Bộ trưởng… dỗi

01/11/2019 06:36
Xuân Dương
(GDVN) - Vấn đề bây giờ không phải là “đổi vai” mà “quả bóng” trách nhiệm làm luật đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà chuyền sang phía Quốc hội.

Phát biểu về dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội ngày 29/10/2019, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc xem xét lại về vấn đề đại biểu Quốc hội chuyên trách. 

Theo ông Hà “Chúng tôi muốn nhường ghế Quốc hội cho đại biểu chuyên trách”. [1]

“Chúng tôi” xin được hiểu trong phát biểu của Bộ trưởng Hà mới giới hạn ở hai nhóm công chức là các Bộ trưởng và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

Cứ cho là đề xuất của ông Trần Hồng Hà được thực hiện ở mức tuyệt đối thì cũng chỉ mới đạt tỷ lệ 17% vì tổng số Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh là 85 người (22 Bộ trưởng và lãnh đạo cơ quan ngang bộ, 63 Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh) trong khi Quốc hội có khoảng 500 đại biểu.

Nếu thực hiện theo đề xuất của một số đại biểu Quốc hội là nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên tới 50-60% thì số lượng sẽ khoảng 250-300 người. 

Phát biểu của Bộ trưởng Trần Hồng Hà diễn ra sau khi có những phản ứng không đồng tình từ một số lãnh đạo Quốc hội và dư luận về đề xuất “đổi vai” của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó người/cơ quan soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng đồng thời “chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo”.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Vneconomy.vn)
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. (Ảnh: Vneconomy.vn)

Có người nói vui rằng có vị Bộ trưởng đang “dỗi”với Quốc hội, cũng có người cho rằng đây là một sự thách đố bởi dù có tăng lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 60% thì với cơ cấu đại biểu như hiện nay Quốc hội cũng khó có thể đảm nhận việc soạn thảo luật. 

Dẫu sao đây cũng là một ý kiến có trách nhiệm mà không nhiều người ở cương vị như Bộ trưởng Trần Hồng Hà mạnh dạn đề xuất.

Tuy nhiên từ ý kiến của Bộ trưởng Hà, để Quốc hội thực hiện đúng chức năng mà Hiến pháp quy định, Luật Tổ chức Quốc hội phải có những điều khoản cụ thể hóa điều 69 Hiến pháp 2013:

“Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước”.

Muốn thực hiện “quyền lập hiến, quyền lập pháp” thì Luật Tổ chức Quốc hội phải quy định rõ “Quốc hội là cơ quan thẩm định, soạn thảo và ban hành luật” chứ không chỉ đóng vai trò thẩm định, phản biện các dự thảo luật do Chính phủ đệ trình.

Khó khăn nằm ở chỗ hiện nay Quốc hội gần giống như Mặt trận Tổ quốc, nghĩa là gồm đủ mọi thành phần “nam, phụ, lão, ấu”, đại diện các dân tộc, tôn giáo, vùng miền,…

Lãnh đạo “trò chuyện” sao dân ... chóng mặt?
Lãnh đạo “trò chuyện” sao dân ... chóng mặt?

Quốc hội khóa hiện nay có những đại biểu dân tộc ít người, khi được bầu mới chỉ ngoài 20 tuổi, có người vừa tốt nghiệp trung cấp,…

Dù chưa có thống kê chính thức nào được công bố song có ý kiến cho rằng một số lượng không nhỏ đại biểu Quốc hội chưa được trang bị các kiến thức cơ bản thuộc lĩnh vực luật pháp ngoài các buổi tập huấn được Văn phòng Quốc hội thực hiện, chẳng hạn đến tháng 09/2019 mới có lớp tập huấn thứ hai tổ chức tại Nghệ An cho chuyên viên, công chức Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh phía Bắc về “Kỹ năng phân tích, phản biện và góp ý xây dựng luật”. (Quochoi.vn 24/09/2019). 

Nếu có những lớp tập huấn với nội dung tương tự dành cho đại biểu Quốc hội, liệu các vị đại biểu là Bộ trưởng, Bí thư hoặc Chủ tịch tỉnh có hồ hởi tham dự?

Thực tế nêu trên có phải là nguyên nhân khiến Bộ trưởng Trần Hồng Hà không ngại nêu lên bất cập về trình độ của đại biểu Quốc hội:

“Bây giờ tại sao các đại biểu Quốc hội chuyên trách không thấy những vấn đề bức xúc của đất nước, những vấn đề có tính chất liên vùng, liên ngành để cùng nhau xây dựng các văn bản pháp luật mà cứ để cơ quan hành pháp xây dựng, bảo vệ và nhiều ý kiến hiện nay còn đòi họ có trách nhiệm đến cùng”. [1]

Theo ông Hà, cần phải có những bộ luật mà các cơ quan chuyên trách của Quốc hội xây dựng chứ không phải cứ giao cho cơ quan hành pháp, tư pháp như hiện tại.

