Bộ trưởng… mời cơm!

13/11/2019 06:43
Xuân Dương
(GDVN) - Hy vọng những gì Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khất và câu trả lời riêng cho đại biểu Lưu Bình Nhưỡng sẽ cung cấp cho truyền thông nếu “bữa cơm” được thực hiện.

Báo Tienphong.vn trong bài “Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Đại biểu hỏi nhiều vấn đề, xin phép trả lời sau” đăng kèm một video clip dài 2 phút 41 giây tường thuật câu chất vấn của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) và câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. [1]

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn (Ảnh: cắt từ clip của VTV1).
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn (Ảnh: cắt từ clip của VTV1).

Thông tin trên “Cổng Thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam” cho hay ông Lưu Bình Nhưỡng hiện là một trong hai Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, người còn lại là ông Đỗ Văn Đương. [2]

Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời về 4 nhóm vấn đề (giải pháp) liên quan đến hoạt động của Bộ và Bộ trưởng, vấn đề đầu tiên ông Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Hùng trả lời là:

“Giải pháp thực hiện quy hoạch báo chí để đảm bảo đúng pháp luật, hiệu quả không gây ra hệ luỵ về chính trị kinh tế - xã hội”.

Câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng như sau:

“Tôi nghĩ là tôi nên chọn cái cuối cùng, vì nó dài quá nên xin phép anh Nhưỡng là ba phần trên gặp riêng vậy, hôm nào mời cơm anh một bữa”.

Từ ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Đại biểu Quốc hội phải nêu gương, trong thời gian diễn ra kỳ họp Quốc hội, các bộ, ngành mời giao lưu, dự tiệc thì không tham dự”.

Có thể cho rằng, bữa cơm mà Bộ trưởng Hùng mời sẽ không diễn ra trước khi kỳ họp kết thúc và như vậy những người quan tâm, đặc biệt là giới báo chí khó có thể biết câu hỏi của ông Nhưỡng khi nào sẽ có câu trả lời.

Với tư cách là Phó trưởng Ban Dân nguyện, vấn đề mà ông Nhưỡng nêu lên cũng phản ánh tâm tư của đội ngũ làm báo Việt Nam hiện tại.

Hy vọng những gì Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khất tại nghị trường và câu trả lời riêng cho Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng sẽ được cung cấp cho truyền thông nếu “bữa cơm” được thực hiện.

Trong khi chờ đợi thông tin về buổi “gặp riêng” giữa vị bên lập pháp và vị bên hành pháp, dẫu biết là có nói, có viết gì cũng chỉ là “Cầm đèn chạy trước ô tô” song xin mạn phép múa rìu một tí, các “thợ” có thể chẳng cần nghe bởi đây đều là những “thợ cả” vừa tài hoa vừa quá quen thuộc với bầu không khí chính trường.

Bộ làm gì để quy hoạch báo chí đúng luật, không gây hệ lụy xã hội?
Bộ làm gì để quy hoạch báo chí đúng luật, không gây hệ lụy xã hội?

Câu hỏi của ông Lưu Bình Nhưỡng về quy hoạch báo chí liên quan đến Quyết định 362/QĐ-TTg “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt ngày 03/04/2019.

Một trong những “Căn cứ” của Quyết định là “Căn cứ Luật Báo chí ngày 05/4/ 2016” và trên cơ sở “Đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông”.

Về định hướng, phương án sắp xếp và lộ trình thực hiện đối với báo (điện tử) và tạp chí (điện tử), Quyết định 362/QĐ-TTg quy định:

“Mỗi tổ chức chính trị - xã hội trung ương có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam có 01 cơ quan báo trực thuộc Liên hiệp và một số tạp chí của các hội thành viên.

Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam có 01 cơ quan báo và 01 cơ quan tạp chí.

Mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội trung ương có 01 cơ quan tạp chí”.

“Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí”.

Để thực hiện đúng lộ trình và nội dung Quyết định 362/QĐ-TTg, dù các vị “Thợ cả” đã biết rồi song nhắc lại một chút các quy định của pháp luật hiện hành chắc không thừa.

Điều 25, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Bài viết này, xin giới hạn trong phạm vi báo và tạp chí điện tử.

