Cần kỷ luật hay “Một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo”?

19/09/2020 08:01
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dẫu sao, kỷ luật chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng khi “một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” không thể thực hiện.

Chuẩn bị đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 vào đầu năm 2021, trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói về việc xử lý cán bộ sai phạm:

“Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em. Nhưng làm là để có khí thế vươn lên, chứ không phải nhụt chí đi, hay co lại không dám làm vì sợ khuyết điểm.

Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm. Mỗi lần ngã là một lần bớt dại, để thêm khôn một chút nữa trong người”. [1]

Những gì mà lãnh đạo hai thành phố trực thuộc trung ương là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu có phải là nguyên nhân khiến ông Nguyễn Phú Trọng phải nói thẳng?

Tại Đà Nẵng, Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng cho biết: “Thời gian qua TP Đà Nẵng có những đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…, trong quá trình như vậy có người bị bắt, người bị kỷ luật.

Việc xử lý đó tạo niềm tin cho người dân đối với quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhưng cũng đã tác động đến tinh thần làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức, làm họ co lại, thậm chí là lo sợ.

Tâm lý này không chỉ ở cán bộ, công chức mà cả lãnh đạo, bây giờ phải khẳng định như thế”. [2]

Kỷ luật chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng khi “một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” không thể thực hiện. (Ảnh minh hoạ: Satế/Congluan.vn)

Kỷ luật chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng khi “một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” không thể thực hiện. (Ảnh minh hoạ: Satế/Congluan.vn)

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong cũng có ý kiến tương tự:

“Các cuộc thanh, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức thành phố, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính”. [3]

Có thể thấy phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không chỉ dành riêng cho đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh mà cũng nhằm gửi tới tất cả tổ chức, cá nhân thuộc hệ thống chính trị.

Nói đến chuyện “ngã” của một bộ phận cán bộ lãnh đạo đảng bộ, chính quyền các địa phương thì không chỉ Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Ngãi, Đắc Lắc,…

Và đương nhiên cũng còn không ít lãnh đạo bộ ngành trung ương như các Bộ Công thương, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng, Giao thông Vận tải,…

Tại các địa phương, đơn vị nêu trên, ngoài Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân một số nơi cả Ban Thường vụ đều bị cơ quan chức năng (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Quốc hội, Chính phủ) xem xét kỷ luật với các mức độ khác nhau, một số lãnh đạo cao cấp đã bị xử lý hình sự.

Vấp ngã trong cuộc sống với mỗi con người vốn là điều bình thường theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, vấp ngã của một đơn vị, tổ chức chính trị xã hội cũng vậy.

Vấp ngã có thể mang đến thương tích cả trên cơ thể lẫn trong tâm tưởng, vấn đề là sau vấp ngã người ta “bớt dại” như thế nào, người ta “khôn một chút” thế nào?

Có hai xu hướng đáng quan tâm:

Thứ nhất, người/cơ quan bị vấp ngã sẽ “khôn một chút” để không bị vấp ngã tiếp hay để giấu kỹ căn bệnh hay “vấp ngã” của mình?

Thứ hai, có hay không hiện tượng nhìn vào các đối tượng đã “vấp ngã”, các đối tượng có nguy cơ “vấp ngã” khác sẽ “khôn một chút” để không ai biết hoặc biết cũng không làm gì được họ, chẳng hạn chuẩn bị sẵn hộ chiếu nước ngoài như cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hay đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc,…?

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela từng nói:

“Vinh quang nhất trong cuộc sống không phải là không bao giờ thất bại, mà là đứng lên sau mỗi lần thất bại” (The greatest glory in living lies not in never falling, but in rising every time we fall);

“Một nhà lãnh đạo giỏi có thể tham gia vào một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo, cần phải nhận thức rằng mục đích cuối cùng là người đó và đối tượng tranh luận phải trở nên gần gũi hơn, quan hệ đôi bên trở nên mạnh mẽ hơn. Bạn không thể có ý tưởng đó nếu bạn là người kiêu ngạo, hời hợt và thiếu hiểu biết”

(A good leader can engage in a debate frankly and thoroughly, knowing that at the end he and the other side must be closer, and thus emerge stronger. You don’t have that idea when you are arrogant, superficial, and uninformed). [4]

Nelson Mandela không phải là đảng viên cộng sản nhưng những gì ông nói ai cũng phải lắng nghe dù chính kiến có khác nhau.