Vấn đề bây giờ không phải là “đổi vai” mà “quả bóng” trách nhiệm làm luật đã được Bộ trưởng Trần Hồng Hà chuyền sang phía Quốc hội.

Tuy nhiên Quốc hội hiện thời chưa thể soạn thảo luật vì các lý do:

Thứ nhất: “Một số trường hợp không còn chỗ nào về được nữa, người ta mới về Quốc hội. Có người khi chúng tôi làm việc với tổ chức để quy hoạch họ về làm đại biểu chuyên trách, họ xin “đừng cho em vào””. [2]

Nếu “không còn chỗ nào về được nữa” mới về Quốc hội thì năng lực, trình độ người đó như thế nào và Quốc hội trong trường hợp này có phải là cơ quan … từ thiện?

Trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách với một số người liệu có giống như câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm “Gang không mật mỡ kiến bò chi”? 

Nếu không phải vì “mật mỡ” thì vì sao người ta không hứng thú với vai trò đại biểu Quốc hội?

Thứ hai: Phần lớn Đại biểu Quốc hội hiện nay không phải đang đóng “hai vai” mà là “ba vai”, vừa là đại biểu dân cử, vừa là công chức nhà nước, vừa là đảng viên.

Trong ba vai đó, vai nào là quan trọng nhất?

Trả lời câu hỏi này không gì bằng dẫn ý kiến của Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga:

“Tôi đã từng chứng kiến ở khóa trước, một đại biểu Quốc hội địa phương chất vấn bộ trưởng thì ngay buổi trưa, Bí thư Tỉnh ủy địa phương đó gọi điện tới đại biểu gay gắt, phê bình cháy mặt. Mà chuyện này không phải hiếm”. [2]

Là đại biểu dân cử, làm việc tại cơ quan quyền lực cao nhất quốc gia mà lại bị Bí thư Tỉnh ủy địa phương “phê bình cháy mặt” thế là hợp pháp, hợp hiến hay hợp điều lệ?

Cày ải… tư duy
Cày ải… tư duy

Muốn đại biểu Quốc hội không bị Bí thư Tỉnh ủy địa phương phê bình cháy mặt thì đại biểu Quốc hội chuyên trách nên sinh hoạt tại Đảng bộ Quốc hội (nếu có) hay cứ sinh hoạt tại chi bộ do cấp ủy địa phương quản lý?

Mặt khác, cũng cần xem xét liệu ông Bí thư Tỉnh ủy địa phương ấy có phải đang tự xem mình là “vua con”, là “to” hơn đại diện của nhân dân tại Quốc hội? 

Cũng cần phải nhìn nhận một cách khách quan là không thể đòi hỏi một người sắm cùng lúc mấy “vai” hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Tình trạng đại biểu bỏ họp các phiên toàn thể hoặc ngủ gật đôi khi chính là do các “vai” này gây nên.

Thứ ba: Khi tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, một trong những nhiệm vụ của số đại biểu này là đảm nhận vai trò soạn thảo luật hoặc chỉ đạo xây dựng dự thảo luật, vì thế cần xem xét năng lực chuyên môn về pháp luật của đại biểu, tránh tình trạng có nhân sự làm Bí thư, Chủ tịch dễ, làm chuyên viên khó. 

Để Quốc hội khóa mới trở thành cơ quan làm luật, nên chăng có quy định phân bổ ngân sách soạn thảo dự án luật cũng như ngân sách dành cho Y tế, Giáo dục,… 

Quốc hội sẽ đặt hàng hoặc gọi “thầu” các Đoàn luật sư, Văn phòng luật sư soạn thảo dự án luật rồi đưa ra thảo luận tại các kỳ họp toàn thể hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nếu dự án luật bị nhiều đại biểu phản bác thì phải sửa, luật được thông qua, công bố mới trả tiền.

Người viết tin rằng với 63 đoàn luật sư tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và vài trăm văn phòng luật sư, việc đặt hàng và hoàn thành cả trăm bộ luật trong vòng một năm là hoàn toàn khả thi.

Thứ tư: Cần có chế độ đãi ngộ thích đáng với đại biểu Quốc hội, tránh tình trạng như Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội phát biểu: “vừa qua quy hoạch người ở các cơ quan khác về làm phó chủ nhiệm, thường trực uỷ ban Tài chính Ngân sách, họ không thích, đưa vào quy hoạch rồi cũng xin rút ra”.

Liệu đã đến lúc Quốc hội cần tiến hành một cuộc “Đổi mới toàn diện và triệt để cơ cấu và hoạt động của Quốc hội” giống như việc đổi mới giáo dục và đào tạo đang được thực hiện?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://kiemsat.vn/de-xuat-tang-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-54424.html

[2]https://nld.com.vn/thoi-su/kien-nghi-tang-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-20191029214534068.htm

Xuân Dương