Thứ nhất: Phân biệt hai loại hình “Báo” và “Tạp chí”.

Điều 3, Luật Báo chí 2016 giải thích một số khái niệm:

“Báo chí” là sản phẩm thông tin về các sự kiện, vấn đề trong đời sống xã hội, được xuất bản định kỳ…

“Tạp chí” là sản phẩm báo chí xuất bản định kỳ đăng tin, bài có tính chất chuyên ngành…

“Báo điện tử” là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.

Có thể thấy theo Quyết định 362/QĐ-TTg, “Không gian tin tức” của “Tạp chí” hẹp hơn một chút so với “Báo chí”, tuy nhiên cả hai loại hình đều được quyền “Xuất bản định kỳ” nghĩa là nếu báo chí xuất bản hàng ngày thì “Tạp chí” cũng có quyền xuất bản hàng ngày.

Quy định này chỉ nhấn mạnh sự khác biệt giữa báo chí và tạp chí ở nội dung thông tin chứ không phải thời lượng xuất bản.

Bộ trưởng… mời cơm! ảnh 3
Que diêm và rừng cỏ dại

Thứ hai: Đối tượng được thành lập cơ quan báo chí

Điều 14, Luật Báo chí 2016 quy định:

“Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí”.

Điều khoản này thể hiện hai điều quan trọng:

- Quy định sự bình đẳng giữa “Các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo cấp tỉnh…” trong việc “Thành lập cơ quan báo chí”.

- Không thể hiện “Cơ quan, tổ chức” chỉ được phép xuất bản “Tạp chí”.

Với nguyên tắc “Cơ quan hành pháp chỉ được làm những gì pháp luật cho phép”, nếu quy hoạch báo chí quy định “Tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp” chỉ được xuất bản “Tạp chí” thì Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cần đề nghị Quốc hội sửa Luật Báo chí theo hướng Luật phải quy định rõ là “Cơ quan, tổ chức” nào được phép xuất bản báo, cơ quan, tổ chức nào chỉ được xuất bản tạp chí?.

Điều này là quan trọng để tránh tình trạng Quyết định của Thủ tướng vô tình bị biến thành một loại “giấy phép con”, điều mà lãnh đạo Chính phủ đang quyết tâm loại bỏ.

Thứ ba: Sự đồng bộ ở tầm vĩ mô

Nhiều vị lãnh đạo nhấn mạnh “Kinh tế tư nhân là một trong những trụ cột phát triển kinh tế”; “Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển đất nước”; “Tạo mọi điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển”…

Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa”
Binh pháp quan trường, kế thứ 8 – “Ngôn pháp Tà Lưa”

Nghị quyết 29 về “Đổi mới giáo dục, đào tạo…” nhấn mạnh vai trò của xã hội hóa giáo dục, tức là động viên tư nhân tham gia vào một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của hệ thống chính trị.

Một số chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay thấp thoáng bóng dáng tư nhân mà Cát Tiên Sa là một cái tên đình đám.

Hiện có nhiều bộ phim được tư nhân đầu tư sản xuất, công chiếu trong và ngoài nước.

Cần phải nhấn mạnh các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, truyền hình, giải trí… ảnh hưởng rất nhiều đến việc hình thành nhân cách con người Việt Nam tương lai, tác động không nhỏ đến suy nghĩ, tâm tư, tình cảm người Việt không hạn chế sự tham gia của tư nhân.

Khi đề cao vai trò của tư nhân như vậy thì cần có sự đồng bộ về chính sách, vừa đảm bảo quản lý thông tin và tuyên truyền, vừa động viên được nguồn lực toàn xã hội tham gia vào các hoạt động tạo nên món ăn vật chất và tinh thần cho người dân.

Hy vọng ánh sáng le lói của ngọn nến nho nhỏ này sẽ góp phần tăng sự lịch lãm, sang trọng trong “bữa cơm” của các vị chính khách.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-nguyen-manh-hung-dai-bieu-hoi-nhieu-van-de-xin-phep-tra-loi-sau-1484367.tpo

[2] http://quochoi.vn/bandannguyen/gioithieu/Pages/cac-thanh-vien-khoa-xiv.aspx

Xuân Dương