao đâu, kiếm “mấy thằng” quân sư quạt mo chỉ số IQ 150 là ổn. Nhớ là hợp đồng quân sư phải ghi rõ bản quyền như sau: “anh (quân sư) phải  thực thi một cách tuyệt đối “quyền im lặng”,  những gì anh nói ra, viết ra, kể cả đang suy nghĩ trong đầu bản quyền đều thuộc về tôi (người lùn), nghiêm cấm việc nói năng trả lời bất kỳ người nào, kể cả người có phận sự dù chỉ một từ Đa hay Nhét (tiếng Nga)”.

Qua bao nhiêu gian khó, đạt đến độ “cảnh giới mặt dày”, nghĩa là đã được công nhận theo tiêu chuẩn “OSIN 2014” thì không còn gì có thể gọi là khó, mọi trở ngại chỉ như muỗi mắt, phẩy tay một cái là xong. Con đường quan lộ thênh thang đã ở trước mặt, nhưng đừng vội mừng, trước khi “thò chân” vào hãy nhìn trước, nhìn sau, tốt nhất là luyện thêm vài chiêu nữa cho chắc ăn, rủi có bị ngã còn có cái gậy chống. 

Nếu ai chưa từng biết đến tiêu chuẩn OSIN thì phải chịu khó tìm hiểu,  mấy bác “nhà quê guốc mộc” chỉ biết  osin là đầy tớ không biết bấm nút điều khiển nồi cơm điện chứ đâu có biết Osin thời @ khác xa ngày xưa, họ sợ thịt cá mà chỉ chuộng rau sạch thôi. Chỉ xin gợi ý rằng việc phát minh ra tiêu chuẩn này được tổ chức “Minh bạch liên quốc tế” đánh giá rất cao đấy.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://vmcinhanoi.blogspot.com/2010/01/chu-dung-co-hieu-oi.html

[2]http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/cuoc-song-do-day/cuu-tham-phan-indonesia-nhan-hoi-lo-5-trieu-usd-3011731.html

Xuân Dương