Quan điểm của Nelson Mandela được thừa nhận tại nhiều quốc gia với thể chế chính trị khác nhau, được nhiều chính khách, nhà khoa học và dân chúng tán đồng.

Liệu có trường hợp ngoại lệ lãnh đạo giỏi nhưng không cần “tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” với đối tượng không (hoặc chưa) cùng quan điểm với mình?

Và liệu có trường hợp người không muốn tham gia các cuộc “tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” lại không phải là “người kiêu ngạo, hời hợt và thiếu hiểu biết”?

Câu nói của Nelson Mandela áp dụng với số ít (A good leader, He) nhưng vẫn đúng với số nhiều.

Nói cách khác “Một tập thể lãnh đạo tốt” cũng cần những tranh luận thẳng thắn và thấu đáo với các “tập thể” khác - trong đó có dân chúng - “tập thể” đông nhất xã hội.

Phải chăng tinh thần trên đã được thể hiện trong buổi làm việc của tập thể Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh?

Sự thẳng thắn thể hiện qua câu nói “Có ý kiến cho rằng, xử lý như thế làm nhụt chí anh em” bởi người có “ý kiến” đó cũng có mặt trong buổi làm việc.

Sự thấu đáo thể hiện qua đánh giá: “Người đảng viên cộng sản không sợ khuyết điểm”, tất nhiên đây là nói về những “đảng viên chân chính”, những người không chân chính thì ngược lại.

Mong muốn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là xử lý sai phạm để “có khí thế vươn lên” thế nhưng không thể phủ nhận vẫn có những biểu hiện trái chiều.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Phan Thị Mỹ Thanh cho rằng: “Trách nhiệm của người Đảng viên, khi thấy những vấn đề cần làm rõ thêm thì khiếu nại, không có vấn đề gì…”. [5]

Cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng thản nhiên “đùa cợt với kỷ luật”, rằng “Tôi nghỉ hưu rồi, họ muốn xử thế nào thì xử”. [6]

Với những người như bà Phan Thị Mỹ Thanh, ông Phạm Thế Dũng, họ vấp ngã nhưng không hề bớt dại, thậm chí họ còn tỏ ra thách thức tổ chức.

Vậy nhưng tại sao họ lại có thể leo đến những chức vụ cao như vậy?

Chuyện ông Lê Vinh Danh bị tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng, bị cách hết các chức vụ trong đảng có phải chỉ diễn ra sau một quá trình “tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” với mục đích xây dựng mối quan hệ gần gũi, mạnh mẽ hơn hay là nhằm chấm dứt một mối quan hệ?

Rồi đây có thể ông Lê Vinh Danh sẽ rời khỏi Đại học Tôn Đức Thắng, nhưng liệu ngôi trường này có thể xóa hết mọi thành tựu mà ông Danh đã đóng góp, có thể xóa tên ông khỏi danh sách những người đã góp công xây dựng thương hiệu Đại học Tôn Đức Thắng với cộng đồng quốc tế?

Việc tổ chức kỷ luật thành viên là chuyện nội bộ, việc xử lý một con người lại không phải chuyện nội bộ mà liên quan đến pháp luật.

Nhưng dẫu sao, kỷ luật chỉ nên xem là biện pháp cuối cùng khi “một cuộc tranh luận thẳng thắn và thấu đáo” không thể thực hiện.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-muon-tp-hcm-la-mau-muc-ve-chuan-bi-dai-hoi-671309.html

[2]https://plo.vn/thoi-su/da-nang-lo-ngai-can-bo-co-trach-nhiem-877341.html

[3] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/chu-tich-tp-hcm-thanh-tra-khoi-to-nhieu-lam-giam-nhue-khi-cong-chuc-493114.html

[4] https://leadthechange.asia/25-trich-dan-cua-nelson-mandela-giup-ban-thay-doi-tu-duy-lanh-dao/

[5] https://www.nguoiduatin.vn/pho-bi-thu-dong-nai-phan-thi-my-thanh-noi-ve-chong-lung-cho-chong-a343731.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/khi-chu-tich-tinh-ve-huu-dua-cot-voi-ky-luat-400602.html

Xuân Dương